Việt Nam lần đầu phát hiện loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh: Tại tỉnh phía Bắc cách đây gần 100 năm, hiện cực kỳ nguy cấp

Thùy Linh (Tổng hợp), Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 19:08 23/07/2025
Chia sẻ

Đây được đánh giá là loài / phân loài đặc hữu của Việt Nam, có giá trị rất lớn.

Loài vật quý hiếm được ghi nhận tại phía bắc Việt Nam

Cầy rái cá (Cynogale lowei) là một loài thú thuộc họ Cầy (Viverridae), bộ Thú ăn thịt (Carnivora), có hình dáng giống rái cá và thích nghi tốt với môi trường nước.

Chúng có thân hình trụ, chân có màng bơi, mũi và tai có thể đóng kín khi lặn sâu. Bộ lông màu nâu đen, phần mút lông sáng xám tạo thành hoa râm, môi trắng bè ra hai bên, ria mép dài, tai tròn nhỏ, đuôi ngắn chưa bằng một phần ba chiều dài thân.

Loài này từng được ghi nhận tại Bắc Kạn (nay được sáp nhập vào tỉnh Thái Nguyên) và được Pocock mô tả lại vào năm 1933, theo Sách đỏ Việt Nam – phần Động vật. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, chưa có thêm mẫu vật nào được tìm thấy, khiến nhiều nhà khoa học nghi ngờ rằng cầy rái cá đã tuyệt chủng ở Việt Nam.

Việt Nam lần đầu phát hiện loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh: Tại tỉnh phía Bắc cách đây gần 100 năm, hiện cực kỳ nguy cấp- Ảnh 1.

Mặc dù sinh học và sinh thái của loài này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng có thể suy đoán rằng chúng ăn cá, cua, ốc, thú nhỏ và chim, sống chủ yếu ở các vùng sông, suối, ao hồ nước ngọt. Trên thế giới, cầy rái cá được ghi nhận ở Nam Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Đây là loài hoặc phân loài đặc hữu của Việt Nam, có giá trị lớn về mặt khoa học và đóng vai trò trong việc duy trì cân bằng sinh thái tự nhiên.

Hiện nay, cầy rái cá được xếp vào nhóm nguy cấp trong Sách đỏ Thế giới và liệt vào diện có thể đã tuyệt chủng (EX) trong Sách đỏ Việt Nam. Mặc dù khả năng loài này vẫn tồn tại là rất thấp, song việc tiếp tục tìm kiếm và thu thập thông tin về dấu vết hoặc cá thể còn sót lại vẫn được khuyến khích, nhằm phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong nước.

Những loài cầy khác cũng từng xuất hiện tại Việt Nam: Nhiều loài quý hiếm đang được bảo vệ nghiêm ngặt

Họ Cầy (Viverridae) là nhóm động vật có vú kích thước nhỏ đến trung bình, nổi bật với thân hình dẻo dai, uyển chuyển và lối sống chủ yếu trên cây. Trên thế giới hiện ghi nhận 33 loài thuộc họ này, phân bố trong 14 chi khác nhau, chủ yếu tại khu vực Nam Địa Trung Hải, đảo Madagascar, bán đảo Iberia, Nam Á và Đông Nam Á.

Đáng chú ý, Việt Nam là nơi sinh sống của gần một nửa số loài cầy được biết đến toàn cầu, bao gồm nhiều loài quý hiếm, đang được bảo vệ nghiêm ngặt. 

Cầy gấm (Prionodon pardicolor) có kích thước khiêm tốn, dài khoảng 36–38 cm. Loài này phân bố rộng khắp Việt Nam và hiện được liệt kê trong Sách đỏ Thế giới ở nhóm ít quan tâm.

Cầy giông (Viverra zibetha), dài 77–79 cm, cũng xuất hiện ở nhiều vùng trong nước và có tình trạng bảo tồn tương tự – thuộc diện ít quan tâm.

Cầy giông sọc (Viverra megaspila), một biến thể có thêm sọc dọc thân, dài tới 95 cm, phân bố ở các khu vực Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kiên Giang và TP.HCM (theo địa giới cũ). Loài này hiện đang ở tình trạng nguy cấp, theo Sách đỏ Thế giới.

Việt Nam lần đầu phát hiện loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh: Tại tỉnh phía Bắc cách đây gần 100 năm, hiện cực kỳ nguy cấp- Ảnh 2.

 Cầy giông Tây Nguyên (Viverra tainguyensis) mới được ghi nhận lần đầu vào năm 1997. Các tỉnh như Lạng Sơn, Nghệ An và Gia Lai đã xác nhận sự có mặt của loài này, với kích thước khoảng 77–79 cm. Loài đang được xếp vào nhóm sắp nguy cấp.

Cầy hương (Viverricula indica), phổ biến ở vùng trung du và miền núi, dài khoảng 54–63 cm. Tình trạng bảo tồn của loài vẫn nằm trong diện ít quan tâm.

Cầy lỏn (Herpestes javanicus) sinh sống từ Bắc vào Nam, trong các khu rừng nguyên sinh và thứ sinh, dài 35–41 cm. Hiện loài này cũng được đánh giá là ít bị đe dọa.

Cầy mực (Arctictis binturong), từng phổ biến hơn trong quá khứ, nay chỉ còn lại ở một số khu vực như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Lai Châu. Với kích thước từ 60–95 cm, loài này hiện đang ở mức sắp nguy cấp.

Cầy móc cua (Herpestes urva), thường sống gần các nguồn nước, hiện diện ở hầu hết các cánh rừng trong nước. Dù vậy, chúng vẫn được xếp vào nhóm ít quan tâm trong Sách đỏ.

Việt Nam lần đầu phát hiện loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh: Tại tỉnh phía Bắc cách đây gần 100 năm, hiện cực kỳ nguy cấp- Ảnh 3.

Cầy tai trắng (Arctogalidia trivirgata) dài 54–63 cm, sống chủ yếu ở vùng núi cao. Các tỉnh như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận (theo địa giới cũ) từng ghi nhận sự hiện diện của chúng. Tình trạng bảo tồn: ít quan tâm.

Cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus), phổ biến ở khu vực phía Nam như từ Phan Rang đến Kiên Giang, có kích thước 48–70 cm và đang ở tình trạng ít bị đe dọa.

Cầy vòi mốc (Paguma larvata) dài 65–75 cm, có thể tìm thấy tại hầu hết các khu rừng trên cả nước. Đây cũng là một loài thuộc nhóm ít quan tâm trong Sách đỏ.

Cầy vằn Bắc (Chrotogale owstoni) dài 47–57 cm, thuộc nhóm nguy cấp. Chúng từng được thu mẫu tại các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Gia Lai và Lâm Đồng (theo địa giới cũ).

Cầy vằn Nam (Hemigalus derbyanus) hiện chưa có dữ liệu phân bố chính xác tại Việt Nam, nhưng một mẫu vật từng được sưu tầm tại Tp.HCM vào năm 1870 hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Tự nhiên Hungary. Loài này đang ở mức sắp bị đe dọa theo đánh giá quốc tế.

Từ sự phong phú của họ Cầy ở Việt Nam, có thể thấy rõ vai trò quan trọng của nước ta trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu, đặc biệt là với các loài thú ăn thịt cỡ nhỏ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày