Với Mai, đạo diễn Trấn Thành đã gần chạm đến điểm cân bằng giữa “đời” và “nghệ”

Phan Đạt, Theo Phụ nữ Số 20:08 12/02/2024
Chia sẻ

Với tác phẩm điện ảnh thứ 3 trong sự nghiệp, Trấn Thành cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong vai trò đạo diễn dù đôi chỗ còn chuệch choạc.

Khi nhận xét về phong cách của một đạo diễn, các nhà phê bình quốc tế thường đánh giá dựa trên các khía cạnh: câu chuyện - cách kể, thiết kế - mỹ thuật, dàn cảnh, quay dựng, màu sắc, thiết kế âm thanh và âm nhạc. Mỗi nhà làm phim tài ba đều có những thế mạnh riêng để tạo nên sức hút cho tác phẩm. Từ đó, họ xây dựng lên những đặc điểm mang tính thương hiệu cho các dự án của họ.

Sở hữu hai tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu phòng vé Việt mọi thời, Trấn Thành đang là một trong những đạo diễn đáng chú ý nhất của làng điện ảnh nội địa hiện nay. Tuy nhiên, với Bố Già và Nhà Bà Nữ, nhiều người vẫn nhận xét anh giống một "tay ngang" nhiều hơn nhà làm phim có nghề. Những yếu tố về kỹ thuật của Trấn Thành trong các dự án trước chưa chinh phục được những người xem khó tính.

Ở dự án thứ 3 trên ghế đạo diễn, Trấn Thành không giấu mong muốn "flexing" tay nghề của bản thân. Với ngân sách 50 tỷ đồng, các cảnh quay trong Mai đều được dàn dựng và sắp đặt một cách cầu kỳ. Các cú máy và chuyển cảnh cũng nặng tính khoa trương và trưng trổ hơn. Có thể nói, Mai là tác phẩm được đầu tư chỉn chu và tham vọng nhất của Trấn Thành tính đến thời điểm này.

Với Mai, đạo diễn Trấn Thành đã gần chạm đến điểm cân bằng giữa “đời” và “nghệ” - Ảnh 1.

Dàn nhân vật đông đảo và đa dạng của Mai.

Vẫn một Trấn Thành thích ôm đồm về mặt câu chuyện

Phim của Trấn Thành thường bị nhận xét quá phóng đại với những cao trào liên tục được đẩy lên một cách bất chấp và đôi khi không đưa ra được cách giải quyết hợp lý. Thực chất, ba bộ phim điện ảnh của anh đều có thể xếp vào thể loại melodrama, nơi các chi tiết thường được cường điệu một cách quá mức đến mức tạo cảm giác phi lý. Hướng đi này giúp Trấn Thành dễ dàng đánh vào cảm xúc người xem một cách trực diện nhưng đôi khi cũng khiến khán giả cảm thấy khó chịu, mệt mỏi.

Ở Mai, dù đã tiết chế khá nhiều, phim vẫn tạo cảm giác ôm đồm, rối rắm với nhiều tình tiết được cài cắm và phát triển chưa hợp lý. Những hạn chế này lộ rõ trong phần cuối của tác phẩm, khi câu chuyện bị lật qua lật lại một cách bất chấp để tạo kịch tính. Đoạn kết của Mai cũng có thể xem là một điểm trừ đáng tiếc khi chỉ nặng về cảm xúc nhưng không mang đến thông điệp rõ ràng.

Với Mai, đạo diễn Trấn Thành đã gần chạm đến điểm cân bằng giữa “đời” và “nghệ” - Ảnh 2.

Nhiều khán giả thường khen phim của Trấn Thành "rất đời". Anh giỏi trong việc chọn lọc những chất liệu từ xung quanh để đưa vào tác phẩm của mình. Nhưng việc để gia giảm, kết hợp chúng thành một sản phẩm tổng thể vẫn là điều đạo diễn đang loay hoay tìm giải pháp.

Phim của Trấn Thành giống một mâm cỗ đa dạng, nơi người thưởng thức dễ dàng tìm sẽ thấy món yêu thích nhưng khó có thể cảm nhận tròn trịa vị của tất cả.

Tất nhiên, mỗi đạo diễn đều làm chủ cái quyền được chọn câu chuyện, chọn góc nhìn và cách kể của riêng mình. Sự tham lam và ôm đồm của Trấn Thành cũng là một đặc điểm riêng trong phong cách làm phim của anh. Và dựa trên tình hình thực tế, các sản phẩm của Trấn Thành vẫn được đông đảo công chúng đón nhận.

Với Mai, đạo diễn Trấn Thành đã gần chạm đến điểm cân bằng giữa “đời” và “nghệ” - Ảnh 3.

Đạo diễn Trấn Thành (trái) trên trường quay phim Mai.

Mai là thành quả của sự cầu thị, dám lắng nghe và dám thay đổi của Trấn Thành

Từ Bố Già cho đến Nhà Bà Nữ, khán giả đã thấy sự thay đổi tương đối rõ rệt về cách làm phim của Trấn Thành. Nếu ở tác phẩm đầu tay, khi anh hợp tác với đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, đường dây câu chuyện được tiến triển khá rõ ràng và hợp lý. Cấu trúc kịch bản cũng được xây dựng theo hướng nặng tính truyền thống và không quá mới mẻ. Đến lúc làm Nhà Bà Nữ một cách độc lập, cách kể của Trấn Thành phóng khoáng và biến hóa hơn. Điều đó phần nào góp phần tạo nên sự bùng nổ của tác phẩm ở phòng vé, đem đến một luồng gió mới mẻ cho làng điện ảnh nước nhà.

