Chiều 7-6, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương đề nghị thu hồi giấy phép thí điểm nuôi hổ bảo tồn tại Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh (thị xã Thuận An) và chuyển giao toàn bộ hổ tại cơ sở này đến trung tâm cứu hộ phù hợp.
ENV là một tổ chức xã hội trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học của đất nước thông qua việc hỗ trợ các cơ quan chức năng tăng cường thể chế, chính sách và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã (ĐVHD).
Từ năm 2005 đến nay, ENV đã và đang hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc giám sát, xử lý các vi phạm liên quan đến ĐVHD, đồng thời quản lý đường dây nóng hỗ trợ người dân báo cáo các vi phạm về ĐVHD tới cơ quan chức năng.
Qua các phương tiện truyền thông, ENV được biết ngày 4-6, ông Võ Thành Qưới (49 tuổi, quê ở An Giang, nhân viên cũ tại Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh) bị hổ tấn công làm đứt lìa hai cánh tay khi di chuyển gần khu vực chuồng hổ. Sự việc đáng tiếc này một lần nữa cho thấy cần có sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh Bình Dương và các cơ quan chức năng liên quan nhằm thắt chặt quản lý hoạt động nuôi nhốt hổ trên địa bàn.
Hiện trường vụ hổ cắn đứt lìa tay người ở Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh
Theo đánh giá của ENV, mặc dù được cấp phép "thí điểm" nuôi nhốt hổ vì mục đích bảo tồn nhưng chủ sở hữu Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh đã bị xử lý hình sự về hành vi buôn bán hổ trái phép. Hoạt động nuôi nhốt hổ và các loài ĐVHD tại cơ sở này cũng không có giá trị bảo tồn và gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người dân.
Vi phạm pháp luật
Theo ghi nhận của ENV, năm 2007, Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh do ông Huỳnh Văn Hai và bà Huỳnh Thị Mỹ trực tiếp quản lý đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cấp phép thí điểm nuôi hổ và nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác vì mục đích bảo tồn. Các cá thể hổ và ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm này đều có nguồn gốc bất hợp pháp.
Chính vì vậy, trong giấy phép, các cơ quan chức năng cũng yêu cầu cơ sở này phải báo cáo tất cả các biến động về số lượng hổ đến cơ quan chức năng cũng như không được phép buôn bán, vận chuyển, nhốt hoặc tặng, cho hổ và các cá thể ĐVHD nguy cấp, quý hiếm khác mà không được cấp phép.
Bên trong khu du lịch Thanh Cảnh
Tuy nhiên, gia đình ông Hai đã không thực hiện yêu cầu khi được cấp phép và đã bán trái phép nhiều cá thể hổ này. Đến năm 2011, các đối tượng đã bán trót lọt 4 con hổ chết trái phép và bị phát hiện khi đang bán trái phép con hổ thứ 5.
Sau khi hành vi vi phạm này bị phát hiện, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên phạt ông Huỳnh Văn Hai 36 tháng tù, cho hưởng án treo và Huỳnh Tấn Đạt (con ông Huỳnh Văn Hai) 30 tháng tù về tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD quý hiếm (theo Bản án số 100/2011/HSPT ngày 6-7-2011). Tuy nhiên, đáng tiếc, tại thời điểm đó, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục để cơ sở này nuôi hổ và các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm khác. Cho đến nay, cơ sở đang nuôi nhốt 5 con hổ.
Không có giá trị bảo tồn
Năm 2006, Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh bị phát hiện nuôi nhốt hổ trái phép. Tại thời điểm đó, hổ đã là loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm bị nghiêm cấm khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, vì nhiều lí do khác nhau, năm 2007, Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cấp phép nuôi nhốt hổ vì mục đích bảo tồn. Hoạt động nuôi bảo tồn hổ được hiểu là nuôi sinh sản và duy trì nguồn gen thuần chủng của hổ để hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học hoặc tái thả.
Ở một khía cạnh khác, hoạt động nuôi hổ (dưới hình thức vườn thú) nhằm góp phần giáo dục người dân về tình yêu thiên nhiên, ĐVHD cũng có khả năng đóng góp cho công tác bảo tồn, bảo vệ ĐVHD.
Ở cả hai khía cạnh này, hoạt động nuôi nhốt hổ tại Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh đều không đáp ứng được. Cụ thể, các cá thể hổ tại cơ sở này đều không xác định có mang nguồn gen thuần chủng hay không. Cơ sở này cũng không thực hiện hoạt động nuôi sinh sản vì mục đích bảo tồn dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Số lượng hổ giảm từ 9 con ban đầu còn 5 con như hiện nay.
Bên cạnh đó, cơ sở không có các nội dung hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ hổ và cũng đã đóng cửa hoạt động trong một thời gian dài. Từ những phân tích trên, có thể thấy hoạt động nuôi nhốt hổ tại cơ sở này không đóng góp cho công tác bảo tồn hổ trong tự nhiên, không đáp ứng được mục tiêu khi được cấp phép nuôi nhốt.
Ảnh hưởng tính mạng người dân
Một trong những nguyên nhân của sự việc hổ cắn đứt lìa hai tay của ông Võ Thành Qưới là do cơ sở vật chất, kỹ thuật không đảm bảo cho hoạt động nuôi nhốt hổ tại Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh. Khu vực nuôi nhốt hổ không bị ngăn cách riêng, lại giáp với đường đê bao nên những người tò mò có thể dễ dàng tiếp cận khu vực nuôi hổ.
Trong khi đó, các chuồng hổ chỉ có một lớp rào sắt và các mắt rào rộng, không đảm bảo an toàn cho những người đến gần khu vực này. Mặt khác, do một thời gian dài không hoạt động, các rào sắt cũng có dấu hiệu rỉ sét, không còn kiên cố và càng tăng nguy cơ xổng chuồng của hổ.
ENV được biết Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã nhiều lần thuyết phục Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh chuyển giao hổ cho nhà nước. Tuy nhiên, ENV cho rằng việc thuyết phục thôi là chưa đủ. Tất cả các cá thể hổ đều có nguồn gốc bất hợp pháp và đơn vị này chỉ được giao "thí điểm" nuôi nhốt hổ vì mục đích bảo tồn. Do đó, cần phải ngay lập tức đánh giá ý nghĩa bảo tồn hổ và các loài ĐVHD khác tại cơ sở cũng như ngay lập tức chấm dứt hoạt động nuôi nhốt hổ và ĐVHD tại cơ sở này nếu mục đích này không đạt được.
Chính vì vậy, qua công văn này, ENV một lần nữa kính đề nghị UBND tỉnh Bình Dương có chỉ đạo kiên quyết để xử lý triệt để hoạt động nuôi nhốt hổ tại Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh theo hướng chấm dứt hoạt động nuôi nhốt hổ và ĐVHD tại cơ sở và yêu cầu chủ cơ sở chuyển giao hổ và các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm đến các trung tâm cứu hộ ĐVHD phù hợp. ENV sẵn sàng hỗ trợ liên hệ các trung tâm cứu hộ phù hợp, đủ điều kiện tiếp nhận các cá thể hổ và ĐVHD khác được chuyển giao.