Nhà tôi có một thói quen đã giữ được mấy năm từ đợt nghỉ dịch dài: Ngày nào cũng tự nấu bữa sáng. Không cần quá cầu kỳ, nhưng chúng tôi luôn cố gắng đổi món để không ai thấy chán: hôm thì bún phở, hôm thì trứng ốp la, hôm bánh mì kẹp, hôm xôi gấc... Dù ăn món gì thì sau bữa sáng, cả nhà đều mỗi người 1 một cốc sữa tươi để tăng đạm, coi như phần "nạp năng lượng" bắt buộc cho ngày mới.
Thế mà dạo gần đây, vợ tôi cứ đến công ty được 1 lúc là nhắn tin kêu ca: "Không hiểu sao bụng réo ùng ục, có bữa ra vào toilet mấy lần mới yên." Ban đầu tôi tưởng do ăn trúng gì đó hoặc bị lạnh bụng nhưng tình trạng này kéo dài cỡ cả tháng rồi, vợ tôi vừa mệt vừa ngại với mọi người ở công ty.
Thử để ý xem uống sữa bò tươi hay các món ăn, đồ uống có sữa bò xem bạn có bị đau bụng, khó chịu như vợ tôi không.
Cuối cùng, sau khi đi khám và tra cứu thêm, chúng tôi mới té ngửa là cô ấy bị b ất dung nạp lactose - một hiện tượng mà tôi nghĩ mấy người "yếu bụng" mới mắc, chỉ nghe thấy khi xem phim Âu Mỹ chứ ở Châu Á chưa ai nói. Hóa ra chuyện hoàn toàn ngược lại.
Lactose là loại đường có trong sữa bò và các sản phẩm từ sữa. Khi cơ thể không đủ men lactase để tiêu hóa, lactose sẽ lên men trong ruột và gây ra các triệu chứng như đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy hoặc khó tiêu. Điều ngạc nhiên là rất nhiều người châu Á, trong đó có cả người Việt dễ bị bất dung nạp lactose mà không biết, vì triệu chứng thường nhẹ hoặc diễn ra từ từ.
Bản đồ mô tả tì lệ gặp tình trạng bất dung nạp lactose trên thế giới. Màu càng đậm là tỉ lệ càng cao, vậy sao bao năm nay người Việt chúng ta vẫn uống sữa bò nhỉ?
Cái khó là, hồi nhỏ vợ tôi vẫn uống sữa bình thường. Nhưng hóa ra, với 1 số người như vợ tôi, khi có tuổi, cơ thể bắt đầu giảm tiết enzyme lactase nên càng về sau càng dễ nhạy cảm với sữa bò - đặc biệt nếu uống vào mỗi sáng và nếu bụng còn trống rỗng.
Chưa kể, bệnh này không chữa khỏi được hoàn toàn mà chỉ có cách hạn chế, dễ nhất là tránh dùng thực phẩm chứa lactose hoặc thay thế bằng các loại sữa khác.
Sau vài ngày tìm hiểu, tôi định mua sữa hạt làm sẵn thay sữa bò cho cả nhà uống. nhưng lượn 1 vòng siêu thị thì thấy giá sữa hạt cao hơn kha khá sữa bò, có các loại nhập khẩu còn đắt gấp đôi. May mà có cô đồng nghiệp nữ mách nước: "Anh mua cho chị cái máy sữa hạt đi, em xài rồi, tiện lắm!"
Vậy là tôi mạnh dạn đầu tư một chiếc máy nấu sữa hạt tầm trung, có chức năng xay, nấu, lọc, giữ ấm mà dùng siêu dễ. Tối trước khi ngủ chỉ cần ngâm đậu nành, hạnh nhân, óc chó hoặc yến mạch rồi bấm nút hẹn giờ, sáng hôm sau dậy là đã có luôn 1 bình sữa nóng hổi, thơm phức cho cả nhà uống.
(Hình minh họa)
Từ lúc đổi sang sữa hạt tự nấu, vợ tôi không còn bị đau bụng mỗi sáng, tinh thần đi làm cũng vui vẻ hẳn lên. Mỗi tuần vợ còn tự lên menu các món sữa hạt khác nhau để đổi vị: Từ óc chó mè đen, hạnh nhân hạt chia đến đậu xanh đậu đỏ... Những kiểu sữa này vừa tốt cho bụng dạ vợ tôi, có thêm nhiều chất chống oxy hóa, nhiều lợi ích sức khỏe và rất phù hợp với phụ nữ. Mới được vài ngày, tôi tự nhiên thành "chồng nhà người ta" trong mắt mấy chị em hàng xóm vì tâm lý quá trời.
Chưa kể, tôi đã tính là đầu tư máy này không thể lỗ được (trừ khi nó hỏng bất chợt) vì mỗi ngày chỉ mất khoảng 10.000 – 20.000đ tiền hạt là đủ sữa cho cả nhà uống , rẻ bằng 1/2 - 1/3 so với mua sữa bò thông thường. Mỗi tháng dù chỉ đút lợn được thêm vài trăm nghìn thôi, không đáng là bao nhưng thời buổi kinh tế này, lại đang nuôi 2 con tuổi ăn học thì luôn là đáng quý.
Mua máy giá khoảng 1 triệu nhưng chi phí làm sữa lại giảm còn 1 nửa, tính ra dùng lâu dài vẫn kinh tế hơn hẳn uống sữa bò đóng hộp. (Ảnh minh họa)
Cơ mà, việc dùng máy sữa hạt hóa ra không "êm ả" như tôi tưởng tượng. Mấy hôm đầu, tôi lỡ cho sai tỷ lệ nước và hạt, nấu xong lúc thì sữa đặc quá, lúc lại loãng toẹt như nước vo gạo. Vợ tôi uống thử mấy mẻ đầu, nhăn mặt bảo "khó uống như nước đậu sống".Có hôm 2 vợ chồng mắt nhắm mắt mở, hẹn giờ nhầm buổi sáng thành buổi chiều, đến lúc ngồi vào bàn ăn mới biết máy chưa chạy, hạt còn sống nhăn.
Phải mất vài ngày thử đi thử lại, đổi công thức, tìm hiểu trên mạng đeer thêm chút muối hoặc mật ong cho vừa miệng thì mới dần ổn. Thỉnh thoảng, thú thật là tôi cũng hơi… lười rửa máy, nhất là sau hôm nấu mẻ sữa có mè đen hay yến mạch vì dính thành cặn đặc khó trôi, phải tháo từng bộ phận ra ngâm rồi cọ rửa kĩ cho chắc dù máy có sẵn chế độ tư vệ sinh. Chỉ sau 1 tháng, khi quen rồi mọi thứ mới bắt đầu vào guồng, cảm giác chỉ cần chuẩn bị hạt vào tối hôm trước, sáng dậy có sẵn sữa uống ấm bụng lại là tự tay mình làm nó "chill" lắm, hơi giống viễn cảnh 2 vợ chồng tự vẽ ra khi về già rồi.
Máy làm sữa hạt giờ có rất nhiều mẫu mã từ nhiều thương hiệu lớn nhỏ, giá khoảng 1 triệu là đã khá ổn. Nếu nhà đông người, uống nhiều thì mua loại đắt hơn, dung tích cao hơn cũng được.
Chuyện tưởng chừng rất nhỏ - một cốc sữa buổi sáng - lại hóa ra là thứ ảnh hưởng đến cả một buổi làm việc, đến sức khỏe và tâm trạng của người trong nhà. Vợ chồng tôi áp lực kinh tế nhiều, thời gian dành cho nhau ngày một ít đi nên sức khỏe lại càng phải cẩn thận.
Từ chuyện này mới hiểu, đôi khi chỉ cần tinh ý một chút, thay đổi một chút cũng đủ khiến cuộc sống nhẹ đi rất nhiều. Và có lẽ, nhờ chiếc máy "bé bé xinh xinh" ấy, mà buổi sáng ở nhà tôi giờ yên ả hơn hẳn, không còn cảnh người thì đau bụng, người thì luống cuống, cả nhà giờ vừa ăn sáng vừa trò chuyện, thư thả hơn nhiều.
Ký tên: Một ông chồng từng nghĩ "sữa lành mà ai uống chẳng được", giờ thì "biết mặt nhau" rồi nhé.