Ông Vương Ánh Dương - phó cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh - yêu cầu phải hướng dẫn các phụ huynh tránh để vi khuẩn lây ngược sang người xung quanh (Ảnh: MINH CHIẾN)
Trong buổi làm việc sáng 22-11 giữa đoàn công tác của Bộ Y tế và Sở Y tế Khánh Hòa cùng các đơn vị liên quan, các bên thống nhất cơ bản phác đồ điều trị hiện nay của tỉnh.
Về điều trị, các bệnh nhi tiếp tục được theo dõi tại các cơ sở y tế, nếu hết triệu chứng lâm sàng, các chỉ số xét nghiệm ổn định sẽ được cho ra viện và tái khám theo hẹn. Số còn lại tiếp tục điều trị theo phác đồ.
Tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi kể cả trẻ đã ổn định, xuất viện. Vì một số trẻ dù các triệu chứng lâm sàng đã ổn định, nhưng kết quả xét nghiệm chưa trở về hoàn toàn bình thường, điều này sẽ làm một số phụ huynh chủ quan. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý chế độ dinh dưỡng cho các em. Các bệnh viện, nhà trường cần giải thích rõ cho các phụ huynh, tránh quá lo lắng về tình trạng bệnh lý.
Ông Vương Ánh Dương - phó cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết nguyên nhân gây ngộ độc hàng loạt với học sinh Trường Ischool là do nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn bởi vi khuẩn Salmonella.
Bên cạnh đó có khoảng 2-20% người bệnh vẫn có thể thải vi khuẩn ra môi trường từ 2-3 tháng sau khi hết các triệu chứng. Đây có thể là nguồn lây cho cộng đồng nếu không tuân thủ đúng các hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh.
"Cần phải hướng dẫn cho gia đình các bệnh nhi vệ sinh phòng bệnh lây lan ra xung quanh sau khi các bé ra viện. Vì đây là bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa nên cần phải rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, bố mẹ phải rửa tay sạch... tránh không để lây truyền ngược lại vi khuẩn cho những người xung quanh", ông Dương chia sẻ.
Ông Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay sự cố ngộ độc tập thể ở trường học lần này là ngộ độc thực phẩm nhiễm trùng đường tiêu hóa, trực tiếp và cục bộ tại chỗ ở bộ phận ruột, một số ít ảnh hưởng đến bộ phận khác trong cơ thể. Loại ngộ độc thực phẩm này phổ biến trên thế giới.
Đối với bệnh nhân sau khi ra viện, dạ dày vẫn bị ảnh hưởng nên ăn uống sẽ khó chịu. Do đó, người bệnh cần ăn thức ăn mềm rồi tăng dần lên, tránh thức ăn gây đau dạ dày như: chua, cay, ngọt…
Cũng theo ông Nguyên, các bác sĩ sẽ tiếp tục điều trị kháng sinh, thường kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn Salmonella thì có thể mất 5-7 ngày, tiếp tục cân bằng vi khuẩn đường ruột và điều trị triệu chứng. Vi khuẩn này không để lại di chứng, nó là một trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn.
"Một số phụ huynh lo lắng khi việc xét nghiệm vẫn còn tồn tại một số chỉ số không đạt chuẩn, những chỉ số xét nghiệm này tồn tại rất lâu nên phụ huynh không cần quá lo lắng. Điều quan trọng nhất đó là các biểu hiện bệnh của trẻ, bệnh nhân nên đi xét nghiệm, nhập viện khi cảm thấy đau trở lại, hoặc có dấu hiệu bất thường", ông Nguyên chia sẻ.
Cũng theo ông Dương, có một số trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng một phần do gia đình phát hiện bé có triệu chứng nhưng không đưa đi viện ngay. Vấn đề quan trọng phải truy xuất nguyên nhân của khuẩn Salmonella nằm ở đâu để ngăn chặn và có hướng chữa trị.
Tại buổi làm việc, ông Đỗ Thái Hùng - viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang - thông tin ngay sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã khẩn trương thực hiện các xét nghiệm theo đúng quy trình, chuyên môn. Dự kiến trong chiều nay 22-11 sẽ cho kết quả chủng vi khuẩn có trong các mẫu thực phẩm học sinh Trường iSchool Nha Trang ăn ngày 17-11.
Một số học sinh vẫn phải theo dõi sức khỏe tại các bệnh viện (Ảnh: MINH CHIẾN)
Theo các chuyên gia đoàn công tác Bộ Y tế, Salmonella là nguyên nhân thường thấy trong nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, biểu hiện từ nhẹ đến nặng, có thể gây biến chứng nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong. Dấu hiệu khởi phát thường gồm sốt, đau đầu, nôn ói, tiêu chảy... Khuẩn này có nhiều trong thực phẩm như trứng gà, rau sống, thực phẩm tươi sống.
Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, từ tối 17-11 đến sáng 22-11, các bệnh viện của tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 648 ca học sinh Trường iSchool Nha Trang nghi ngộ độc thực phẩm. Các bệnh viện hiện đang điều trị 205 ca và ghi nhận một ca tử vong.
Tính đến 7h ngày 22-11, tình trạng của tất cả bệnh nhân đã ổn định; 21 ca nặng ghi nhận ngày 20-11 hiện đã qua nguy kịch, các bệnh nhân ăn uống được.
Trước đó UBND tỉnh Khánh Hòa cũng có văn bản chỉ đạo các sở ngành liên quan hỗ trợ, chỉ đạo Trường Ischool Nha Trang để sớm ổn định công tác dạy và học cho học sinh, đảm bảo đúng kế hoạch học tập.
Tổ chức các đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra các bếp ăn tập thể tại các trường mầm non, tiểu học, trường có tổ chức bán trú; nhất là các trường tư thục, trường quốc tế đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, kiên quyết đình chỉ hoạt động bếp ăn bán trú đối với các trường không đảm bảo an toàn thực phẩm; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 15-12.
Người tổ chức bếp ăn Trường ISchool Nha Trang cũng là người bán hàng ăn uống giải khát tại trường
Ngày 22-11, Phòng Y tế TP Nha Trang có báo cáo gửi UBND TP Nha Trang, người tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh Trường iSchool Nha Trang là ông Bùi Phúc Lam (40 tuổi, ở đường Phú Xương, phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang). Ông này cũng là chủ cơ sở kinh doanh bán hàng ăn uống giải khát tại gian hàng Trường iSchool Nha Trang.
Theo đó, ông Lam có giấy phép hộ kinh doanh do Phòng Tài chính Kế hoạch TP Nha Trang cấp ngày 24-9-2015 (đăng ký lại lần 1), ngành nghề kinh doanh: bán hàng ăn uống giải khát, hải sản, đường Hai Bà Trưng, phường Xương Huân, TP Nha Trang. Và có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số do Phòng Y tế TP Nha Trang cấp ngày 19-10-2022 (cấp lần 3).