Liên quan đến thông tin trình báo một thuyền trưởng tàu cá chém, trói tay rồi đẩy 4 ngư phủ xuống biển gây hoang mang dư luận, sáng nay 13/12, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh Cà Mau) đã cho biết kết quả điều tra về vụ việc.
Cụ thể, theo thông tin trên Zing News, một lãnh đạo thuộc đơn vị trên cho biết: “Chúng tôi khẳng định không có vụ việc nào xảy ra với nội dung như vậy. Các ngư dân trở về đất liền cũng đã được cách ly y tế theo quy định”.
Hình ảnh được cho là ngư phủ trên tàu cá (Ảnh: Báo Công an nhân dân)
Cũng theo nguồn trên, ngư dân N.C.T. (SN 1991, ngụ TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) - người trình báo sự việc nói chuyện không bình thường, bị nghi "ngáo đá".
Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đất Mũi trao đổi với Zing News: "Người này có thể ngáo đá nên khai bậy chứ thực tế không có. Hai tháng trước có một người mất tích và gia đình trình báo là do tai nạn".
Hiện ngư dân T. đã được đưa vào khu cách ly phòng chống dịch Covid-19.
3 ngư phủ được cho là đi trên "chuyến tàu cá kinh hoàng" đang trình bày sự việc với cơ quan chức năng
Trước đó, thông tin trên Người lao động cho biết, vào trưa 9/12, ngư phủ N.C.T. (SN 1990, ngụ TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đến cơ quan chức năng trình báo việc tận mắt chứng kiến 1 tài công tên Tr. chém, trói tay và đẩy 4 ngư phủ xuống biển.
Theo trình bày của ngư phủ T., tháng 10/2020, anh đi làm ngư phủ cho một tàu cá ở Bến Tre. Tàu cá này là tàu cái (cặp cào đôi, gồm tàu cái và tàu đực), do người tên Tr. làm tài công.
Trong quá trình đánh bắt hải sản ngoài biển, tài công Tr. thường đánh các ngư phủ bằng ống inox, xẻng xúc nước đá… nhưng các ngư phủ không dám phản ứng lại vì ông Tr. có súng điện (!?)
Khoảng 1 tháng sau (tháng 11/2020), vào ban đêm, tài công Tr. dùng dây trói tay một ngư phủ (không biết tên) treo lên, sau đó dùng mã tấu tự chế chém vào vai, đầu người này nhiều cái rồi xô xuống biển, lúc này tay của ngư phủ đó vẫn còn bị trói.
Anh T. thấy người bị xô xuống biển ngoi lên mặt biển mấy lần rồi chìm. Anh T. đến hỏi ông Tr.: "Sao đánh người ta dữ vậy", thì bị ông này chửi, dùng ống inox đánh vào đầu ngất xỉu.
Sáng hôm sau, anh T. nghe một ngư phủ khác nói lại "Tr. dùng mã tấu chém thêm 3 người nữa đều vứt xuống biển" (!?). Khoảng 15 ngày sau, ông Tr. cùng D. điều khiển tàu cái vào đất liền bán hải sản. Khi Tr. đi được một lúc, một số ngư phủ quá giang tàu cá khác vào đất liền.
Trên tàu đực lúc này còn có khoảng 7 ngư phủ, đã bàn với nhau chặt dây neo tàu chạy vào đất liền. Hai người trên tàu cá thay nhau chạy 1 ngày 1 đêm vào đến gần cửa kênh Hai Thiện (ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cách bờ khoảng 1 hải lý thì bị mắc cạn.
Lúc này, có xuồng của một người đi ngang qua, nên anh T. cùng 3 người khác xin đi nhờ vào đất liền (trên tàu còn 3 người ở lại). Khi vào đất liền, anh T. đến Đồn Biên phòng Đất Mũi trình báo vụ việc.
3 người kia thuê xe về thị trấn Sông Đốc đến Đồn Biên phòng Sông Đốc trình báo vụ việc liên quan. Ba người về thị trấn Sông Đốc được xác định là ông N.V.Th. (SN 1968), Đ.P.Q. (SN 2003, cùng ngụ huyện Phú Tân, Cà Mau) và V.T.V. (SN 1994, ngụ xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).
Cả ba cùng trình báo thường xuyên bị tài công Tr. dùng cây đánh. Đáng chú ý, cả 3 người trình báo về việc mất tích của ngư phủ tên N.V.C. (SN 1972, ngụ thị trấn Sông Đốc) và cho biết tài công Tr. có báo cho chủ tàu biết về việc mất tích của ngư phủ C. nhưng không trình báo cơ quan chức năng.