Vỡ quỹ lương hưu: Cơn ác mộng của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc khi chưa giàu đã già, giới trẻ được kêu gọi ngừng trà sữa, cà phê, nhà hàng để tiết kiệm

Băng Băng, Theo An ninh tiền tệ 19:34 06/04/2024
Chia sẻ

Số liệu của Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) cho thấy nếu tiếp tục đà lão hóa dân số như hiện nay, quỹ lương hưu công của nước này sẽ hết tiền chỉ trong 10 năm tới.

Tờ New York Times cho hay 520 triệu người Trung Quốc, tương đương 40% tổng dân số hiện tại sẽ trên 60 tuổi vào 25 năm nữa. Số liệu của Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) cho thấy nếu tiếp tục đà này, quỹ lương hưu công của nước này sẽ hết tiền chỉ trong 10 năm tới.

Đây được đánh giá là một cơn ác mộng với 1,4 tỷ người dân Trung Quốc khi chưa giàu đã già, thậm chí khiến lớp trẻ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chẳng còn hy vọng gì vào hệ thống lương hưu nữa.

Vỡ quỹ lương hưu: Cơn ác mộng của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc khi chưa giàu đã già, giới trẻ được kêu gọi ngừng trà sữa, cà phê, nhà hàng để tiết kiệm - Ảnh 1.

Tiền đâu?

"Nghỉ hưu với tiền lương hưu ư? Tôi chẳng còn hy vọng vào điều đó nữa", anh Tao Swift, một người thất nghiệp 30 tuổi sống tại Trung Quốc than thở.

Suy nghĩ của anh Tao, người sống tại miền nam Chengdu-Trung Quốc chỉ là một trong số nhiều người dân nước này.

Trên mạng xã hội và các diễn đàn, giới trẻ Trung Quốc đang ngày càng chán nản với việc cố gắng làm việc để tiết kiệm tiền lương hưu cho về già. Một số thậm chí từ bỏ việc tiết kiệm tiền khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thu nhập thấp và một tương lai ảm đạm của nền kinh tế.

Theo NYT, Trung Quốc trong 30 năm qua đã thay đổi từ một nền kinh tế với lao động trẻ, dồi dào thành một xã hội dần lão hóa nhanh. Suốt 7 năm giảm tỷ lệ sinh đã khiến thị trường này đối mặt nguy cơ người nghỉ hưu cao hơn số lao động.

Tốc độ lão hóa quá nhanh cùng tỷ lệ sinh thấp khiến áp lực lên các quỹ hưu trí ngày một lớn. Với tuổi nghỉ hưu bình quân là 54, thuộc hàng thấp nhất thế giới, nguy cơ vỡ quỹ lương hưu tại Trung Quốc đang ngày một lớn dần.

Tờ NYT cho hay câu hỏi khó khăn nhất hiện nay với người dân Trung Quốc là tiền đâu để tiết kiệm cho nghỉ hưu khi kinh tế giảm tốc chưa từng có kể từ khi mở cửa cách đây 40 năm.

Trên thực tế vấn đề vỡ quỹ lương hưu không phải của riêng Trung Quốc mà nhiều nước lão hóa dân số nhanh cũng đang phải đối mặt. Tuy nhiên trong khi phần lớn các quốc gia này là nền kinh tế phát triển với ngân sách đủ sức gánh một dân số già thì Trung Quốc lại chưa đủ "giàu".

Tệ hơn, sự giảm tốc kinh tế càng làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào quỹ lương hưu.

"Vì dân số lão hóa quá nhanh nên mọi người đang mất niềm tin vào quỹ lương hưu. Họ lo ngại rằng tiền lương hưu nhận được sau này sẽ giảm đi", chuyên gia kinh tế trưởng Tao Wang của UBS nhận định.

Vỡ quỹ lương hưu: Cơn ác mộng của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc khi chưa giàu đã già, giới trẻ được kêu gọi ngừng trà sữa, cà phê, nhà hàng để tiết kiệm - Ảnh 2.

Bát cơm sắt

Cho đến tận thập niên 1980 trước khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, thị trường này vẫn vận hành với các tập đoàn quốc doanh, chăm lo cho người lao động đến khi họ qua đời, hay còn được gọi là "bát cơm sắt".

Thế nhưng khi mở cửa kinh tế, Trung Quốc đã tập trung vào đầu tư phát triển, giúp người dân giàu lên, thúc đẩy tăng trưởng hơn là chú trọng vào đảm bảo an sinh xã hội.

Đặc biệt sau khi hàng loạt tập đoàn quốc doanh cổ phần hóa thập niên 1990, hàng chục triệu lao động nhà nước đã mất việc làm, tạo nên một làn sóng lao động dư thừa trong nền kinh tế.

May mắn thay, đà phát triển của các nhà máy sản xuất cho xuất khẩu đã cứu vớt những lao động này, đồng thời tạo nên tăng trưởng bùng nổ suốt nhiều thập niên sau đó.

Tuy nhiên vấn đề hưu trí và an sinh xã hội thì lại chưa được giải quyết triệt để. Trung Quốc đã thay thế việc các tập đoàn quốc doanh chăm lo cho người lao động đến hết đời bằng 3 lớp quỹ hưu trí.

Vỡ quỹ lương hưu: Cơn ác mộng của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc khi chưa giàu đã già, giới trẻ được kêu gọi ngừng trà sữa, cà phê, nhà hàng để tiết kiệm - Ảnh 3.

Lớp thứ nhất là quỹ lương hưu công chiếm phần lớn tại Trung Quốc với hơn 1 tỷ người tham gia. Đây là quỹ lương hưu chi trả cơ bản cho các thành phần thất nghiệp cũng như những lao động nhập cư chiếm hơn 550 triệu người. Ngoài ra 504 triệu lao động có việc làm cũng nằm trong diện được chi trả từ quỹ này.

Lớp thứ 2 là những quỹ lương hưu tư nhân do các doanh nghiệp xây dựng mà người lao động có thể tham gia tự nguyện.

Cuối cùng là quỹ lương hưu cá nhân, mới được giới thiệu vào năm 2022 khi một số địa phương ban hành những ưu đãi thuế cho người nghỉ hưu để giảm áp lực quỹ hưu trí công.

Việc quỹ lương hưu cá nhân được áp dụng thí điểm ở hàng chục thành phố Trung Quốc cho thấy dấu hiệu đáng báo động rằng dân số nước này lần đầu tiên suy giảm và nguy cơ vỡ quỹ hưu trí công đang lớn dần.

Ngừng trà sữa, cà phê?

Anh Xuan Lu, một nhân viên 27 tuổi tại Bắc Kinh cho biết mình vẫn chưa bận tâm lắm đến khoản 5% thu nhập bị khấu trừ hàng tháng để đóng bảo hiểm.

Thế nhưng với nguy cơ vỡ quỹ hưu trí, ngày càng nhiều lao động không vô tri được như anh Lu.

"Rất nhiều lao động Trung Quốc hiện nay từ bỏ đóng tiền lương hưu và con số này ngày một tăng cao", giáo sư Dali Yang của trường đại học Chicago cho biết khi phần lớn những lao động này là bán thời gian, làm tự do hoặc thất nghiệp.

Vỡ quỹ lương hưu: Cơn ác mộng của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc khi chưa giàu đã già, giới trẻ được kêu gọi ngừng trà sữa, cà phê, nhà hàng để tiết kiệm - Ảnh 4.

Tờ NYT cho hay bình quân mỗi người nghỉ hưu tại Trung Quốc năm 2022 nhận được 500 USD/tháng tiền lương hưu, nhưng chỉ có 28 USD trong số này đến từ quỹ hưu trí công.

Tất nhiên, tùy vào từng khu vực mà con số khác nhau do mỗi địa phương lại có các dạng quỹ lương hưu khác nữa.

Tại một số vùng phát triển, bình quân cứ 8 lao động sẽ gánh 1 người nghỉ hưu nhưng ở những nơi nghèo hơn thì chỉ có 2 lao động gánh 1 người nghỉ hưu.

Trước nguy cơ vỡ quỹ lương hưu, nhiều chuyên gia đã kêu gọi giới trẻ tiết kiệm tiền cho tương lai, hạn chế những khoản không cần thiết như mua trà sữa, cà phê, ăn nhà hàng...

Tuy nhiên điều này lại khiến nhiều bạn trẻ phản đối khi cho biết kế hoạch đóng lương hưu quá đắt đỏ so với thu nhập và mức sống hiện nay, trong khi cơ hội việc làm ngày càng ít.

"Giới trẻ chúng tôi có lẽ sẽ sống cô độc và ra đi một mình tại nhà", anh Cesar Li, 27 tuổi nói đùa cùng bạn bè.

*Nguồn: NYT


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày