Vụ lừa đảo 1.000 tỷ đồng: Đối tượng người nước ngoài cầm đầu có xử lý được không?

Minh Ngọc, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 17:50 27/01/2025
Chia sẻ

Nếu người cầm đầu đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người nước ngoài ở ngoài lãnh thổ thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự nếu hành vi phạm tội của người đó xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.

Huy động gần 200 cán bộ chiến sỹ cảnh sát, sau hơn 2 tháng đấu tranh, Công an tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương triệt phá thành công chuyên án "CPC9" đấu tranh với ổ nhóm đối tượng lừa đảo hoạt động tại Campuchia.

Quá trình đấu tranh chuyên án, từ ngày 28/5/2024 đến 13/1/2025, có hơn 13.000 người bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt là gần 1.000 tỷ đồng, trong đó người bị chiếm đoạt nhiều nhất lên tới gần 12 tỷ đồng.

Bước đầu, cơ quan điều tra đã triệu tập, bắt giữ 60 người. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn giả danh công an, cá nhân, tổ chức gọi điện để lừa đảo, đe dọa nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đáng chủ ý, trong đường dây này có đối tượng cầm đầu đường dây là người nước ngoài thuê người Việt Nam sang để làm việc.

Vụ lừa đảo 1.000 tỷ đồng: Đối tượng người nước ngoài cầm đầu có xử lý được không?- Ảnh 1.

Cơ quan chức năng làm việc với các đối tượng liên quan

Các đối tượng cầm đầu người nước ngoài này có thể bị xử lý như thế nào?

Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, tại Điều 6 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Như vậy nếu người cầm đầu đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người nước ngoài ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự nếu hành vi phạm tội của người đó xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.

Tuy nhiên, việc xử lý tội phạm ngoài lãnh thổ Việt Nam còn cần đến sự hỗ trợ của nước sở tại thông qua các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và nước sở tại.

Vụ lừa đảo 1.000 tỷ đồng: Đối tượng người nước ngoài cầm đầu có xử lý được không?- Ảnh 2.

Phạm Thị Huyền Trang (26 tuổi, ở huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải Phòng) một trong số những đối tượng đắc lực của chủ mưu người nước ngoài. (Ảnh Minh Ngọc)

Về hành vi của người cầm đầu các đường dây giả mạo công an, cá nhân, tổ chức nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự.

Do đó, giả sử có hành vi giả mạo công an, cá nhân, tổ chức nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (không áp dụng với pháp nhân thương mại).

Ngoài ra, nếu các cơ quan chức năng xác định các đối tượng còn có các hành vi khác như rửa tiền, tổ chức cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép... thì còn có thể bị xem xét xử lý đối với các hành vi trên.

Vụ lừa đảo 1.000 tỷ đồng: Đối tượng người nước ngoài cầm đầu có xử lý được không?- Ảnh 3.

Cảnh sát đã triệu tập 60 đối tượng (Ảnh Minh Ngọc)

Liên quan đến vụ án, được biết, đến hiện tại, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh đã làm rõ, xác định có 42 đối tượng đủ căn cứ để khởi tố bị can, trong đó ra quyết định tạm giữ hình sự 38 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tiếp tục điều tra mở rộng vụ án về các hành vi có dấu hiệu của tội: Rửa tiền và Tổ chức cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép và truy bắt các đối tượng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày