Vụ mổ nhầm chân ở BV Việt Đức: Bác sỹ thừa nhận không đọc bệnh án?

Tiền Phong, Theo 12:25 20/07/2016
Chia sẻ

Theo gia đình bệnh nhân, bác sĩ Phan Văn Hậu (Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) đã thừa nhận do không đọc bệnh án trước khi mổ dẫn đến việc mổ nhầm chân.

Tối 19/7, sau khi gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (41 tuổi, trú huyện Ứng Hoà, Hà Nội), chị dâu anh Thảo (37 tuổi- bệnh nhân bị mổ nhầm chân ở Bệnh viện Việt Đức) cho biết, sau khi phản ánh, lãnh đạo khoa xương, khớp và bác sĩ Phan Văn Hậu (trực tiếp mổ) xuống xin lỗi vì đã mổ nhầm chân.

"Tôi có hỏi bác sĩ đã thực hiện mổ chân phải (chân mổ nhầm) như thế nào. Bác sĩ Hậu cho biết đã cắt gân và chuyển gân chày sau ra mu trước bàn chân. Sau khi phát hiện mổ nhầm đã quay lại mổ hoàn thiện chân bên trái giống như chân phải. Chân mổ nhầm không xử lý lại như cũ được vì đã cắt, quay chuyển một phần gân", chị Thanh nói.

Vụ mổ nhầm chân ở BV Việt Đức: Bác sỹ thừa nhận không đọc bệnh án? - Ảnh 2.

Chân phải bệnh nhân Nguyễn Văn Thảo (37 tuổi, trú huyện Ứng Hoà) bị mổ nhầm do bác sĩ bệnh viện Việt Đức không đọc bệnh án. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Về tình trạng phục hồi, bác sĩ Hậu thông báo với gia đình, vết mổ không ảnh hưởng đến vận động nhiều nhưng không thể được trở về 100% như cũ. Quá trình này cần phải được theo dõi thời gian dài, khi nào chân bớt phù nề, xem cử động ngón, cử động khớp như thế nào mới có thể khẳng định. Khả năng hoạt động của chân phải sẽ kém đi nhưng không nói rõ là kém như thế nào.

"Bác sĩ Hậu thừa nhận với Thảo và gia đình do sơ suất không kiểm tra bệnh án trước khi mổ dẫn đến sự việc trên", chị Thanh nói.

Trước đó, chiều ngày 19/7, bệnh nhân Trần Văn Thảo (37 tuổi, ở xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) thực hiện ca mổ chân trái tại khoa Xương khớp, Bệnh viện Việt Đức.

"Sau ca mổ, gia đình thấy vết mổ xuất hiện ở cả hai cổ chân. Thảo cho biết, trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ gây tê ở chân nên không hề hay biết. Chỉ đến khi rời bàn mổ anh mới thấy mình bị mổ nhầm chân phải và có thắc mắc. Lúc này, bác sĩ Hậu mới xem bệnh án và đưa Thảo lên bàn mổ chân trái. Khi hết thuốc tê, Thảo liên tục kêu đau ở cổ chân phải bị mổ nhầm", chị Thanh thuật lại.

Sau khi xảy ra sự việc, chị Thanh có hỏi, xem bệnh án thì thấy trong phiếu chỉ định phẫu thuật có ghi toàn bộ đều là mổ chân phải (ký hiệu P), nhưng sau đó được sửa lại thành mổ chân trái (sửa thành ký hiệu T). Chị xin chụp ảnh lại phiếu chỉ định phẫu thuật nhưng cán bộ ở đây không cho chụp, với lý do nếu cho chụp thì họ... mất việc.

Chị Thanh cũng cho biết, anh Thảo là lao động chính trong khi vợ chăm con nhỏ ở quê, bố mẹ già yếu. Giờ hỏng cả hai chân thì không biết cuộc sống gia đình sẽ như thế nào. Bác sĩ hàng ngày phải thực hiện nhiều ca phẫu thuật, đôi khi không tránh khỏi sai sót tuy nhiên bác sỹ cũng như phía bệnh viện phải trách nhiệm đối với bệnh nhân.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày