Cúm A(H5) bao gồm 9 loại virus
Virus có thể gây diễn tiến khó lường theo chiều hướng phức tạp, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao ở người.
Ghi nhận ca bệnh sau 8 năm
Ngày 17/10, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có báo cáo kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H5) từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nữ 5 tuổi (ở Phú Thọ). Đây là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A(H5).
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Trần Như Dương cho biết: Ngay sau khi xác định được ca bệnh, Viện đã cử đội phòng chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhân sinh sống. Qua đó, phối hợp với Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương cùng điều tra dịch tễ.
Các cán bộ y tế đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và gần). Kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A(H5). Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
Theo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển.
Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là cao.
Bệnh có thể diễn tiến nặng chỉ sau nửa ngày
Theo Công ty Cổ phần vắc-xin Việt Nam (VNVC), virus A(H5) là chủng cúm nguy hiểm do có độc lực cao. Virus có thể gây diễn tiến khó lường theo chiều hướng phức tạp, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao ở người.
Do vậy, khi có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp, người dân cần đến xét nghiệm khẳng định bị mắc virus cúm nào để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Cúm A(H5) bao gồm 9 loại virus: H5N1, H5N2, H5N3, H5N4, H5N5, H5N6, H5N7, H5N8 và H5N9. Hầu hết các virus H5 được xác định trên toàn thế giới ở chim và gia cầm hoang dã là cúm gia cầm có khả năng gây bệnh thấp. Tuy nhiên, có một số trường hợp được xác định là có sự xuất hiện của virus cúm gia cầm có độc lực cao.
Thực tế, nhiễm virus H5 lẻ tẻ ở người đã xảy ra, như virus H5N1 thuộc dòng châu Á lưu hành ở gia cầm tại khu vực châu Á và Trung Đông. Nhiễm trùng virus H5N1 ở người đã được báo cáo ở 16 quốc gia. Loại virus này thường dẫn đến viêm phổi nặng và tỷ lệ tử vong cao hơn 50% ở các trường hợp nhiễm bệnh.
BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa của Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo: Người mắc cúm A/H5N1 có diễn tiến nặng chỉ sau nửa ngày nếu không điều trị kịp thời. Virus cúm A/H5N1 khiến người bệnh bị suy đường hô hấp cấp dẫn đến thiếu oxy và gây tổn thương các phủ tạng quan trọng, đe dọa trực tiếp tính mạng.
Bệnh cúm khi không được điều trị hoặc điều trị muộn sẽ là nguồn khởi phát cho các biến chứng. Trong đó, người bệnh có thể tổn thương hệ hô hấp. Đây là biến chứng thường gặp nhất khi virus cúm A/H5N1 tấn công, gây bội nhiễm phế quản - phổi, viêm phổi. Ngoài ra, bội nhiễm tai - mũi - họng cũng là biến chứng phổ biến ở trẻ nhỏ. Người bệnh cũng có nguy cơ suy đa tạng.
Các bộ phận quan trọng như thận, gan, não bị ảnh hưởng khi bệnh cúm A/H5N1 diễn tiến nặng. Hệ miễn dịch trở nên suy yếu do số lượng bạch cầu, bạch cầu trung tính giảm mạnh. Ngoài ra, các hội chứng nghiêm trọng cũng có thể xảy ra ví dụ như đông máu nội mạch rải rác, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim… Người bệnh cũng có thể bị phù não, viêm màng não lympho.
BS Chính cho biết, bệnh cúm A/H5N1 ở gia cầm có thể lây sang người. Sau khi nhiễm A/H5N1, người bệnh đào thải virus khoảng 1 - 2 ngày trước khi khởi phát và 3 - 5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, thời gian này có thể dài hơn, từ 7 - 10 ngày.
Về đường lây, virus cúm A/H5N1 được phát tán ra môi trường bên ngoài qua nước bọt, dịch mũi, phân và trong các tế bào niêm mạc ruột non của một số loài chim di cư. Cúm A/H5N1 lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm bệnh này, hoặc ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ.
Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, đến nay, thế giới vẫn chưa có vắc-xin phòng cúm A/H5N1. Việc tiêm ngừa vắc-xin cúm phòng các chủng virus cúm A, B khác không có tác dụng phòng chống lại cúm chủng A/H5N1.
Nhưng, hiện nay tiêm phòng cúm mùa chính là biện pháp can thiệp hiệu quả. Qua đó, tránh sự tiếp xúc giữa virus cúm A/H5N1 với các loại virus cúm khác.