Vợ chồng già tình nguyện làm “kiểm lâm viên” bảo vệ khu rừng ngập mặn nguyên sinh

Phùng Hà, Theo Trí thức trẻ 10:12 25/08/2022

Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp (78 tuổi) và bà Trần Thị Hồng (76 tuổi) sinh sống biệt lập trong khu rừng ngập mặn nguyên sinh để bảo vệ, gìn giữ khu rừng vô giá này.

Rú Chá nằm trong khu vực thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Với diện tích khoảng 5ha, đây là một trong những khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm còn sót lại trong hệ đầm phá Tam Giang.

Địa danh Rú Chá nghe thì có vẻ khá lạ tai, nhưng giải thích từ ngữ của cư dân địa phương thì từ “Rú” có nghĩa là rừng rú; “Chá” là loại cây đặc trưng nhất tại đây.

Mang một vẻ đẹp hoang sơ và huyền bí, khách du lịch thường ghé thăm khu rừng để tham quan và chụp ảnh. Tuy nhiên, ít ai biết rằng vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp (78 tuổi) và bà Trần Thị Hồng (76 tuổi) sinh sống biệt lập trong Rú Chá là những người có công trong việc bảo vệ, gìn giữ khu rừng.

Một thời gian sau khi bà “chịu” về ở với ông và có với nhau mười mặt con, ông liền dắt bà vào Rú Chá rồi dựng lên một túp lều nhỏ. Như vậy thì ông bà vừa có nơi để mưu sinh lại có thể bảo vệ khu rừng tránh khỏi nguy cơ bị xóa sổ.

Rú Chá không chỉ là rừng mà còn là nhà

Ông Đáp và bà Hồng là người cùng một làng, lúc ông ngỏ ý cưới bà về làm vợ, bà gật đầu “ưng” ngay. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng vì chữ thương, chữ tình, bà cũng chịu về ở với ông khi lúc ấy ông chẳng có gì trong tay. “Thời ông bà chẳng biết nói yêu mà chỉ là thấy thương là đã ‘chịu’ nhau, cứ thế cưới hỏi và nên duyên vợ chồng… ”.

Khoảng năm 1990, ông bàn với bà xin chính quyền địa phương vào Rú Chá để ở. Rú Chá lúc đó là khu rừng hoang sơ, vắng vẻ hiu quạnh chẳng có ai chịu vào đó để sống cả, chỉ có ông Đáp là mang tâm tư suy nghĩ khác với mọi người. Bà Hồng nhất quyết không đồng ý vì bà nghĩ “ở bên ngoài đã khó sống, huống hồ vào ở trong rừng biệt lập thì lấy gì mà nuôi nhau”.

Vợ chồng già tình nguyện làm “kiểm lâm viên” bảo vệ khu rừng ngập mặn nguyên sinh - Ảnh 1.

Bà lo trong rừng hoang vu, thiếu thốn trăm bề, nhưng ông cố gắng thuyết phục bà “trên trời có chim, dưới nước có cá có tôm thì làm sao chết đói được, chỉ khi không chịu lao động thì mới bất lực thôi”.

Bà Hồng dần dần bị ông thuyết phục và theo ông vào rừng. Ông chọn một bãi bồi khá cao ở giữa rừng rồi dựng lên một căn nhà đơn sơ, căn nhà lá khi ấy đúng nghĩa như một “túp lều” mà trong câu hát người ta vẫn ngân nga “một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Trong nhà chỉ có đôi vợ chồng đã có tuổi sống không điện, chẳng nước, hoàn toàn tách biệt với xóm làng.

Để có thể sinh sống, ông xin địa phương đấu thầu một thửa đất cạnh rú để đắp đập thả tôm, cá, còn bà Hồng vay mượn vốn để mua gà, vịt về nuôi. Chồng làm vợ phụ giúp, cuộc sống của ông bà cũng đủ qua ngày.

Sống ở nơi tách biệt với dân cư, lại không có điện và nước ngọt hay bất cứ một vật dụng hiện đại nào, thế nhưng bà Hồng không hề ngại khó mà luôn ở cạnh làm bờ vai nhỏ để ông tựa vào mỗi khi mệt mỏi. Buổi tối không có điện thì bà thắp đèn dầu, không có nước ngọt uống thì hứng nước mưa để nấu nướng, sinh hoạt…

Đã hơn 30 năm sống trong rừng ngập mặn, hiện tại cuộc sống của đôi vợ chồng già tuy vẫn còn nhiều bất tiện nhưng với họ, ở đâu có đất, có nước thì ở đó sẽ có nguồn sống.

Ông vẫn giữ thói quen cũ ngày ngày đi vòng quanh khu rừng để kiểm tra và xem xét có gì bất thường thì báo lên địa phương, còn bà ở nhà chăm sóc đàn gà, vịt… lâu lâu thì đón khách vào thăm thú rừng để có thêm thu nhập.

“Kiểm lâm viên” bảo vệ lá phổi xanh

Người Huế hay ví von Rú Chá như một bức bình phong án ngữ che chắn cho đất liền nơi biển Thuận An. Nhìn từ trên cao xuống, hàng ngàn cây chá đan xen nhau tạo thành một thảm thực vật xanh mướt vô cùng sống động. Khu rừng ngập mặn nguyên sinh này còn được xem như một “lá phổi xanh” giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bảo vệ đê đập và tăng khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Đường vào Rú Chá là một lối nhỏ được người dân lấy đất đắp lên cao (hiện tại đã được địa phương xây đường nhựa), hai bên lối đi được tạo thành nhờ những hàng cây chá rậm rạp, cành cây mọc đan xen quyện vào nhau tạo thành một mái vòm trải dài tít tắp vô cùng đẹp mắt.

Vợ chồng già tình nguyện làm “kiểm lâm viên” bảo vệ khu rừng ngập mặn nguyên sinh - Ảnh 2.

Những ngày đầu vợ chồng ông Đáp mới chuyển vào đây sinh sống, ông cho biết cây chá mọc thưa thớt, người dân ở làng Thuận Hòa cũng đến gần đó đánh bắt tôm, cá, cua…để sinh nhai. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là một số người còn tranh thủ đốn hạ những cây chá về nhà làm củi đốt, người này chặt cây thì người kia cũng bắt chước theo, từ vài người đến gần như cả làng đều vào rừng đốn củi khiến diện tích Rú Chá ngày càng thu hẹp.

Chứng kiến cánh rừng bị tàn phá nặng nề bởi con người, nếu không ngăn chặn kịp thời thì rừng có nguy cơ bị xóa sổ, vợ chồng ông Đáp lúc ấy “đánh liều” nhắc khéo bà con đừng đốn hạ cây chá để làm củi. Ông hiểu rằng, khu rừng mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này chính là một là “bức tường tự nhiên” có thể che chắn nước biển khỏi xâm thực và tránh những ngọn sóng, cơn gió cho làng Thuận Hoá.

Với quyết tâm bảo vệ rừng, cứ đêm xuống với ngọn đèn dầu le lói trên tay, ông lần mò từng bước để kiểm tra xem có người nào lén vào rừng chặt cây không để kịp thời ngăn chặn. Nếu ban ngày có người lượn lờ qua lại với ý định chặt trộm cây thì ông sẽ nhắc nhở và khuyên giải để người dân hiểu thêm về những lợi ích mà khu rừng mang lại cho đời sống con người.

Khi được hỏi ngày ấy có sợ người ta ghi thù trong lòng không, ông Đáp nhìn xa xăm rồi nói rằng: “Lúc ấy tôi không hề nghĩ xa đến vậy, chỉ mong rằng người ta đừng chặt cây bừa bãi nữa. Với lại những người đó cũng toàn là người trong làng mình, họ hiền lành, chân chất nên cũng chẳng ghét mình chỉ vì chuyện nhỏ này, chẳng qua họ không biết được tác hại xấu nếu cây chá bị đốn hạ hết sẽ ảnh hưởng đến thiên nhiên và cuộc sống của mọi người. Tôi cũng chỉ nhắc nhở để họ hiểu được vấn đề thôi”.

Vợ chồng già tình nguyện làm “kiểm lâm viên” bảo vệ khu rừng ngập mặn nguyên sinh - Ảnh 3.

Rú Chá không chỉ là rào chắn bảo vệ cuộc sống của người dân mà là nơi trú ngụ của nhiều loài chim và các loài thủy sinh. Cứ độ đến tháng 9, tháng 10 sẽ có đàn cò trắng và nhiều loài chim khác bay về trú ẩn. Ông lại tất bật đi gỡ bẫy để không con cò, con cuốc nào về rừng bị dính bẫy. Như đền đáp lại, chiều chiều, từng đàn cò vỗ cánh rợp trời trở về rừng trú ngụ.

Chính quyền địa phương cũng như thành phố cũng có chính sách bảo vệ để bảo đảm rừng phòng hộ. Thế là ông bà lên xã, xin nhận công việc bảo vệ rừng. Từ đó vợ chồng ông được người dân ví như “kiểm lâm viên” bất đắc dĩ của Rú Chá.

Để thể hiện sự trân trọng và biết ơn công sức của hai ông bà, địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho ông bà được mưu sinh tại đây và tiếp tục bảo vệ rừng.

Ông Đáp tâm sự, “ông bà sẽ tiếp tục công việc bảo vệ rừng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay mới thôi. Có lẽ sau khi mồ yên mả đẹp thì công việc ‘kiểm lâm’ này sẽ giao phó lại cho chính quyền, ông bà cũng yên lòng khi cả một đời đã đồng hành cùng nhau gìn giữ từng chiếc lá ngọn cây từ ngày khu rừng thưa thớt cho đến hiện tại Rú Chá đã phủ xanh cả một vùng”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày