Nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc. Ảnh: AP
Trong hơn một thập kỷ làm kiểm toán viên, ông Jae Kim chưa bao giờ bị hỏi một câu hóc búa như câu của vị đại diện bang Georgia. Trong cuộc họp về các khoản đầu tư của công ty Hàn Quốc, vị này hỏi rằng: “Anh đã xem phim 'Itaewon Class' chưa?”
'Itaewon Class' là bộ phim ăn khách của Netflix năm 2020 lấy bối cảnh khu phố đêm nổi tiếng của Seoul, Hàn Quốc. Ông Kim nói: “Vào lúc đó, tôi nghĩ rằng, ồ, phim truyền hình Hàn Quốc có sức ảnh hưởng khá lớn. Tôi biết Itaewon, đó là một khu phố thời thượng. Vì vậy, chúng tôi đã ngồi trao đổi về Itaewon một lúc”.
Ông Kim là quản lý kiểm toán cấp cao của công ty tư vấn Aprio có trụ sở tại Atlanta, Mỹ. Ông nói đùa: “Thực ra tôi chưa xem bộ phim đó. Vì vậy, ngày hôm sau tôi phải tua nhanh qua bộ phim”.
Khắp nước Mỹ đang hưởng ứng làn sóng văn hoá Hàn Quốc, từ âm nhạc, phim điện ảnh, phim truyền hình và thậm chí là ẩm thực. Năm 2020, bộ phim “Ký sinh trùng” của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho đã giành được “cơn mưa” giải Oscar. Nhóm nhạc Hàn Quốc BTS và nhóm nhạc thần tượng Blackpink làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng của Mỹ. Bộ phim "Squid Game" đã được vinh danh là loạt phim được xem nhiều nhất trên Netflix.
Tất cả điều đó khiến các công ty Hàn Quốc nhận ra tiềm năng to lớn của văn hoá Hàn Quốc tại Mỹ.
Từ khi nhóm BTS đứng đầu bảng xếp hạng Billboard vào năm 2020, đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Mỹ đã tăng mạnh. Dữ liệu từ Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) cho thấy FDI của Hàn Quốc năm 2021 đạt kỷ lục 72,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước. Từ năm 2016, khi BTS bắt đầu có bước đột phá tại thị trường Mỹ, FDI của Hàn Quốc tăng vọt hơn 70%.
Nhóm nhạc Blackpink tại California. Ảnh: Getty Images.
Theo chuyên gia Jeff Lee tại công ty đầu tư mạo hiểm NLVC, sự thành công của văn hoá Hàn Quốc mang lại “cơn gió thuận lớn” cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, bất kể ngành nào.
Mặc dù thị trường Mỹ dường như đã chín muồi cho các dự án kinh doanh Hàn Quốc, các công ty vẫn phải đối mặt với một số thách thức giống như các công ty châu Á khác.
Chủ doanh nghiệp Hàn Quốc cần phải có nhiều kiến thức về luật pháp và quy định của nước sở tại. Thị trường Mỹ cũng có tính cạnh tranh cao với nhiều đối thủ lão làng trong mọi ngành.
Các công ty Hàn Quốc sẽ cần xây dựng mối quan hệ với các nhà đầu tư và cộng đồng địa phương. Đồng thời, họ cần làm quen với môi trường kinh doanh ở Mỹ. Các doanh nghiệp nhỏ và công ty khởi nghiệp sẽ còn có thể gặp nhiều khó khăn hơn khi thiếu nguồn lực của các tập đoàn mới.
Điều mà ông Jae Kim gọi là “làn sóng đầu tư K” lại đồng điệu với nhu cầu vươn ra nước ngoài của các công ty Hàn Quốc. Thị trường nội địa bị lép vế với đối thủ nặng ký là Trung Quốc và Nhật Bản. Tình trạng già hoá dân số, tỷ lệ sinh giảm đang hình thành nên một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.
Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden và tập đoàn SK Group của Hàn Quốc đã công bố cam kết đầu tư 22 tỷ USD vào công nghệ Mỹ, bao gồm chip, năng lượng tái tạo và dược phẩm. Khoảng 15 tỷ USD trong cam kết đó sẽ được đưa vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Ấn tượng nhất phải kể đến kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe điện khổng lồ của Huyndai ở Savannah, Georgia. Nhà máy dự kiến có quy mô lớn gấp 3 lần nhà máy hiện tại ở Alabama. Khoản đầu tư trị giá 5,5 tỷ USD của Hyundai cũng sẽ đưa các nhà cung cấp phụ tùng đến mở cửa hàng gần đó.
Theo Jae Kim, ảnh hưởng của Koreatowns và làn sóng giải trí Hàn Quốc đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa các nền văn hóa, giúp các công ty Hàn Quốc thuê người địa phương dễ dàng hơn.
Đạo diễn Bong Joon-ho của bộ phim "Ký sinh trùng" nhận giải Oscar. Ảnh: Reuters
Đối với CJ ENM, tập đoàn Hàn Quốc đứng sau bộ phim "Ký sinh trùng", thành công của “xuất khẩu văn hóa” đã khuyến khích các ngành công nghiệp khác.
Giám đốc toàn cầu Steve Chung của CJ ENM cho biết: “Nếu bạn là người hâm mộ phim truyền hình Hàn Quốc, bạn sẽ thấy mọi khía cạnh, từ thời trang đến thực phẩm, ô tô và điện thoại di động. Sự thành công của Samsung và Hyundai… giúp các công ty Hàn Quốc có thêm niềm tin rằng thị trường Mỹ không quá khó tính hoặc không thể thâm nhập”.
Nguồn: Nikkei