Vụ án Vạn Thịnh Phát: Phơi bày nhiều thủ đoạn

Ý Linh, Theo Người lao động 09:39 07/03/2024
Chia sẻ

Ngoài việc cùng chồng móc nối thực hiện hành vi vi phạm, bị cáo Trương Mỹ Lan còn vô hiệu hóa đoàn thanh tra bằng những khoản tiền lớn.

Ngày 6-3, tại phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát, cơ quan thực hành quyền công tố - VKSND TP HCM - công bố xong bản cáo trạng dài 160 trang do VKSND Tối cao xây dựng.

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Phơi bày nhiều thủ đoạn - Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cùng chồng đã gây thiệt hại lớn cho SCB. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Vợ chồng "tung hứng"

HĐXX yêu cầu thông dịch viên dịch lại phần cáo trạng liên quan bị cáo Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ, Hồng Kông - Trung Quốc; chồng bị cáo Trương Mỹ Lan). Bị cáo này xác nhận đã nghe rõ nội dung VKSND Tối cao truy tố hành vi phạm tội của mình.

Bị cáo Chu Lập Cơ là chủ tịch Hội đồng Quản trị, giữ vai trò quyết định cao nhất tại Công ty CP Times Square Việt Nam (địa chỉ chính tại quận 1, TP HCM). Năm 2012, để lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhằm cơ cấu các khoản nợ xấu, bị cáo Trương Mỹ Lan bàn bạc với bị cáo Chu Lập Cơ và lãnh đạo SCB về việc sử dụng tài sản dự án Times Square (quyền sử dụng đất thuê và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất thuê là cao ốc phức hợp văn phòng - khách sạn - căn hộ cao cấp - trung tâm thương mại Times Square và quyền tài sản có liên quan) bảo đảm cho các khoản vay.

Bị cáo Chu Lập Cơ đã ký biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, biên bản họp Hội đồng Quản trị của Công ty CP Times Square Việt Nam chấp thuận thế chấp tài sản của công ty bảo lãnh nợ vay cho cá nhân, tổ chức do bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ định. Sau khi có tài sản bảo đảm, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Times Square Việt Nam lập các hồ sơ vay vốn khống; nhờ người đứng tên các khoản vay và ký khống hồ sơ, thủ tục vay.

Bằng phương thức này, từ tháng 12-2012 đến tháng 12-2014, bị cáo Chu Lập Cơ giúp bị cáo Trương Mỹ Lan hợp thức hóa hồ sơ vay vốn khống để giải ngân số tiền vay tại SCB cho 73 khoản vay của 67 khách hàng, tổng số tiền giải ngân là hơn 29.441 tỉ đồng, thời hạn vay vốn 5 năm. Toàn bộ số tiền vay vốn được sử dụng cho mục đích riêng của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Đến năm 2017, do phương án vay vốn là lập khống, khoản vay chỉ dùng trả nợ xấu, không có nguồn để thu hồi gốc, lãi nên các khoản nợ đến hạn nhưng không thể trả được, bị cáo Trương Mỹ Lan thuyết phục chồng ký biên bản họp Hội đồng Quản trị Công ty CP Times Square Việt Nam ngày 15-8-2017 tiếp tục sử dụng tài sản của Times Square Việt Nam để thế chấp bảo đảm nghĩa vụ thanh toán nợ vay cho 54 khách hàng đang vay vốn tại SCB nhằm gia hạn nợ, tổng dư nợ được bảo đảm là hơn 35.541 tỉ đồng.

Tính đến thời điểm ngày 17-10-2022, tổng nghĩa vụ các khoản nợ do bị cáo Chu Lập Cơ ký hợp thức thủ tục còn 46 khoản vay với dư nợ gốc là hơn 19.552 tỉ đồng; nợ lãi hơn 19.665 tỉ đồng; tổng cộng dư nợ là hơn 39.217 tỉ đồng… Với những hành vi vi phạm trên, theo VKSND Tối cao, bị cáo Chu Lập Cơ đã giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 9.116 tỉ đồng.

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Phơi bày nhiều thủ đoạn - Ảnh 2.

Bị cáo Chu Lập Cơ tại tòa

Mua chuộc hàng loạt cán bộ ngân hàng

Với các bị cáo từng là cán bộ đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, đại diện cơ quan công tố khẳng định họ bao che sai phạm theo đề xuất, kiến nghị của SCB. Những cán bộ này đã báo cáo đề xuất không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra; điều chỉnh kế hoạch thanh tra không đúng chỉ đạo của Chính phủ theo hướng có lợi cho SCB cũng như dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, trái pháp luật.

Đặc biệt là đoàn thanh tra nhận tiền, quà và lợi ích vật chất khác của SCB để làm trái công vụ trong quá trình thanh tra. Trong đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, Trưởng Đoàn Thanh tra, trực tiếp chỉ đạo nhiều đồng phạm lập, chỉnh sửa các báo cáo của đoàn thanh tra. Từ đó, kết luận thanh tra theo hướng không đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, để SCB tiếp tục thực hiện tái cơ cấu; không chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định; ưu tiên áp dụng giải pháp kinh tế, dẫn tới không kịp thời ngăn chặn để bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của SCB trái pháp luật. Hành vi của các bị cáo trên gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thiệt hại hơn 514.102 tỉ đồng.

Tại phiên xét xử, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Phạm Lương Toản, cho biết trong vụ án này hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Capella, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang - là độc lập so với các bị cáo còn lại trong vụ án. Trước đó, bị cáo Nguyễn Cao Trí cùng luật sư bào chữa đã đề nghị được vắng mặt tại các buổi xét xử không liên quan đến nội dung của bị cáo vì lý do đang điều trị bệnh về cột sống. Sau khi kiểm tra bệnh án, HĐXX chấp nhận đề nghị. Theo đó, lực lượng dẫn giải không cần đưa bị cáo đến tòa cho tới khi HĐXX có yêu cầu mới.

Theo thông báo của chủ tọa phiên tòa, bắt đầu ngày xét xử thứ 3 của vụ án Vạn Thịnh Phát (sáng 7-3), HĐXX sẽ xét hỏi các bị cáo, trừ bị cáo Nguyễn Cao Trí.

Cá nhân nhận hối lộ nhiều nhất từ bị cáo Trương Mỹ Lan (5,2 triệu USD) là bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã nộp 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng.

9 tình tiết giảm nhẹ

VKSND Tối cao đề nghị áp dụng 9 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

Theo đó, trừ bị cáo Trương Mỹ Lan và 5 người đang bị truy nã, 80 bị cáo còn lại đều ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố. Nhiều bị cáo được xác định đã tích cực hợp tác làm rõ bản chất của vụ án, tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, một số có thành tích xuất sắc trong công tác; bị bệnh, sức khỏe yếu; nhân thân tốt, phạm tội lần đầu; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng...

Cáo trạng xác định nhiều đối tượng có liên quan vụ án nhưng không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự vì họ là cán bộ giúp việc, vai trò thứ yếu trong tạo lập hồ sơ vay khống, không được hưởng lợi, có người đã mất...

VKSND Tối cao cũng nhận định còn nhiều sơ hở trong một số văn bản quy phạm pháp luật, trong công tác quản lý Nhà nước và lĩnh vực tín dụng, ngân hàng - là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo. Do đó, cơ quan này cho biết sẽ kiến nghị các cơ quan hữu quan có thể chế, chính sách, giải pháp để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày