V.League: Lầm tưởng tai hại về cầu thủ Việt kiều và thực tại cho giấc mơ khoác áo tuyển Việt Nam

Linh Đan, Theo Đời Sống Pháp Luật 19:18 11/02/2025
Chia sẻ

Không ít khán giả “ám ảnh” bởi cầu thủ Việt kiều, mặc định họ có chất lượng tốt hơn cầu thủ nội và muốn trao ngay cho những cái tên này cơ hội thi đấu ở ĐTQG.

CẦU THỦ VIỆT KIỀU LÀ NGUỒN LỰC TỐT CHO V.LEAGUE

"Lúc này tôi chỉ biết nỗ lực hết mình cho câu lạc bộ trước đã, sau đó hãy chờ xem. Không thể nói trước điều gì. Tôi thấy các cầu thủ trên đội tuyển Việt Nam có chuyên môn rất tốt, đẳng cấp cao. Việc của tôi là cố gắng, việc gì đến sẽ đến".

Đó là phát biểu thể hiện rõ sự khiêm tốn, thận trọng và cầu tiến của Adou Minh, hậu vệ Việt kiều đang khoác áo CLB Hà Tĩnh, sau trận hòa 0-0 với CLB CAHN vào tối qua (11/2).

Leygley Minh Adou sinh năm 1997 có quốc tịch Pháp. Anh đầu quân cho Hồng Lĩnh Hà Tĩnh từ đầu mùa giải 2024/25 và thi đấu với suất dành cho cầu thủ nước ngoài gốc Việt. Việc ban tổ chức bổ sung suất đăng ký này cho mỗi đội giúp số lượng cầu thủ Việt kiều về V.League thi đấu trong 2 mùa giải qua tăng lên đáng kể. Trước đó, nếu chưa có quốc tịch, họ sẽ phải đăng ký theo suất ngoại binh.

Sau 12 trận tại V.League, trung vệ này có 10 lần đá chính và luôn chơi trọn vẹn 90 phút, ghi được 1 bàn thắng. Sự chắc chắn của Adou Minh góp phần giúp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh mới chỉ phải nhận 7 bàn thua, trở thành đội bóng duy nhất ở V.League vẫn bất bại (thắng 3, hòa 9), tạm xếp thứ 5 trên bảng xếp hạng.

V.League: Lầm tưởng tai hại về cầu thủ Việt kiều và thực tại cho giấc mơ khoác áo tuyển Việt Nam- Ảnh 1.

Adou Minh (áo đỏ) góp công lớn vào thành tích bất bại từ đầu mùa của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.

LẦM TƯỞNG TAI HẠI TỪ NGƯỜI HÂM MỘ

Trên chuyên trang chuyển nhượng quốc tế Transfermarkt, Adou Minh hiện được định giá 75.000 euro, tương đương hơn 1,9 tỷ đồng. Con số này thấp hơn rất nhiều so với những trung vệ ở đội tuyển Việt Nam. Ví dụ với Nguyễn Thành Chung, anh được Transfermarkt định giá 300.000 euro, tức hơn 7,8 tỷ đồng.

Nếu có thể nhập quốc tịch Việt Nam trong tương lai, Adou Minh hoàn toàn có thể mơ về việc khoác áo ĐTQG. Tuy nhiên ngay từ thời điểm hiện tại, dù màn trình diễn của hậu vệ này chưa phải quá nổi bật, không ít người hâm mộ đã bàn luận về việc kêu gọi trao cơ hội cho Adou Minh.

Và trên thực tế, không chỉ Adou Minh mà những cái tên như Zan Nguyễn, Kyle Colonna… cũng nhiều lần được CĐV nhắc tới trên các diễn đàn bóng đá. Đây có thể coi là thực trạng không mới với bóng đá Việt Nam, nơi một bộ phận khán giả tỏ ra phiến diện, mặc định chất lượng của cầu thủ Việt kiều ở tầm cao hơn cầu thủ nội do trước đó họ được đào tạo, thi đấu ở nước ngoài.

V.League: Lầm tưởng tai hại về cầu thủ Việt kiều và thực tại cho giấc mơ khoác áo tuyển Việt Nam- Ảnh 2.

Jason Quang Vinh đang được kỳ vọng sẽ lên tuyển Việt Nam sau khi có quốc tịch. Trước đây, cầu thủ này từng thi đấu tại Ligue 2 (Pháp), MLS (Mỹ). Trong khi đó, Adou Minh mới chỉ thi đấu tại giải hạng 5 Pháp, giải đấu có trình độ thấp hơn rất nhiều.

Hãy nhìn vào trường hợp của Adou Minh. Trước khi tới Việt Nam, cầu thủ này nhiều năm chơi cho các đội hạng thấp ở Pháp. Gần nhất, anh khoác áo Racing Besançon ở Championnat National 3, tương đương giải hạng 5 của Pháp. Đây cũng chính là giải đấu mà Quang Hải từng cùng đội dự bị của Pau FC thi đấu.

Hay như Adriano Schmidt trước khi về Việt Nam vào năm 2019 cũng từng đá ở giải hạng 5 Đức. Sau khi đến V.League, trung vệ này cũng không quá nổi bật. Anh từng được gọi lên tuyển Việt Nam đôi lần nhưng không thể cạnh tranh được vị trí.

Giờ đây, Adriano Schmidt dù là trụ cột của CLB TP.HCM, ra sân 10 trận từ đầu mùa nhưng cánh cửa lên ĐTQG có vẻ như vẫn khá khó khăn với cầu thủ sinh năm 1994. Vậy nhưng, những ngày qua một cái tên vẫn đang ngồi dự bị cho Adriano Schmidt là Zan Nguyễn lại được nhắc đến khá nhiều. Không ít CĐV còn nhắc đến chuyện nên trao cơ hội để Zan Nguyễn lên thử việc tại U22 Việt Nam và ĐTQG, mà quên mất rằng từ đầu mùa cầu thủ 18 tuổi này mới ra sân được… 1 phút.

"Zan Nguyễn còn rất trẻ. Chúng tôi cho em cơ hội thi đấu từng chút một để nhanh chóng hòa nhập với môi trường trong nước", HLV Phùng Thanh Phương chỉ nói ngắn gọn về trường hợp của trung vệ cao 1m90 này.

V.League: Lầm tưởng tai hại về cầu thủ Việt kiều và thực tại cho giấc mơ khoác áo tuyển Việt Nam- Ảnh 3.

Zan Nguyễn sinh năm 2006 và gia nhập CLB TP.HCM từ tháng 8/2024 với bản hợp đồng 3 năm. Từ đầu mùa, Zan Nguyễn chưa được sử dụng nhiều. Trung vệ này mới chỉ có 1 lần vào sân ở phút 90+7 trong trận thắng CLB Đà Nẵng 1-0 ở vòng 11.

VĨ THANH

Mới đây, cầu thủ Việt kiều Lê Trung Vinh đã xin thanh lý hợp đồng sớm với CLB Đồng Tháp ở giải hạng Nhất chỉ sau 3 trận đấu. Được biết đến với việc trưởng thành từ Barcelona Residency Academy USA, học viện bóng đá ở Mỹ của Barca, và sau đó thi đấu cho đội trẻ của một số CLB tại Mỹ, nhưng cuối cùng tiền vệ sinh năm 2003 đã không thể trụ lại.

Gia nhập CLB TP.HCM từ tháng 3/2023, Lê Trung Vinh không có nhiều cơ hội ra sân. Điểm sáng duy nhất của cầu thủ này là khi anh về khoác áo U21 HAGL và cùng giành chức vô địch U21 Quốc gia. Sau đó, Lê Trung Vinh được CLB Đồng Tháp ký hợp đồng 1 năm để thi đấu tại giải hạng Nhất 2024/25. Tuy vậy, mọi thứ đã sớm dừng lại.

V.League: Lầm tưởng tai hại về cầu thủ Việt kiều và thực tại cho giấc mơ khoác áo tuyển Việt Nam- Ảnh 4.

Lê Trung Vinh không thể tỏa sáng như kỳ vọng.

Câu chuyện về Lê Trung Vinh, Zan Nguyễn, Adriano Schmidt hay Adou Minh chỉ là một vài lát cắt về cầu thủ Việt kiều tại V.League. Trong quá khứ, những cái tên như Mạc Hồng Quân, Michal Nguyễn hay sau này là Đặng Văn Lâm, Filip Nguyễn… cho thấy giá trị mà những cầu thủ Việt kiều mang lại cho ĐTQG. Tuy nhiên, không dễ để ai cũng làm được điều đó.

Một khi đã có quốc tịch Việt Nam, cơ hội lên tuyển là điều hoàn toàn có thể với các cầu thủ Việt kiều. Điều quan trọng là họ phải thực sự chứng minh được năng lực của mình. Còn với dư luận, các CĐV cũng nên có những đánh giá công tâm, tránh thổi phồng quá mức với cầu thủ Việt kiều rồi từ đó có những góc nhìn phiến diện về việc lựa chọn nhân sự cho đội tuyển Việt Nam.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày