Vụ cướp bánh mì lãnh án 10 năm tù: Một bị can được tại ngoại

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 12:27 09/07/2016

Luật sư bào chữa các bị can trong vụ cướp bánh mì cho biết, Tòa án đã kí quyết định cho phép bị can Ôn Thành Tân được tại ngoại.

Sáng 9/7, trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Ngọc Phụng (Đoàn luật sư TP. HCM) cho biết bị can Ôn Thành Tân (18 tuổi, ngụ quận 9) đã được tòa án cho tại ngoại. Cụ thể ngày 8/7, ông Vũ Tất Trình -chánh án TAND quận Thủ Đức kí quyết định cho bị can Tân được tại ngoại theo quy định.

"Trước đó có hai người nhà của bị can đứng ra bảo lãnh, tôi đã giúp họ làm đơn và các thủ tục cần thiết để gửi đến cơ quan chức năng. Sau khi xem xét các yếu tố, cơ quan chức năng đã cho bị can được tại ngoại", luật sư Phụng cho hay.

Vụ cướp bánh mì lãnh án 10 năm tù: Một bị can được tại ngoại - Ảnh 1.

Bị can Tân (trái) cùng luật sư - Ảnh: Luật sư cung cấp.

Theo nội dung vụ án, khoảng 22h ngày 17/10/2015, hai thanh niên Tuấn và Tân gặp nhau tại một tiệm Internet (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9). Cả 2 chơi đến 10h sáng hôm sau thì hết tiền và bàn nhau đi xin việc ở quận Thủ Đức.

Trên đường đi cả hai cảm thấy đói nên nảy sinh ý định cướp đồ ăn. Khi đến tiệm tạp hóa, một trong hai người giả vờ vào mua đồ ăn sau rồi bỏ chạy không trả tiền. Chủ quán đã tri hô nên nhiều người dân khu vực này lập tức đuổi theo và bắt được cả hai.

Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng này đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Về số tài sản Tuấn và Tân cướp giật sau đó được cơ quan chức năng định giá 45.000 đồng. Riêng với trường hợp của Tuấn, bị can này thời điểm phạm tội đang bị công an huyện Củ Chi truy nã. Cả 2 bị can Tuấn và Tân lúc phạm tội đều chưa đủ 18 tuổi.

Về việc tại ngoại sẽ xét theo điều 92 Bộ luật Tố Tụng Hình Sự quy định rõ:

1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

2. Cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Trong trường hợp này thì ít nhất phải có hai người. Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình. Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.

3. Những người quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định về việc bảo lãnh.

4. Cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lĩnh thì việc bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.

5. Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. "Bị can Ôn Thành Tân có đủ các điều kiện trên và được TAND quận Thủ Đức cho tại ngoại là đúng quy định pháp luật", luật sư Lê Ngọc Phụng thông tin thêm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày