Các đây gần 10 năm, ở nước ta xuất hiện phong cách giáo dục "không phạt". Người ta lên án gay gắt mọi hình phạt dành cho trẻ. Dĩ nhiên, đánh, chửi, xúc phạm trẻ là không được rồi. Nhưng giờ, họ lên án cả "chép phạt", "phạt tập thể dục"... thì tôi thật sự không thể hiểu nổi.
Hậu quả đã đến và đám trẻ phải gánh chịu.
1. Một lượng không nhỏ trẻ 6 tuổi không thể học được do bố mẹ dạy theo phong cách này. Trung bình 1 trường có từ 5 - 10 cháu. Cái gì cũng dỗ dành, thương lượng. Đi học là vất vả, là vượt khó. Trẻ, sau và buổi đầu hào hứng với cái mới thì chán, KHÔNG THÍCH. Lúc này, trẻ bắt đầu ăn vạ, phá phách, gây sự để khỏi học hành gì.
Vụ phụ huynh lắp camera phát hiện cô giáo đánh học sinh đang được dư luận quan tâm.
Gia đình bối rối, nhà trường hoảng sợ. Các cô giáo sợ phụ huynh kiện nên cũng KHÔNG DÁM PHẠT, chỉ dỗ dành khuyên nhủ. Bọn trẻ càng được đà lấn tới. Vì thế, có không ít trẻ không vượt qua được lớp 1.
Cô giáo lúc này thường tư vấn cho phụ huynh "thuê riêng 1 người ngồi trong lớp dạy bạn ấy". Các mẹ có tưởng tượng được đứa trẻ có 1 cô giáo riêng sẽ học tập thế nào trong 12 năm phổ thông hay không?
2. Trẻ phản ứng với mọi hình thức kỉ luật của cô giáo. Mới đây, 1 giáo viên trẻ dạy lớp 3 chia sẻ: cô lấy "tập viết" ra để làm hình thức phạt cho trẻ ngoan. Các con ăn cơm trưa xong sớm, các bạn khác ngồi chơi còn các bạn bị phạt phải "tập viết".
Một ngày nọ, 1 bạn học sinh vi phạm kỉ luật vào buổi chiều, cô giáo hẹn bạn ấy chép phạt vào trưa hôm sau. Đúng giờ trưa, các học sinh vừa ăn xong, gia đình bạn ấy lập tức đón con về để né tránh hình phạt.
Đó là chưa kể họ rêu rao nói xấu cô giáo khắp nơi và nói: Con họ sợ đi học.
Các mẹ có cảm nghĩ gì khi đọc về cách ứng xử của gia đình này? Rõ ràng chính các phụ huynh đã tìm mọi cách để cô giáo không làm gì nổi con họ dù các con hư đến đâu. Và bây giờ, trong giới giáo viên truyền nhau phong cách giáo dục "Mặc kệ nó" để họ được sống yên ổn. Tư cách đạo đức của bọn trẻ, kĩ năng và kiến thức của trẻ sẽ ra sao với kiểu giáo dục "KHÔNG PHẠT" này, các bố mẹ nghĩ giúp nhé.
3. Không dạy được trẻ, các nhà trường tìm cách "tống cổ" những đứa trẻ bất trị hoặc những gia đình bất trị (có bố mẹ cư xử thô lỗ, can thiệp vào việc giáo dục nhà trường hoặc soi lỗi các cô giáo) ra ngoài trường. Nói thật với họ, điều đó không hề khó. Trẻ bất trị thì vi phạm là rất nhiều. Các trường làm theo quy định của Bộ Giáo dục, kỉ luật "cảnh cáo", "khiển trách" trẻ và ghi học bạ. Quá sợ "bị ghi học bạ", các bố mẹ vội vàng cho con rút hồ sơ và xin đi trường khác.
Tuy nhiên, các trường khác cũng rất "thông minh", họ chẳng điên mà nhận những đứa trẻ như vậy. Nào là "kiểm tra không đạt", nào là "quá thời gian nhận hồ sơ"... họ có đủ các lý do để từ chối những đứa trẻ này.
Cũng chẳng trách được họ. Họ cũng có quá nhiều công việc để làm. Khi ấy phải làm việc với mấy gia đình kiểu "Cô phải kí cam kết là cô KHÔNG ĐƯỢC ĐẺ để dạy các cháu cho hết năm học (khi họ tóm được 1 cô dạy đúng ý họ)", "Cô phải kí cam kết là chỉ dỗ dành, khuyên nhủ con tôi", "Cô phải hiền với các cháu, nếu không tôi gặp hiệu trưởng",... chẳng dễ chịu gì.
4. Vô phúc cho cô giáo nào gặp phải mấy bạn kiểu này. Có lúc kiềm chế được, có lúc không. Nếu chẳng may cô lên cơn điên, không sao kiềm chế nổi thì cô có thể hành động thiếu kiểm soát, lúc đó chính bọn trẻ lại bị ăn đòn.
5. May mắn dành cho đứa trẻ bất trị nào đó vẫn có thể học được hết cấp 1 thì lên cấp 2, 3, vấn đề đạo đức của con sẽ bộc lộ.
Ăn trộm tiền để chơi game, đánh bạn,... là các vấn đề hay gặp nhất của đám này. Thế rồi các bố mẹ hối không kịp với phong cách giáo dục "không phạt" của mình. Nếu các con không dính án tiền sự nào lúc đó là quá may mắn. Nhưng tôi không tin được rằng mấy bạn ấy sẽ có tư cách đạo đức ổn được.
TS Vũ Thu Hương từng là giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Chị cũng là người thường xuyên chia sẻ những bài viết trên trang cá nhân giúp các bố mẹ hiểu rõ hơn tâm lý trẻ nhỏ hơn cũng như truyền cảm hứng cho nhiều bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con.