Vụ Địa ốc Alibaba lừa đảo: Phong tỏa tài sản, triệu tập cha mẹ Nguyễn Thái Luyện

Lê Nguyễn, Theo Gia đình & xã hội 14:32 29/09/2019
Chia sẻ

Cha mẹ Nguyễn Thái Luyện trước đây sinh sống tại TP.Pleiku (Gia Lai). Cách đây 3 năm khi Luyện "khởi nghiệp" tại tập đoàn lừa đảo Địa ốc Alibaba, ông Huấn và bà Túc chuyển xuống TP.HCM sinh sống.

Liên quan đến vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Địa ốc Alibaba, diễn biến mới nhất cho thấy Công an TP.HCM có văn bản gửi tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM để nghị phong tỏa tài khoản 16 người liên quan đến Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Địa ốc Alibaba).

Trong 16 người này có cha mẹ ruột của Luyện, đó là ông Nguyễn Văn Huấn và bà Thái Thị Túc. Được biết, cha mẹ Luyện trước đây sinh sống tại TP.Pleiku (Gia Lai). Cách đây 3 năm khi Luyện "khởi nghiệp" tại tập đoàn lừa đảo này, ông Huấn và bà Túc chuyển xuống TP.HCM sinh sống. Nơi ở của ông Huấn và bà Túc cũng chính là địa chỉ của Địa ốc Alibaba tại đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức).

 Vụ Địa ốc Alibaba lừa đảo: Phong tỏa tài sản, triệu tập cha mẹ Nguyễn Thái Luyện  - Ảnh 1.

Phong tỏa tài khoản ngân hàng của 16 người có liên quan đến Nguyễn Thái Luyện.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đề nghị phong tỏa tài khoản của Phó Giám đốc đối ngoại và đào tạo Địa ốc Alibaba bà Huỳnh Thị Ngọc Như. Trước đó, bà Như là 1 trong số 20 giám đốc công ty, chi nhánh văn phòng Địa ốc Alibaba bị cơ quan chức năng triệu tập để phục vụ điều tra vụ án.

Trước đó, tài khoản ngân hàng của ông Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc, em ruột Luyện) và bà Võ Thị Thanh Mai (Phụ trách pháp lý, vợ Luyện) cũng bị phong tỏa.

Theo Công an TP.HCM, việc phong tỏa tài khoản của 16 người có liên quan nhằm xác minh những người thân cận của Nguyễn Thái Luyện đang đứng tên tài khoản tại ngân hàng. Trên cơ sở này, cơ quan chức năng sẽ tổng rà soát để phong tỏa và thu hồi số tiền mà công ty địa ốc này đã lừa đảo chiếm đoạt của khách hàng, tránh việc tẩu tán tài sản.

 Vụ Địa ốc Alibaba lừa đảo: Phong tỏa tài sản, triệu tập cha mẹ Nguyễn Thái Luyện  - Ảnh 2.

Nguyễn Thái Luyện và 2 người em khác đã "nhập kho".

Hiện tại, Công an TP.HCM vẫn tiếp tục triệu tập hàng loạt nhân viên, lãnh đạo cao cấp của Địa ốc Alibaba để phục vụ điều tra. Được biết, ông Nguyễn Văn Huấn và bà Thái Thị Cúc cũng bị Công an TP.HCM triệu tập.

Như phản ánh, cơ quan chức năng xác định anh em Luyện đã lập ra Địa ốc Alibaba và các công ty thành viên thu gom nhiều đất nông nghiệp tại các tỉnh vùng ven. Sau đó, Luyện giao cho các cá nhân đứng tên rồi vẽ ra dự "án ma" để bán cho khách hàng.

Cụ thể, anh em Luyện đã gom được 600 ha đất nông nghiệp rồi vẽ ra tất cả 40 dự án "ma". Trong đó, 9 dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu, 2 dự án ở Bình Thuận và tới có 29 dự án ở Đồng Nai. Cơ quan CSĐT xác định, những đối tượng này đã ký hợp đồng bán những lô đất không có thật cho 6.700 khách hàng, qua đó chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng. Bước đầu, tại cơ quan điều tra, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội.

Ngay sau khi Luyện, Lĩnh và Nguyễn Thái Lực (em ruột của Luyện) bị bắt, có rất nhiều nạn nhân đến trụ sở Công an TP.HCM tố cáo Địa ốc Alibaba lừa đảo. Cụ thể, tính đến ngày 28/9, Công an TP.HCM đã tiếp nhận hơn 1.500 cá nhân đến tố giác Địa ốc Alibaba có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên gần 1000 tỷ đồng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày