Vụ án 3 con gái đổ xăng đốt nhà mẹ đẻ: Đỉnh điểm của lòng tham và bất hiếu

Nguyễn Hiền/VOV.VN, Theo VOV 18:38 04/11/2022
Chia sẻ

Theo luật sư, những vụ việc như vậy thường để lại dư âm rất buồn, cho thấy lòng tham, lợi ích kinh tế, sự đố kỵ nhiều khi đã lấn át, làm mất đi tình cảm gia đình.

Ngày 4/11, Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án giết người xảy ra tại thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ. Quyết định khởi tố được đưa ra sau 5 ngày (30/10/2022) cơ quan điều tra xác minh vụ 3 người con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ gây phẫn nộ, bàng hoàng dư luận.

3 lần hòa giải không thành

Do mâu thuẫn trong việc tranh chấp tài sản (chia quyền thừa kế đất), khoảng 9h30 phút ngày 30/10, 3 người con gái của bà Vũ Thị Đều (SN 1961), ở xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên mang theo can xăng loại 10 lít đến nhà bà Đều.

Vụ án 3 con gái đổ xăng đốt nhà mẹ đẻ: Đình điểm của lòng tham và bất hiếu - Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc tại Hưng Yên

Sau khi cự cãi, một người mang theo can xăng đổ xuống nền phòng khách rồi châm lửa đốt. Lửa bùng lên khiến bà Đều và 3 người con đều bị bỏng nặng. Tài sản thiệt hại do bị đốt cháy khoảng 50 triệu đồng.

Ông Đỗ Trọng Hoạch - Chủ tịch UBND xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên cho biết, trước khi xảy ra sự việc này, từ hồ sơ lưu trữ tại xã, gia đình bà Đều đã được chính quyền xã 3 lần đứng ra hòa giải vụ việc.

Cụ thể, từ cuối năm 2020, người con gái thứ 3 của bà Đều đã có đơn đề nghị hòa giải gửi đến UBND xã Trung Hòa về việc giải quyết phân chia tài sản thừa kế từ người cha để lại. Trong đơn gửi đến UBND xã Trung Hòa, người con gái thứ 3 trình bày: Ông Đ.Đ.Đ. (người bố) đã qua đời mà không để lại di chúc. Tài sản để lại gồm 2 mảnh đất: mảnh thứ nhất ở trong ngõ, cách đường trục chính của làng khoảng 200m, có nhà cấp bốn. Mảnh thứ hai sát mặt đường chính của làng, cả gia đình cùng góp công sức đổ nền để làm nhà ở và hiện đang có nhà mới xây. Cả 3 chị em gái lấy chồng, sinh con và theo chồng. Vì chưa có di chúc nên những mảnh đất đó chưa được phân chia.

Cuộc sống vợ chồng của người con gái thứ 3 không hạnh phúc, đã hàn gắn nhiều lần không được. Không có chỗ nương tựa, cô con gái thứ 3 về xin mẹ mảnh đất để cất ngôi nhà ở tạm nhưng bà Đều không đồng ý.

Đến tháng 4/2022 trong lần hòa giải thứ ba, bà Đều nêu ý kiến, gia đình có hai thửa đất thì thửa đất hiện tại (ở sát mặt đường) bà và con trai đang ở, nếu sau này bà mất đi sẽ để lại cho con trai thờ cúng. Còn thửa đất phía trong bà sẵn sàng cho ba cô con gái. Tuy nhiên, người con gái thứ 3 nhất quyết không đồng ý nhận thửa đất phía trong và bày tỏ mong muốn mẹ chia thửa đất phía ngoài cho 3 chị em để còn kinh doanh, sinh sống. Không đạt được thỏa thuận, dẫn đến sự việc đau lòng ngày 30/10 vừa qua.

Đỉnh điểm của lòng tham và bất hiếu

Theo dõi vụ việc ngay từ đầu, luật sư Nguyễn Đức Hùng - Chủ tịch HĐTV - Công ty Luật TNHH A&H - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, hiện nay, rất nhiều vụ án hình sự đau lòng xuất phát từ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai. Vị luật sư này cho hay, ông đã từng tham gia rất nhiều vụ án dân sự và hình sự xuất phát từ tranh chấp đất đai. Điều đáng nói là rất nhiều người phạm tội và nạn nhân trong các vụ án này là thành viên trong gia đình, hoặc có quan hệ huyết thống rất gần gũi, có thể anh chị em ruột, cha mẹ với con cái, anh em con bác, con chú với nhau.v.v. Những vụ việc như vậy thường để lại dư âm rất buồn, vì đã cho thấy lòng tham, lợi ích kinh tế, sự đố kỵ nhiều khi đã lấn át, làm mất đi tình cảm gia đình, làm xói mòn của đạo đức xã hội.

Vụ án 3 con gái đổ xăng đốt nhà mẹ đẻ: Đình điểm của lòng tham và bất hiếu - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Chủ tịch HĐTV - Công ty Luật TNHH A&H

Đối với vụ việc ở Hưng Yên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Hùng cho rằng, sự thật khách quan của vụ việc và trách nhiệm pháp lý của từng người có liên quan như thế nào sẽ còn phải chờ kết quả điều tra, xác minh, làm rõ của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hưng Yên đã có quyết định khởi tố vụ án với "Tội giết người" theo quy định 123 (Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi vì, một người bình thường sẽ phải (và buộc phải) nhận thức được rằng xăng là chất rất dễ cháy, nổ và việc tưới xăng, đốt xăng như trong vụ việc là hoàn toàn có thể gây ra hỏa hoạn, làm chết người và gây ra các thiệt hại về tài sản. Do đó, các hành vi này được coi là "cố ý" tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác, là dấu hiệu cơ bản "tội giết người".

"Với các tình tiết định khung tăng nặng là 'giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình' và 'bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người' theo quy định tại điểm đ, điểm l Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự, thì khung hình phạt áp dụng trong vụ việc này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm", luật sư Hùng phân tích.

Theo luật sư Hùng, trong vụ việc này rất may mắn là hậu quả chết người đã không xảy ra. Do đó, theo quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, trường hợp này sẽ được coi là phạm tội chưa đạt. theo đó: "Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt".

Và theo quy định tại Khoản 3 Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì "đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định".

Theo các quy định nêu trên, nếu bị kết án về tội danh Giết người, thì người có hành vi tưới xăng, châm lửa đốt trong vụ việc này sẽ phải đối mặt với hình phạt tù nhưng không quá 20 năm tù.

"Ngoài ra, tùy thuộc vào giá trị tài sản bị thiệt hại do vụ cháy, thì vụ việc còn có dấu hiệu của 'Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản' (Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) với loại và khung hình phạt là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội này còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm", luật sư Hùng nói.

Luật sư Hùng cũng nhấn mạnh, vụ việc này vẫn hết sức đặc biệt và nghiêm trọng, về cả tính pháp lý và đạo đức xã hội. Vì lợi ích vật chất, lòng tham, những đứa con đã sẵn sàng ra tay với ngay cả chính mẹ đẻ của mình, chà đạp lên tình mẫu tử và đạo hiếu, đều là những giá trị cao quý và thiêng liêng nhất đối với mỗi con người trong xã hội, gây bức xúc rất lớn trong dư luận xã hội. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra, xác minh, làm rõ vụ án, trừng trị nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, để làm gương, tăng cường tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày