Bài viết của chuyên gia tài chính cá nhân Erin Low, tác giả nhiều tác phẩm bán chạy về đầu tư và làm giàu như bộ sách Broke Millennial (Tạm dịch: Kiệt quệ tài chính Thế hệ Y).
Một trong những lý do tôi muốn viết một cuốn sách về đầu tư là để gặp gỡ những người giàu có, nhiều kinh nghiệm và cả những người tư vấn cho giới siêu giàu để hỏi họ một câu: “Những người giàu làm gì khác so với người bình thường?”. Tôi đã hy vọng “khai quật” được một số bí mật để làm giàu một cách dễ dàng và nhanh chóng (ngoài việc phát triển 1 ứng dụng và bán nó cho một gã khổng lồ công nghệ với giá hàng tỷ USD). Nhưng sự thật phũ phàng là hiếm có cách nào kiếm được tiền nhanh.
Tuy vậy, tôi vẫn rút được ra một số thủ thuật đơn giản mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng vào cuộc sống của mình. Đây không phải kế hoạch làm giàu nhanh chóng, mà là kế hoạch tiết kiệm tối đa và đưa ra những quyết định thông minh, táo bạo. Nó đưa bạn đến mục tiêu cuối cùng là mở khóa sự độc lập về tài chính.
Tôi từng phỏng vấn Jill Schlesinger, nhà phân tích doanh nghiệp của CBS News và tác giả cuốn sách "The Dumb Things Smart People Do With Their Money" (tạm dịch: Những điều ngớ ngẩn mà những người thông minh làm với tiền của họ). Cô ấy nói cho tôi một bí mật nhỏ là làm giàu không hề phức tạp. Có những người giàu nhờ khoản thừa kế khổng lồ và không phung phí nó bằng cách sống có kiểm soát, hoặc đơn giản là họ bắt đầu tiết kiệm sớm.
Trên podcast của mình, Schlesinger hỏi khách mời về những quyết định tài chính tốt nhất mà họ từng đưa ra. Điều bất ngờ là nhiều người đều trả lời cùng một nội dung: “Tôi bắt đầu tiết kiệm sớm”.
Chúng ta hầu như không được thừa hưởng khối tài sản lớn, vậy nên sử dụng phương pháp nhàm chán bắt đầu sớm (nếu không sớm thì là ngay bây giờ) cũng như nhất quán trong việc đầu tư vào thị trường chứng khoán là thực sự cần thiết trên con đường làm giàu. Nếu bạn muốn đa dạng hóa các khoản đầu tư của mình, không chỉ “rót tiền” vào một công ty hay một quốc gia, kiên nhẫn là yếu tố quan trọng ở đây.
Kiểm tra các khoản đầu tư của bạn hàng ngày, thậm chí hàng tháng là không cần thiết. Trên thực tế, nó có thể gây bất lợi, đặc biệt nếu có khả năng khiến bạn hoảng sợ và muốn bán nếu thị trường đang lao dốc. Một khi bạn lựa chọn đầu tư cho giá trị lâu dài, bạn chỉ cần xem qua danh mục đầu tư của mình mỗi quý hoặc mỗi năm 1 lần.
Những người giàu có vị trí tốt hơn bởi họ thường thoải mái hơn khi chấp nhận rủi ro với tiền của mình. Câu nói sáo rỗng rủi ro càng cao, lợi nhuận càng lớn là sự thật nhưng để dễ dàng chấp nhận rủi ro mà vẫn ngủ ngon vào ban đêm thì chỉ có thể là khi bạn đã trở thành triệu phú.
Sallie Krawcheck, đồng sáng lập và CEO của công ty tỷ đô Ellevest, đã chia sẻ với tôi một chiến lược độc đáo để xây dựng sự giàu có: thâm nhập vào các thị trường mới nổi. “Bạn sẽ dễ dàng thành công và giàu có hơn rất nhiều nếu bạn làm việc trong một công ty hoặc doanh nghiệp đang phát triển”, Krawcheck nói.
Krawcheck giải thích rằng nếu bạn đang làm việc cho một công ty tăng trưởng 10% một năm và bạn là một nhân viên trung bình thì bạn đang tăng trưởng 10% một năm. Nhưng nếu công ty hoặc ngành của bạn đang giảm sút 10%, thì bạn phải tốt hơn 10% so với những người khác để có thể phát triển. Chọn đúng công ty hoặc ngành có thể có tác động rất lớn đến việc bạn có thể dễ dàng xây dựng và phát triển sự giàu có của mình như thế nào.
Tuy nhiên hãy cân nhắc với những công việc hay lĩnh vực đầu tư có thể cho phép bạn đi đường dài, bởi nếu chỉ mải chạy theo “thị trường mới nổi”, sẽ sớm có một ngành công nghiệp khác sớm xuất hiện với vai trò tương tự.
Cuối cùng, sự thay đổi tư duy là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng sự giàu có. Theo Jennifer Barrett, giám đốc giáo dục của công ty dịch vụ tài chính và công nghệ Acorns, có điều gì đó cần nói về sự khác biệt rất lớn giữa “kiếm sống qua ngày” và “làm giàu”.
Barrett giải thích rằng đối với những người giàu có, chiến lược ngay từ đầu của họ chính là “Làm thế nào để tôi tận dụng những gì mình có và phát triển thêm từ đó? Làm thế nào để số tiền này ‘làm việc’ cho tôi?”
Bản thân Barrett đã suy ngẫm về mục đích tài chính lâu dài của mình với câu hỏi: “Khi nào lợi nhuận kiếm được từ các khoản đầu tư có thể chi trả chi phí cơ bản của bạn?” Đó là khi Barrett sống có tính toán và xác định được số tiền mình cần để đạt tự do tài chính. Cô cụ thể hóa các mục tiêu của mình, điều chỉnh chiến lược tài chính để không chỉ đầu tư với hy vọng mơ hồ là tiết kiệm đủ để không phá sản khi nghỉ hưu.
Chuyên gia tài chính Ashley Fox cũng có cảm nhận tương tự về tư duy sau khi làm việc với các tỷ phú. "Tôi nghĩ chúng ta đã quá mệt mỏi với việc làm giàu nhanh chóng chỉ để giải quyết tạm thời. Ngay cả khi những người giàu không bắt đầu bằng số tiền được thừa kế và thực sự khởi nghiệp từ con số 0 hoặc thậm chí là một con số âm thì vẫn có điều gì đó khiến họ trở nên độc nhất".
Fox giải thích: “Đó là bởi họ không hoạt động từ góc độ sinh tồn. Ngay cả khi họ không có tiền, tư duy của họ hoàn toàn khác. Họ coi trọng điều gì, họ đi du lịch ở đâu, họ đọc gì, họ làm gì với thời gian của mình, họ kết giao với ai, tất cả đều vì mục đích to lớn là là giúp họ trở thành những người mạnh mẽ”.