1. Ngành Thiết kế và Phát triển Game
Thiết kế và Phát triển Game là ngành học được thiết kế chuyên biệt, chuyên sâu về game với mục tiêu cung ứng nguồn nhân lực làm chủ các công nghệ thiết kế và phát triển game ở trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghệ game.
Trong vài năm trở lại đây, ngành thiết kế game ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, rất nhiều công ty game ra đời và có định hướng phát triển game độc lập. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu trong 5 năm tới có khoảng 100-150 doanh nghiệp phát hành game, quy mô thị trường đạt một tỷ USD, đồng thời có thêm khoảng 400 dự án khởi nghiệp.
Theo Báo Đại đoàn kết, một số chuyên gia trong ngành cho hay nếu đạt được quy mô này, nhu cầu nhân sự sẽ lên tới 25.000 người, gồm công việc toàn thời gian, bán thời gian và freelancer (làm tự do). Tuy nhiên hiện nay, nguồn nhân lực thiết kế game vẫn còn khan hiếm một phần là do Việt Nam chưa có nhiều đơn vị đào tạo chuyên sâu về ngành này. Hơn nữa, nguồn nhân lực dành cho ngành game hiện tại phần lớn vẫn đến từ các “ngành gần" như CNTT, thiết kế đồ họa...Chính vì vậy, cơ hội việc làm cho những sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa game là rất lớn.
Theo khảo sát, thiết kế game thuộc top những ngành có thu nhập cao nhất trong khối kỹ thuật hiện nay, cho dù là người chỉ mới ra trường chưa có kinh nghiệm. Thống từ trang Salary Expert cho thấy mức lương trung bình cho vị trí lập trình trò chơi (game developer) khoảng 187 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 90.000 đồng/giờ. Mức lương trung bình cho vị trí thiết kế trò chơi (game designer) khoảng 430 triệu đồng/năm, tương đương 206.000 đồng/giờ. Bên cạnh lương chính, người thiết kế game có thể tăng thêm thu nhập khi làm các dự án riêng, lập trình game cá nhân để đẩy lên các kho ứng dụng iOS hay Google Play… Khi đó, mức thu nhập của họ sẽ là không giới hạn.
2. Ngành Trí tuệ nhân tạo
Ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực của khoa học máy tính tập trung vào việc tạo ra máy móc hoặc hệ thống có khả năng thực hiện các nhiệm vụ yêu cầu sự thông minh như con người. Đây cũng được xem là ngành trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy sự tiến bộ trong các lĩnh vực như y tế, công nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục, tài chính, và nhiều lĩnh vực khác.
Với tầm ảnh hưởng đó, nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư tài năng thuộc ngành trí tuệ nhân tạo tăng lên gấp nhiều lần trong những năm qua. Tuy nhiên, thị trường nhân lực lĩnh vực AI vẫn đang trong tình trạng khan hiếm nhân lực. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vũ - Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) - trong 10 năm tới, dự báo nhu cầu nhân sự lĩnh vực AI tăng 10 - 20% mỗi năm. Đến giai đoạn 2031-2035, chỉ riêng TP.HCM đã cần khoảng 18.000 người ở lĩnh vực này.
Không chỉ có cơ hội việc làm cao, Trí tuệ nhân tạo còn là ngành nghề có thu nhập vô cùng hấp dẫn, nằm trong top 3 về thu nhập trong lĩnh lực vực công nghệ thông tin. Tại sự kiện về công nghệ AI “Tech talks 2022: The future of now”, bà Nguyễn Thu Giang, Phó giám đốc khu vực phía bắc Navigos Search cho biết ở Việt Nam, mức lương trung bình của kỹ sư AI khoảng 4.000 - 5.000 USD/tháng (khoảng 110 triệu - 127 triệu đồng). Thậm chí, có những nhân sự được trả tới mức 10.000 USD/tháng (hơn 254 triệu đồng) hoặc cao hơn tùy theo năng lực và kinh nghiệm trong quá trình làm việc.
Có thể thấy rằng ngành học này hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai, mở ra cơ hội nghề nghiệp mới và hấp dẫn đối với thế hệ trẻ.
3. Ngành sư phạm
Sư phạm là ngành khoa học về giáo dục và giảng dạy trong trường học, đào tạo ra các thế hệ thầy cô và đội ngũ cán bộ cho các cơ sở giáo dục. Theo học ngành Sư phạm, sinh viên cũng sẽ không phải quá lo ngại vấn đề việc làm. Bởi theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp. Đáng chú ý là so với năm học trước đó, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người (cấp mầm non 7.887; tiểu học tăng 169; THCS 1.207, THPT 2.045).
Có thể thấy triển vọng nghề nghiệp rộng mở cũng là một yếu tố đáng để các thí sinh cân nhắc lựa chọn theo đuổi học ngành này. Trong quá trình học tập, sinh viên ngành sư phạm cũng được hưởng một số quyền lợi nhất định như được hỗ trợ học phí và nhận trợ cấp hàng tháng.
Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, sinh viên ngành này sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, mức hỗ trợ học phí của sinh viên sư phạm là trợ 3,63 triệu đồng/tháng, bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học. Thời gian hỗ trợ chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Tuy nhiên, để nhận hỗ trợ theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm phải cam kết công tác trong ngành giáo dục sau khi ra trường.
Để thu hút người trẻ gắn bó với nghề, từ năm 2024, nhiều chính sách giáo dục về lương, thưởng, chế độ có lợi cho nhà giáo sẽ được thực thi. Cụ thể, Quốc hội mới đây đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 với toàn bộ đại biểu Quốc hội tham gia tán thành việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%), từ ngày 1/7/2024. Với lương cơ sở mới này, từ ngày 1/7, lương của đội ngũ giáo viên cũng sẽ tăng từ 3,78-12,2 triệu đồng/tháng lên khoảng 4,91-15,87 triệu đồng/tháng. Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I sẽ nhận mức lương cao nhất.
Tổng hợp