Vụ 4 người trong gia đình tử vong ở Hà Nội: Tình huống pháp lý nếu nghi phạm mắc bệnh tâm thần

Minh Ngọc, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 11:56 20/01/2025
Chia sẻ

“Nếu vì vấn đề bệnh lý, bị trầm cảm, không nhận thức được hành vi của mình mà sát hại tất cả những người thân trong gia đình thì đây là một bi kịch hết sức đau lòng”, luật sư chia sẻ.

Liên quan tới vụ việc 4 người trong cùng một gia đình tử vong tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội, ngày 19/1, trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam với Vũ Văn Vương (SN 1973, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) để điều tra về hành vi giết người.

Bước đầu cơ quan chức năng xác định Vũ Văn Vương có dấu hiệu trầm cảm, tâm lý bất thường, xét nghiệm âm tính với ma túy.

Trường hợp nào thì đối tượng không bị xử lý hình sự ?

Trao đổi với PV, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong vụ việc 4 người tử vong ở Phú Xuyên, hành vi của người đàn ông rất bất thường, CQĐT có thể sẽ tiến hành trưng cầu giám định để xác định xem đối tượng Vũ Văn Vương có bị mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi hay không, từ đó làm cơ sở để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư, trên đây mới là lời khai ban đầu của nghi phạm, CQĐT cũng sẽ làm rõ, trước và trong thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị can có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi hay không; làm rõ sau khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, khả năng nhận thức điều khiển hành vi của bị can thế nào.

Vụ 4 người trong gia đình tử vong ở Hà Nội: Tình huống pháp lý nếu nghi phạm mắc bệnh tâm thần- Ảnh 1.

Nghi phạm có dấu hiệu trầm cảm, cơ quan điều tra sẽ giám định

Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy, tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, kẻ gây án mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác, làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm hoặc pháp luật quy định bắt buộc phải nhận thức được thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nên đã thực hiện hành vi thì trường hợp này được xác định là không có lỗi, bởi hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Còn trong trường hợp kết quả giám định cho thấy, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi lượng hình, tòa án sẽ xem xét yếu tố tác động đến hành vi có liên quan đến bệnh lý và có thể sẽ giảm một phần hình phạt.

Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy, trước và trong thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi có khả năng nhận thức điều khiển hành vi của mình, hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhưng quá trình điều tra, truy tố, xét xử, sau khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người này mới mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, trong trường hợp này sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, sau khi chữa khỏi bệnh sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vụ 4 người trong gia đình tử vong ở Hà Nội: Tình huống pháp lý nếu nghi phạm mắc bệnh tâm thần- Ảnh 2.

Nơi xảy ra sự việc

Nếu người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức mà thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì chỉ bị bắt buộc chữa bệnh, sau khi chữa bệnh xong sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi được xác định là không có lỗi.

“Nếu vì vấn đề bệnh lý, bị trầm cảm, không nhận thức được hành vi của mình mà sát hại tất cả những người thân trong gia đình thì đây là một bi kịch hết sức đau lòng. Khi đó, có thể vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra. Bởi vậy khi gia đình có người trầm cảm, có biểu hiện tâm lý bất thường thì cần phải thăm khám điều trị kịp thời, có những giải pháp hỗ trợ, động viên và đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra, để tránh những vụ việc đau lòng tương tự”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường chia sẻ.

Trước đó, khoảng 14h00 chiều ngày 17/1, con gái bà Nh. (79 tuổi) đến nhà mẹ dọn dẹp nhưng gọi không thấy ai trả lời. Khi vào trong, người phụ nữ phát hiện mẹ đã tử vong trên giường.

Phát hiện mẹ tử vong, người này đã gọi và thông báo đến người thân, hàng xóm về sự việc. Sau đó, người con gái cùng mọi người chuẩn bị đồ, dọn dẹp căn phòng để khâm liệm thì phát hiện thêm 3 thi thể trong phòng ngủ của ngôi nhà nên đã trình báo.

Các nạn nhân được phát hiện trong căn nhà là bà Nh. (79 tuổi), chị Th. (50 tuổi, con dâu) và hai cháu bà Nh. lần lượt là T. (16 tuổi), H. (19 tuổi).

Thời điểm phát hiện các nạn nhân tử vong, Vũ Văn Vương được xác định không có mặt tại địa phương.

Trao đổi với báo chí, trưởng thôn Kim Long Trung cho biết, trước khi xảy ra sự việc, con dâu bà Nh. làm phụ hồ. Từ ngày 16/1, đồng nghiệp đã không thể liên lạc được với chị này. Sau đó, một người quen gọi điện cho con gái bà Nh. đến kiểm tra.

 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày