Vụ bắt cóc trẻ em tống tiền 15 tỷ tại Long Biên: Hình phạt nào cho nghi phạm?

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ Việt Nam 19:22 15/08/2023

Theo luật sư nghi phạm bắt cóc cháu nhỏ tại Long Biên (Hà Nội), tống tiền và sử dụng súng cao su chống trả, làm bị thương một chiến sĩ cảnh sát hình sự có thể bị phạt án tù chung thân.

Hành vi Bắt cóc trẻ em đang diễn biến khó lường với sự gia tăng nhanh chóng về số vụ, thủ đoạn gây án tinh vi, tính chất liều lĩnh, táo tợn. Hành vi bắt cóc có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào và với trẻ ở mọi lứa tuổi. Đây cũng là một hồi chuông cảnh báo đối với tất cả các gia đình.

Trước đó, khoảng 19h ngày 14/8, Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, quê Vĩnh Phúc) phát hiện cháu C. (7 tuổi, ở khu biệt thự BT7, khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) đạp xe một mình nên đã mở cửa xe, khống chế và đưa nạn nhân lên ô tô rồi bỏ trốn. Sau khi lòng vòng qua nhiều tỉnh, Trung về lẩn trốn tại một khu công nghiệp thuộc địa phận thị xã Duy Tiên (Hà Nam) rồi gọi điện cho gia đình nạn nhân đòi tiền chuộc.

Vụ bắt cóc trẻ em tống tiền 15 tỷ tại Long Biên: Hình phạt nào cho nghi phạm? - Ảnh 1.

Nơi xảy ra vụ việc

Sau khoảng 10 giờ gây án, Trung bị phát hiện. Nghi phạm sử dụng súng cao su chống trả, làm bị thương một chiến sĩ cảnh sát hình sự nhưng không thể bỏ trốn. Cơ quan công an sau đó đã khống chế, di lý Trung về Hà Nội và ra quyết định tạm giữ hình sự nghi phạm này.

Từ vụ việc vừa xảy ra, dư luận đặt câu hỏi pháp luật hiện nay quy định xử lý như thế nào đối với hành vi phạm tội liên quan đến bắt cóc trẻ em?

Theo dõi sự việc trên, Luật sư Trần Hoàng Vũ (Giám đốc công ty luật AEC) thông tin:

Theo Điều 1 Luật Trẻ em 2016 thì trẻ em là người dưới 16 tuổi. Trẻ em là đối tượng được pháp luật ưu tiên bảo vệ. Theo khoản 1 Điều 4 Luật trẻ em 2016 thì bảo vệ trẻ em là thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Bắt cóc trẻ em được xem là hình thức bí mật bắt giữ người dưới 16 tuổi trái pháp luật nhằm thực hiện một mục đích hoặc âm mưu nào đó về vấn đề kinh tế, chính trị.

Bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt người dưới 16 tuổi làm con tin hay bắt và giữ lại nhằm buộc người muốn chuộc phải bảo đảm thực hiện một lời hứa nhằm thỏa mãn một yêu cầu của người bắt, nhưng chỉ bắt người làm con tin nhằm mục đích buộc phía người muốn chuộc phải giao tài sản hoặc một số tiền thì mới được xem là hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Nếu việc bắt cóc nhằm mục đích khác thì không phải là bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản mà tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi bắt cóc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng.

Vụ bắt cóc trẻ em tống tiền 15 tỷ tại Long Biên: Hình phạt nào cho nghi phạm? - Ảnh 2.

Luật sư Trần Hoàng Vũ

Luật sư Trần Hoàng Vũ nhận định, khi phát hiện cháu C chỉ có một mình, đối tượng Trung đã tìm cách tiếp cận, lợi dụng sơ hở để bắt cóc trẻ em đưa đi bỏ trốn. Đây được xem là hành vi "bắt cóc trẻ em" và là hành vi bị nghiêm cấm thực hiện đối với trẻ em được quy định theo khoản 2 Điều 6 Luật trẻ em 2016.

Sau khi bắt cóc cháu C, Trung gọi điện cho gia đình nạn nhân đòi tiền chuộc, cụ thể Trung yêu cầu bố mẹ cháu phải đưa 15 tỷ đồng thì mới trả lại con và hẹn gặp giao nhận tiền gần khu công nghiệp Đồng Văn thuộc địa phận thị xã Duy Tiến.

Các hành vi trên của Trung đã gây hoang mang, ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự xã hội, coi thường pháp luật dẫn đến việc sai phạm phải chịu trách nhiệm về các tội danh quy định tại bộ luật Hình sự 2015.

Căn cứ Bộ luật hình sự 2015, hành vi bắt cóc trẻ em của đối tượng Trung cho thấy có dấu hiệu cấu thành tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo quy định tại điểm a khoản 4, khoản 6 Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

...

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Làm chết người

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

...

Theo đó, người phạm tội bắt cóc con tin nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu trở lên thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Căn cứ theo Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:

Phân loại tội phạm

1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.

Như vậy, phạm tội bắt cóc con tin nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu trở lên là tội đặc biệt nghiêm trọng.

Hành vi bắt cóc trẻ em chiếm đoạt tài sản của Trung được thực hiện với lỗi cố ý, bởi mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi là nhằm buộc phải giao nộp tài sản và chiếm đoạt tài sản đó. Khung hình phạt cơ bản đối với tội bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản có mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Tuy nhiên, nghi phạm sử dụng súng cao su chống trả, làm bị thương một chiến sĩ cảnh sát hình sự. Đây có thể được coi là một tình tiết tăng nặng, người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp có tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù chung thân.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày