Virus lại lọt lưới phòng thủ của Trung Quốc: Chiến lược "không Covid" khó khả thi

Kiều Anh, Theo VOV 13:02 14/09/2021
Chia sẻ

Một người đàn ông hoàn thành cách ly 21 ngày sau khi từ nước ngoài về Trung Quốc được xác định có thể là nguồn lây của đợt bùng phát mới, đặt ra câu hỏi về tính bền vững của chiến lược Không Covid (Zero Covid) mà Trung Quốc đang thực hiện nghiêm ngặt.

Virus lại lọt lưới phòng thủ nghiêm ngặt của Trung Quốc

Đợt bùng phát dịch Covid-19 mới ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đã khiến hơn 60 người mắc bệnh, trong đó có 15 học sinh tiểu học. Đợt bùng phát này xảy ra chỉ 2 tuần sau khi Trung Quốc chứng kiến sự gia tăng số ca mắc tồi tệ nhất trong hơn 1 năm, cho thấy thách thức ngày càng gia tăng mà biến thể Delta gây ra, thậm chí cả với một quốc gia thực hiện những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhất thế giới.

Những ca mắc gần đây ở Trung Quốc được xác định đầu tiên ở 2 cậu bé trong cuộc xét nghiệm Covid-19 định kỳ tại một trường tiểu học ở huyện Tiên Du, thành phố Phủ Điền ngày 9/9. Một học sinh khác và 3 phụ huynh đã dương tính với SARS-CoV-2 ngày hôm sau, chính quyền thành phố Phủ Điền cho biết trong cuộc họp báo ngày 10/9.

Các chuyên gia cố vấn cho chính phủ nhận định, một trong các phụ huynh - đó là một phụ huynh gần đây trở về từ Singapore, có thể là nguồn lây mặc dù người này đã hoàn thành đầy đủ thời gian cách ly.

Người đàn ông này đã đến Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến ngày 4/8 và trải qua 14 ngày cách ly. Sau đó, người này đã cách ly thêm 7 ngày tại một địa điểm cách ly tập trung ở huyện Tiên Du trước khi trở về nhà để theo dõi y tế thêm 1 tuần nữa.

Phụ huynh này cũng âm tính với virus SARS-CoV-2 9 lần trong thời gian cách ly 21 ngày trước khi dương tính ngày 10/9, 37 ngày sau khi nhập cảnh vào Trung Quốc.

Các biện pháp kiểm soát biên giới và yêu cầu cách ly bắt buộc với những người từ nước ngoài tới ở Trung Quốc là những quy định nghiêm ngặt nhất thế giới. Sau khi kiểm soát đợt dịch đầu tiên ở Vũ Hán, các đợt bùng phát dịch bệnh địa phương ở Trung Quốc được cho đều là từ nước ngoài, cả từ các hành khách và hàng hóa nhập khẩu.

Các nhà chức trách Trung Quốc không tiết lộ khi nào, nơi nào và cách thức nào người đàn ông trên nhiễm virus nhưng thời gian ủ bệnh lâu hơn 21 ngày là một điều vô cùng bất thường.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông đã phát hiện ra rằng biến thể Delta có thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày, ngắn hơn so với thời gian 6 ngày của chủng virus ban đầu.

Một số người đặt câu hỏi liệu có phải người đàn ông trên mắc Covid-19 sau khi trở về Tiên Du hay không.

Chiều 12/9, thành phố Phủ Điền ghi nhận 32 ca mắc Covid-19 và 32 ca tiền triệu chứng. Trung Quốc hiện vẫn tính riêng các ca mắc có triệu chứng và tiền triệu chứng, cũng như không ghi nhận các ca tiền triệu chứng vào số liệu thống kê chính thức.

Dịch bệnh đã lan ra các thành phố khác của tỉnh Phúc Kiến. Ngày 13/9, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ghi nhận 6 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Tuyền Châu và 1 ca ở Hạ Môn.

Các ca mắc này diễn ra sau khi đợt bùng phát do biến thể Delta gây ra trước đó khiến 1.200 người mắc và lan ra hơn một nửa số tỉnh của Trung Quốc hồi cuối tháng 7. Những ca mắc gia tăng này được coi là thách thức lớn nhất với chiến lược Không Covid của Trung Quốc.

Các nhà chức trách địa phương đã phản ứng với các ca mắc mới bằng việc đặt hàng chục triệu người dưới lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm diện rộng, truy vết tiếp xúc và hạn chế đi lại nội địa. Vào cuối tháng 8, các nhà chức trách y tế thông báo, đợt bùng phát dịch bệnh trên "đã được kiểm soát hiệu quả".

Chiến lược Không Covid ngày càng bất khả thi?

Trong khi chiến lược Không Covid của Trung Quốc dường như vẫn có hiệu quả thì các chuyên gia nhận định, các nhà chức trách nước này sẽ mất nhiều thời gian hơn để đưa số ca mắc về con số 0 so với những đợt bùng phát trước đó.

Yanzhong Huang, học giả cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế nhận định, chiến lược trên đang đối mặt với vấn đề loại bỏ sự quay trở lại của dịch bệnh khi đối phó với biến thể Delta dễ lây nhiễm.

"Hiện nay ngày càng khó khăn để duy trì hướng tiếp cận này về mặt thời gian, nguồn lực tổ chức, các tác động kinh tế và tài chính để đưa số ca mắc về con số 0. Dù hạn chế đi lại nghiêm ngặt đến đâu, chúng ta vẫn sẽ chứng kiến các ca nhập cảnh và gây nên các đợt bùng phát dịch bệnh trong nước", chuyên gia này nhận định.

Các quốc gia như Australia và Singapore đã dịch chuyển sang hướng tiếp cận sống chung với virus sau khi dựa vào chiến lược Không Covid suốt năm ngoái. Tại Australia, mọi người ngày càng mệt mỏi trước những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt với những cuộc biểu tình phản đối phong tỏa nổ ra ở những thành phố lớn nhất nước này, bất chấp số ca mắc gia tăng vào tháng trước.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tăng cường gấp đôi các biện pháp kiểm soát. Tại Phủ Điền, các nhà chức trách đã yêu cầu 2,9 triệu người dân không được rời thành phố trừ khi thực sự cần thiết. Những người có lý do chính đáng rời đi sẽ phải có xét nghiệm âm tính trong 48 giờ. Các rạp chiếu phim, phòng tập gym, quán bar và các thư viện đều bị đóng cửa trong khi các trường mầm non, trường tiểu học và trung học cũng đóng cửa và chuyển sang học trực tuyến.

Tại Tiên Du, các phương tiện công cộng, taxi, cũng như xe bus và tàu rời thành phố đã tạm dừng.

Ở Trung Quốc, những biện pháp kiểm soát vẫn phổ biến, một phần là bởi chúng chỉ áp dụng với một phần nhỏ trong quốc gia 1,4 tỷ dân với đa số người dân đều cảm nhận được lợi ích của cuộc sống không Covid-19 thay vì sự bất tiện do các biện pháp phong tỏa kéo dài.

"Điều này là hoàn toàn tự nhiên. Khi bạn không phải là đối tượng của lệnh phong tỏa, bạn sẽ ủng hộ bất kỳ biện pháp nào khiến bạn an toàn. Thậm chí cả khi bạn nằm trong đối tượng của các biện pháp phong tỏa thì bạn cũng vẫn chấp nhận chúng bởi điều này hiếm khi xảy ra", ông Huang nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo sự ủng hộ và chấp nhận của công chúng sẽ giảm dần nếu đại dịch tiếp tục kéo dài.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày