Nữ CĐV bị bỏng nặng vì trúng pháo: Vết nhơ của bóng đá Việt Nam

HIẾU LƯƠNG, Theo Trí Thức Trẻ 08:43 12/09/2019

Giữa lòng thủ đô, trong một sân vận động, giữa một trận bóng đá, pháo nổ và máu đổ, người lên xe cứu thương, người về sớm. Những người này có lẽ chẳng bao giờ nghĩ sẽ có một ngày phải hoảng hốt ở nơi tưởng chừng là an toàn nhất, ở nơi vốn để tận hưởng, để ăn mừng thay vì lo âu.

Cận cảnh quả pháo sáng bắn từ khán đài B14 của CĐV Nam Định sang khán đài A làm một CĐV nữ bị bỏng nặng.

Pháo nổ và máu đổ giữa lòng thủ đô

"Bùm"… Một tiếng nổ từ khán đài B sân Hàng Đẫy, đi theo sau là tiếng gió rít trước khi một tiếng nổ khác diễn ra đỏ chói trên trời Hà Nội. Vật thể màu đỏ ấy là pháo dù, từ từ rớt xuống.

Trên khán đài A của SVĐ, những tiếng người nhốn nháo nổi lên. Họ kháo nhau "đi về thôi" khi trận đấu giữa Hà Nội FC và CLB Nam Định vẫn còn hơn 10 phút nữa mới kết thúc. Họ về sớm không phải vì trận đấu tẻ nhạt, vì thế trận đã an bài khi đội chủ nhà đang dẫn 6-1 mà vì sợ hãi với suy nghĩ một quả pháo dù nào đó sẽ từ khán đài B phía đối diện bay sang đây trúng vào họ, trúng vào những đứa trẻ còn ngơ ngác không hiểu tại sao phải ra về vội vã đến thế.

Trước đó không lâu, cũng là tiếng "bùm" ấy, cũng là tiếng gió rít ấy nhưng kết thúc là tiếng la thất thanh của con người. Sau vài giây định thần, tất cả hướng ánh mắt tới khu A3, một người phụ nữ mặc áo trắng kêu la vì đau đớn, lấy tay ôm chặt đùi. Những người bạn đi cùng cô bủa ra tìm kiếm sự trợ giúp.

Cô gái ấy tên Tô Huyền Anh, là phóng viên một tờ báo tại Hà Nội, cô trúng pháo dù, máu đỏ đùi trước khi được nhân viên y tế của sân và CLB Nam Định quấn băng sơ cứu. Trước khi lên xe cứu thương, gương mặt nữ CĐV ấy không còn chút cảm xúc, trắng bệch do sốc vì mất máu.

Nữ CĐV bị bỏng nặng vì trúng pháo: Vết nhơ của bóng đá Việt Nam - Ảnh 2.

Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy những gương mặt trong bức ảnh này? Ảnh: Tiến Tuấn.

Quả pháo ấy đến từ khu vực CĐV CLB Nam Định, từ nhóm CĐV được coi là cuồng nhiệt bậc nhất V.League mà không cần pháo sáng nhưng hôm nay thì khác. Giữa cơn bàng hoàng của những đám đông khác trên sân, những quả pháo sáng, pháo dù vẫn "thản nhiên" được giật chốt, đỏ rực ở khu vực ấy. Trận đấu kết thúc, pháo lại đỏ rực trên đường Trịnh Hoài Đức nằm kề sân kèm những tiếng hô vang "Nam Định".

Trước pháo sáng, những cơn mưa vật thể lạ được ném xuống sân để phản đối quyết định thổi phạt đền cho Hà Nội FC của trọng tài Ngô Duy Lân, rồi họ ném cả khi cầu thủ đội nhà lẫn đối phương nổ súng. Dạo một lượt qua nơi ấy, người ta thấy nào là chai nước, nào là xôi, sữa, dép,… và cả những miếng bê tông to bằng nắm tay đứa trẻ 5 tuổi. Và đừng quên, những bài "đồng thanh chửi" từ bầu Hiển đến trọng tài và cầu thủ đối phương được cất lên từ nơi này.

Giữa lòng thủ đô, trong một sân vận động, giữa một trận bóng đá, pháo nổ và máu đổ, người lên xe cứu thương, người về sớm. Những người này có lẽ chẳng bao giờ nghĩ sẽ có một ngày phải hoảng hốt ở nơi tưởng chừng là an toàn nhất, ở nơi vốn để tận hưởng, để ăn mừng thay vì lo âu.

Nữ CĐV bị bỏng nặng vì trúng pháo: Vết nhơ của bóng đá Việt Nam - Ảnh 3.

Cô gái này đáng lẽ đã có thể về nhà cùng chồng và con thay vì nằm trên xe cứu thương, phải phẫu thuật và đau đớn. Ảnh: Hiếu Lương.

Cơn lên đồng của đám đông và những kẻ coi bóng đá là dịp để phá phách

Tối 11/9, tại khoa cấp cứu bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), người ta nghe thấy những tiếng nghẹn ngào, tiếng khóc của một người phụ nữ từ đầu dây bên kia của điện thoại. Bà gọi cho con trai nhưng đồng đội của cậu mới là người bắt máy. Cậu con trai trong dáng vẻ gầy gò ấy là cảnh sát cơ động còn đang "bận" nôn khan vì vừa bị đánh.

Giữa cơn lên đồng của đám đông, cậu bị dần một trận nhừ tử vì dám bắt 1 người đốt pháo sáng trong khu vực dành cho CĐV Nam Định ở sân Hàng Đẫy. Một đồng đội khác thì gãy tay. Họ làm đúng chức trách bắt người đốt pháo nhưng chính mình mới là người bị tổn thương. Thay vì được về nhà ngủ ngon giấc, họ nằm lại bệnh viện. Cùng với nữ CĐV Tô Huyền Anh, đấy là 3 nạn nhân trong "vết nhơ" của bóng đá Việt Nam.

Trước trận đấu, người Nam Định giơ cao ảnh chân dung của một nữ CĐV xấu số khác, qua đời gần 1 tháng trước vì tai nạn giao thông trên đường đến sân Thiên Trường cổ vũ. Thế rồi, chính từ khu vực ấy, một ai đó đã làm tổn thương một cô gái khác.

Trước đấy cũng không quá lâu, người thành Nam cảm ơn những người cảnh sát cơ động đã không ngại khó, ngại đau mà cứu giúp một em bé bị ngất trên SVĐ Thiên Trường. Thế rồi, chính họ khiến hai chiến sĩ cảnh sát cơ động ở Hà Nội nhập viện, một người nghi bị chấn thương sọ não dẫn đến nôn khan.

Người Nam Định vỗ ngực tự hào về "hào khí Đông A", "dám làm dám chịu". Vậy sau tối hôm qua, có ai dám vỗ ngực đứng lên tự nhận mình là người giật chốt quả pháo dù, người giơ nắm đấm, tung cú đá hay không?

Cú đúp đẳng cấp của Văn Quyết, chiến thắng 6-1 của Hà Nội FC trôi vào quên lãng khi đứng cạnh những bức hình này. Ảnh: Tiến Tuấn, Hiếu Lương.

Bóng đá vui thật đấy mà cũng đau thật đấy. Ngày 11/9/2019 chắc chắn sẽ là ngày không thể nào quên với bóng đá Việt Nam. Đấy là ngày mà "vết nhơ" xuất hiện, từ một thứ có tên pháo sáng đã được nói ra rả qua mỗi giải đấu, mỗi cuộc đối đầu về tác hại, sự nguy hiểm nhưng vẫn bị một số người bỏ ngoài tai.

Người ta không còn nhớ Hà Nội FC vừa đánh bại CLB Nam Định với tỷ số của một set tennis. Những CĐV Nam Định còn bận xin lỗi, bận tìm ra kẻ làm mất thanh danh bóng đá quê nhà. Những CĐV Hà Nội còn bận lên án. Những CĐV trung lập còn bận nghĩ xem có nên đến sân cổ vũ nữa không vì chẳng biết khi nào mình lại trở thành một Tô Huyền Anh khác.

"Vết nhơ" này khó gột rửa nhưng cũng không nên được gột rửa. Hãy cứ để đấy để cho những năm sau và những năm sau nữa biết về một ngày như thế của bóng đá Việt Nam.