Vốn không phải con nhà nòi, song từ nhỏ võ sư Huỳnh Phi Thanh (SN 1954, Bình Định) đã được người cha cho theo học Taekwondo từ thầy Lê Sung và đạt đến đai đen tứ đẳng. Đó là nền tảng võ thuật ban đầu mà theo võ sư Thanh, đã giúp ông phát huy rất nhiều ở sức mạnh đòn chân.
Khi đạt đến ngưỡng cao nhất của Taekwondo lúc đó, võ sư Thanh tiếp tục được cha giới thiệu đến một người sư phụ khác của Thiếu Lâm La Hán Quyền, người Tuy Hòa (Phú Yên). Theo chia sẻ của võ sư Thanh, sư phụ ông được người dân thời đó gọi với biệt danh "Hải kèn" vì thường làm việc thổi kèn chào cờ trong quân đội vào mỗi buổi sáng đầu tuần. Vị này được ông mô tả là sở hữu thân hình cực kỳ săn chắc, có thể đứng yên cho người khác đấm đá liên tục vào người mà vẫn không hề có chuyện gì xảy ra.
(Thiết kế: Phú Quý)
Nhận thấy ông có nền tảng võ thuật tốt nên sư phụ đồng ý nhận dạy và truyền thụ nhiều loại công phu độc đáo của Thiếu Lâm La Hán Quyền. Một trong số đó chính là môn luyện uống "mã tiền" sống để trở thành mình đồng da sắt. Theo võ sư Thanh, ông thường dùng mã tiền sống ngâm rượu để sử dụng, bổ trợ song song với luyện quyền cước hằng ngày.
Võ sư Thanh tiết lộ: "Sư phụ tôi uống mã tiền sống tận 18 năm nên rất chắc xương, người ta đánh ổng không có đau, có thể gọi là "mình đồng da sắt". Tôi xin nhắc lại đây là mã tiền có độc dược mạnh nên không phải ai cũng uống được mà thường dùng để xoa bóp là chính.
Mặc dù vậy, sư phụ vẫn chỉ tôi dùng trái mã tiền ngâm sống với nước cơm trong vòng 7 ngày, khi mã tiền mềm thì lột mầm bên trong ra, tiếp tục cạo sạch vỏ rồi cắt nhỏ ngâm với rượu đến khi ngã sang màu giống trà thì uống được.
Mỗi ngày sau khi luyện công với sư phụ xong thì tôi đều uống một giọt nhỏ bằng khoảng đầu chiếc đũa. Tôi tập luyện liên tục như vậy trong khoảng thời gian 5 năm. Thời gian đầu thì vị còn rất đắng và khó uống nhưng uống nhiều cũng quen nên cơ thể mình bắt đầu rất khỏe, xương rắn chắc. Cũng nhờ vậy mà tôi chịu đau giỏi, có sức mạnh hơn người nên được dân trong vùng rất ngưỡng mộ".
Không chỉ truyền thụ cách luyện công độc đáo, võ sư Huỳnh Phi Thanh còn được sư phụ chỉ dạy nhiều đòn đánh đặc trưng của La Hán Quyền như Mãnh Hổ Xuất Sơn, Bình Sa Lạc Nhạn, Song Long Xuất Hải, Tam Xích Kiếm Trảm Thanh Xà, hay đặc biệt hơn là bộ chỉ tay cực kỳ hiểm độc trong giao đấu thực tế.
Theo chia sẻ của võ sư Huỳnh Phi Thanh, tên tuổi của ông nổi danh và được nhiều người biết đến đó là giai đoạn thập niên 80 tại vùng đất Lâm Đồng. Thời điểm đó, ông rời quê nhà để lên vùng núi Tây Nguyên tham gia vào việc đãi vàng tại khu bãi vàng Tà In.
Vì tính chất công việc và địa hình phức tạp nên đây là nơi mọi mâu thuẫn thường được giải quyết bằng "luật rừng". Ông cho biết khu Tà In rộng lớn khoảng 15km nên phân chia thành 7 bãi khác nhau. Ông cùng 6 anh em khác đều là những người cùng đi lính làm chung ở 1 bãi riêng.
Việc đãi vàng không tránh khỏi những va chạm, bất đắc dĩ ông mới phải dùng đến những "ngón nghề" để giải quyết. Lần đầu tiên đó là việc đánh hạ tên đại ca của một khu bãi bên cạnh. Theo như lời kể của ông thì tên này cầm dao chém ông từ trên xuống, nhanh như chớp ông ra đòn chụp cổ tay hắn để đỡ và vặn ngược ra sau, đánh bay con dao ra xa. Đàn em của vị đại ca kia thấy vậy cũng dè chừng, nể phục và nhanh chóng rút lui.
Đến tận bây giờ, võ sư Thanh vẫn còn nhớ như in câu chuyện xảy ra vào năm 1985 khi 7 anh em của ông đánh úp bất ngờ khiến một băng nhóm có gần 100 người phải chấp nhận chịu thua.
Ông kể: "Đó là băng nhóm "Sơn râu" tập hợp của những thành phần bất hảo, có người vừa mới ra tù không lâu. Chúng rất đông, có khoảng 100 người cả từ miền Bắc lẫn miền Nam lên đây làm việc. Tôi vốn bản chất hiền hòa, không thích kiếm chuyện với người khác, chỉ muốn cùng anh em tập trung vào làm việc để kiếm sống. Tuy nhiên, vì đây là nơi rừng núi hẻo lánh, khâu quản lý còn lỏng, những người trên khu đãi vàng đa số dùng "luật ngầm" để giải quyết lẫn nhau.
Thời điểm đó, bọn chúng cứ kiếm chuyện hằng ngày khiến tôi không thể nhịn được nữa, bỏ chạy thì không xong. Nhưng chúng quá đông nên nếu đánh trực diện thì sao mình đánh lại được. Thành ra, 7 anh em chúng tôi bàn nhau phục kích ban đêm, đánh từng nhóm nhỏ khiến chúng trở tay không kịp.
Lúc đó tôi khỏe lắm, khi được anh em hỗ trợ "đánh úp", chủ yếu nhắm vào người đứng đầu mỗi nhóm nhỏ để tấn công. Khi đánh bộ, chủ yếu tôi dùng đòn mãnh hổ xuất sơn, khi đánh là chúng gục ngay từng người một. Bị đánh bất ngờ nên những người còn lại cũng không kịp trở tay, phải bỏ chạy hoặc chắp tay xin tha, hứa không kiếm chuyện nữa. Từ thời điểm đó, cả khu vàng người ta thấy tôi là nể, nên thành ra mọi người gọi là "ông trùm".
Cũng từ câu chuyện này, những người dân khu vực sống xung quanh bãi vùng đều biết đến tên tuổi của võ sư Huỳnh Phi Thanh. Ngoài những trận quyết chiến ngầm trên bãi vàng thì một lần khác khiến võ sư Thanh cũng không thể quên đó là khi giải vây cho người em của ông sau đó không lâu.
Ông kể lại: "Khu tôi ở trong thời gian làm vàng có nhiều người khắp nơi đổ về. Trong một lần đi ăn, tôi với đứa em gặp một băng đảng kia gồm 5 người. Thấy chúng kiếm chuyện nên người em của tôi mới lên tiếng cự lại. Chờ có vậy, chúng tiến tới quây đánh người em, tôi đứng cách ngay đó chỉ 2 mét thôi.
Tôi rất bình tĩnh, chưa hành động gì. Tuy nhiên, người em của tôi cũng có võ nên né tránh được. Không đánh được em, chúng thấy tôi nhỏ người hơn (khoảng 58kg) nên quay qua định đánh cả tôi. Tôi nhanh chóng xoay người tung đòn rờ-ve ngay vào mặt khiến tên cầm đầu gục tại chỗ, chảy cả máu mũi. Thấy vậy 4 người đàn em kia mới quỳ xuống xin tha".
Đó chỉ là số ít những trận chiến khiến cho võ sư Thanh đến tận bây giờ vẫn còn nhớ mãi không quên. Với danh tiếng từ ông trùm khu bãi vàng, ông mở ra lớp võ đầu tiên ở Lâm Đồng và thu hút rất đông võ sinh theo tập luyện.
Võ sư Huỳnh Phi Thanh thị phạm đòn đánh cùng học trò.
Ngót nghét suốt 20 năm, võ sư Thanh liên tục đi từ Lâm Đồng, xuống Bình Định để mở lớp truyền dạy võ Thiếu Lâm. Tính đến thời điểm hiện tại, ông có tổng cộng 8001 học trò và không dạy thêm nữa.
Theo võ sư Huỳnh Phi Thanh để có thể áp dụng hiệu quả trong chiến đấu thì những môn võ hiện đại ngày nay như Boxing, KickBoxing, Muay Thái, MMA… vẫn chiếm ưu thế rất rõ ràng. Trong khi đó việc tập quyền cước dù lực nhẹ hay mạnh cũng không nói lên điều gì, chỉ phù hợp để tập khỏe mạnh. Nhưng ông cũng khẳng định nếu giao đấu thực tế không luật lệ thì rất khó để nói trước.
Võ sư Thanh chia sẻ: "Khi đấu trên võ đài thì có luật lệ, mang găng, bảo hộ đầy đủ, hầu như võ sĩ sẽ không đánh được vào những chỗ cấm như hạ bộ, mắt, cổ… Còn khi đấu thực tế tự do thì mình linh hoạt sử dụng nhiều đòn khác nhau, kể cả các đòn đánh hiểm vào vùng cấm nên rất dễ hạ được đối thủ nhanh chóng. Một võ sĩ có thể đấu đài giỏi nhưng chưa chắc dám bỏ găng để đấu tự do ngoài thực tế. Đó là sự khác biệt".