Việc phá vỡ quy tắc luôn có tính hai mặt. Sau Nhà Bà Nữ, khán giả được chia ra hai nhóm rất rõ rệt. Một bên cảm thấy thích thú, hứng khởi vì sự tươi mới. Nhóm còn lại khó chịu, gay gắt vì những hướng đi khác thường trong tác phẩm.

Với Mai, đạo diễn Trấn Thành đã gần chạm đến điểm cân bằng giữa “đời” và “nghệ” - Ảnh 4.
Với Mai, đạo diễn Trấn Thành đã gần chạm đến điểm cân bằng giữa “đời” và “nghệ” - Ảnh 5.

Ở Mai, Trấn Thành dường như đã gần chạm đến điểm cân bằng trong phong cách làm phim của bản thân. Khán giả nhìn thấy một đạo diễn chững chạc và điềm đạm hơn. Anh vẫn đem đến nhiều điểm mới mẻ nhưng không còn tạo cảm giác chạy theo những ý tưởng táo bạo một cách bất chấp mà trái lại có ý đồ rất rõ ràng. Yếu tố "đời" được tiết chế hợp lý hơn, để dành đất cho phần "nghệ" tỏa sáng.

Điều đó có thể cảm nhận ngay từ những cảnh đầu tiên của Mai, khi nữ chính do Phương Anh Đào thể hiện lần đầu đến khu trọ mới trong một buổi tối ảm đạm. Cô gọi một cốc cà phê vỉa hè và lang thang trên những con đường vừa vắng vẻ, vừa ồn ào chốn phố thị về khuya. Không vội vã để lộ mặt nhân vật, máy quay bám sát từng bước chân của Mai bước chậm rãi trong khung cảnh vừa đẹp, vừa buồn và cô đơn đó.

Cách thiết lập góc quay và âm thanh hợp lý khiến người xem cảm thấy như mình cũng đang ở trong tâm trí Mai, quan sát từng khung cảnh mới, lắng nghe từng tiếng động đang nhòa đi vì những suy nghĩ ngổn ngang trong đầu. Khi bước vào khu chung cư, đạo diễn sử dụng một cú máy dài theo góc nhìn thứ nhất, chao đảo và rung lắc như báo hiệu cho câu chuyện đời không bằng phẳng đang chờ đợi Mai. Để khi nữ chính lần đầu lộ mặt trên màn ảnh, với biểu cảm gương mặt xuất sắc của Phương Anh Đào, người xem gần như đã cảm nhận được phần nào những điều số phận dành cho cô này ở phía trước.

Với Mai, đạo diễn Trấn Thành đã gần chạm đến điểm cân bằng giữa “đời” và “nghệ” - Ảnh 6.

Khác với cảnh mở bài ở hai tác phẩm trước, luôn nhộn nhịp đến mức ồn ào, những phân cảnh đầu tiên Mai được vẽ bằng những nét chấm phá gọn gàng, không cần nhiều thoại. Trấn Thành đã chịu khó kể bằng hình ảnh hơn chứ không lạm dụng lời dẫn chuyện hay những màn đốp chát của nhân vật để thúc đẩy câu chuyện.

Tinh thần đó cũng được giữ nguyên trong phần lớn tác phẩm lần này. Trấn Thành cho thấy sự lên tay rõ rệt trong khả năng dàn cảnh của mình. Ở những cảnh toàn, sự chuyển động của các chi tiết trong khung hình diễn ra một cách mượt mà, hợp lý, không còn mang nặng tính sân khấu như hai bộ phim trước. Ở Mai, bối cảnh cũng được thiết kế một cách chỉn chu, đẹp mắt hơn hẳn Nhà Bà Nữ và vượt xa sự ngô nghê, đậm chất web drama thời Bố Già.

Dù vẫn còn chuệch choạc và đôi khi mang tính khoa trương quá đà, dự án lần này của Trấn Thành khắc phục được nhiều điểm yếu về mặt kỹ thuật trong quá khứ. Có thể thấy, những lời góp ý từ khán giả về hai tác phẩm trước đã được Trấn Thành lắng nghe và sàng lọc một cách cẩn thận. Sự lên tay ở Mai là minh chứng rõ rệt cho thấy tinh thần cầu thị của đạo diễn trên hành trình làm đạo diễn của anh.

Với Mai, đạo diễn Trấn Thành đã gần chạm đến điểm cân bằng giữa “đời” và “nghệ” - Ảnh 7.

Mai không phải một kiệt tác điện ảnh xuất chúng nhưng là đỉnh mới trong hành trình làm phim của Trấn Thành. Qua hai dự án trước, Trấn Thành đã chứng minh được mình là người hiểu và biết cách chạm đến cảm xúc của khán giả. Với Mai, anh thể hiện được sự chỉn chu và cầu tiến việc làm nghề. Ở phương diện phim thương mại, hai yếu tố đó rất quan trọng để cho ra đời những sản phẩm chất lượng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày