Tự nhiên luôn ẩn chứa những điều kỳ bí mà chúng ta đôi khi không giải thích được. Mới đây nhất, tờ The Time of India đã đưa tin về hình ảnh một cây cổ thụ với lớp vỏ xù xì, chỉ sau vài nhát chặt vào thân cây đã ồ ạt phun những tia nước không khác gì vòi nước ở nhà chúng ta được vặn mở, khiến nhiều người xem vô cùng kinh ngạc.
Chủ nhân của video vừa gây xôn xao MXH qua là ông Digvijay Singh Khati, một nhân viên đã nghỉ hưu của phòng Dịch vụ Lâm nghiệp Ấn Độ (IFS) được cho là quay lại cảnh tượng trên ở một khu rừng rụng lá khô và ẩm miền nam nước này. Trong video, ông dùng liềm để tạo ra một vết chặt nhỏ trên thân cây, khiến loại nước màu vàng cam và gần như không có vị gì từ đó bắn ra.
Ông này còn chia sẻ rằng, đây là nguồn nước uống quen thuộc của dân đi rừng Ấn Độ nếu lỡ trong trường hợp bị mắc kẹt. Thú vị hơn, họ tin rằng nước này sẽ giúp chữa được chứng đau dạ dày.
Theo đó qua tìm hiểu, loại cây này có tên khoa học là Terminalia elliptica, thuộc chi chiêu liêu, là một chi chứa khoảng 100-190 loài cây gỗ lớn trong họ Trâm bầu, phân bổ trong khu vực nhiệt đới, lá cây chỉ mọc trên đỉnh. Terminalia elliptica có nguồn gốc ở miền nam và đông nam châu Á, dễ tìm thấy ở Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Video cây phun nước như vòi mở van gây bão MXH
Terminalia elliptica có khả năng trữ nước trong mùa khô và được bao bọc bởi lớp vỏ có khả năng chống lửa. Hiện tại, chưa báo cáo khoa học nào giải thích được cơ chế sinh học trên của loài cây này vì chỉ khoảng 5-10% trong số chúng có đặc tính như vậy.
Một người dùng MXH tò mò đã để lại câu hỏi mà nhiều người có lẽ cũng có chung thắc mắc: "Thưa ông, cảm ơn vì đã chia sẻ hiện tượng sinh học độc đáo này, xin vui lòng cho tôi hỏi cách chúng ngưng việc phun nước quá lâu dẫn đến mất nước rồi chết cây."
Ông Khati ngay lập tức đáp lại câu hỏi trên: "Nó sẽ phun liên tục từ 4 đến 6 lít nước rồi dừng lại, hơn thế nữa nước phun ra không chứa nhiều dưỡng chất vì thế sẽ không ảnh hưởng xấu đến sự sống của Terminalia elliptica."
(Theo Times of India, Current Science)