Bất cứ khi nào chúng ta bắt đầu học một điều gì mới như bắt đầu học vẽ, học chơi bóng, học chơi đàn, chúng ta đều mong muốn có thể nhanh chóng làm chủ các kỹ năng và tiến bộ thấy rõ. Thế nhưng có một thực tế là một số người mất đến vài tháng, thậm chí vài năm mới có thể thành thạo một kỹ thuật nào đó.
Bản chất của việc học là một vòng tuần hoàn. Đầu tiên là bạn học, rồi thực hành, rồi có được kinh nghiệm. Sau đó bạn dần nhận ra những lỗi sai và khắc phục chúng, kỹ năng của bạn được cải thiện hơn mỗi ngày, cho đến khi hoàn toàn thành thạo.
Thế nhưng, bạn có bao giờ băn khoăn sự khác nhau giữa một người học nhanh và một người học chậm là gì không? Không phải do năng lực bẩm sinh mà do người học nhanh họ có một cách học khác biệt, họ xây dựng nên một hệ thống riêng có thể áp dụng cho nhiều môn học, nhiều thứ khác nhau. Đó chính là "vòng phản hồi".
Nếu bạn đang muốn học một điều gì đó mới mẻ, đừng vội bắt đầu ngay, hãy dành một chút thời gian để tìm hiểu về "vòng phản hồi" và điều đó sẽ thay đổi cách học tập mọi thứ của bạn mãi mãi.
Phản hồi nghĩa là những phản ánh về mức độ thực hiện hay hiệu quả mà bạn đạt được cho một công việc nào đó. Tiếp nhận những phản hồi giúp bạn nhận ra bạn đã làm tốt điều gì và còn điều gì chưa đúng.
Một vòng phản hồi được chia làm 3 giai đoạn:
- Thực hành, áp dụng: Đây là lúc bạn thực hiện việc học hỏi những gì bạn muốn và thực hành chúng.
- Đo lường: Đây là lúc bạn nhận thông tin về hiệu quả của mình, bạn đã làm mọi thứ tốt đến đâu hay có điều gì chưa đạt được như kỳ vọng.
- Tìm hiểu: Cuối cùng, bạn sẽ phân tích những gì bạn đã làm tốt để tiếp túc phát huy và khám phá nguyên nhân của những lỗi sai để điều chỉnh cho phù hợp.
Mỗi khi bắt đầu học một điều gì đó mới mẻ, hãy nhớ thời điểm của 3 giai đoạn này cũng như đảm bảo cả 3 giai đoạn đều phải được hoàn thành. Nếu một chu kỳ mà thiếu đi một giai đoạn thì sẽ không mang lại hiệu quả cho việc học của bạn.
3 yếu tố đảm bảo một vòng phản hồi của bạn có hiệu quả là: Tính nhất quán, tốc độ và độ chính xác.
Tính nhất quán chính là sự giống nhau trong mỗi lần thực hành để bạn có thể dựa vào đó mà đo đếm được bản thân đã tiến bộ bao nhiêu. Ví dụ đơn giản là việc học đàn, nếu mỗi ngày bạn đàn một bản, sẽ khó để nhận ra bạn thường sai nốt nhạc nào, quãng thanh âm nào vì giai điệu và nhịp phách mỗi bài đều khác nhau. Tính nhất quán cần thiết là bạn cần chơi đi chơi lại một bản nhạc để có thể so sánh sự khác biệt và tiến bộ qua mỗi ngày, cho đến khi bạn có được một sự đánh giá toàn diện về khả năng của mình.
Tốc độ có nghĩa là nhanh chóng đưa ra phản hồi. Một người thường xuyên luyện tập nhưng không đánh giá và ghi lại phản hồi qua mỗi ngày thì sẽ không thể tiến bộ nhanh bằng người đưa ra phản hồi liên tục cứ hai ngày một lần và họ điều chỉnh kỹ thuật ngay sau đó. Một vòng phản hồi càng ngắn càng mang lại hiệu quả cao.
Cuối cùng là độ chính xác. Nếu bạn muốn nhanh tiến bộ, những phản hồi và đánh giá phải chính xác và chỉ đúng chỗ bạn đang mắc sai lầm. Nhờ vậy, bạn mới có thể cải thiện được đúng trọng tâm và mang lại hiệu quả tốt.
Bạn đang chuẩn bị học một điều gì đó mới mẻ, bạn đã sẵn sàng để áp dụng thử vòng phản hồi chưa?
Hãy áp dụng vòng phản hồi với đầy đủ các bước bên trên và kiểm chứng xem việc học của bạn có diễn ra đơn giản và tốc độ nhanh hơn nhiều cách truyền thống hay không.
Một lưu ý quan trọng là bạn cần liên tục cải thiện vòng phản hồi để duy trì động lực học tập. Cải thiện vòng phản hồi nghĩa là xác định những khía cạnh bạn cần đánh giá cho lần sau ngay khi ghi nhận phản hồi của lần hiện tại để có thể so sánh sự tiến bộ của bản thân.
Chúc bạn thành công và đừng quên chia sẻ ngay tuyệt chiêu vô cùng hiệu quả mà không phải ai cũng biết này.
(Theo Leon Ho, người sáng lập, giám đốc thương hiệu Lifehack)