Chùa Bộc vốn được mệnh danh là một trong những "thiên đường mua sắm" sầm uất nhất của Hà Nội. Con phố dài chừng 2,5 km tập trung nhiều cửa hàng thời trang lớn và nổi tiếng.
Trước Tết Nguyên Đán 2019, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Nắm bắt điều này, nhiều shop quần áo tại Chùa Bộc thi nhau đồng loạt giảm giá "cực sốc" phục vụ khách hàng. Con phố ngày thường vốn đông đúc, tấp nập thì nay những ngày cận Tết càng thêm ùn tắc: vỉa hè biến thành chợ trời, dòng người tràn xuống cả lề đường mua bán.
Phố Chùa Bộc ùn tắc "nghẹt thở" những ngày cận Tết.
Người dân len lỏi mua sắm trước Tết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, giáp Tết Nguyên đán, hầu hết các shop quần áo, thương hiệu thời trang đều giảm giá cực mạnh, từ 50 - 70%. Với loạt biển hiệu "Xả hết về Tết", "Xả hàng cuối năm", "Đại hạ giá",... thực sự là những lời mời chào hấp dẫn với người dân. Lượng khách đổ về tuyến phố Chùa Bộc khoảng một tuần cận Tết đều trong tình trạng ùn tắc cục bộ. Các dòng phương tiện qua đây đều chịu cảnh xếp hàng dài, có những thời điểm gần như không còn chỗ trống.
Trước đây, các cửa hàng kinh doanh thường chừa lại phần vỉa hè để người dân thả bộ mua sắm. Tuy nhiên, nhân dịp sale cuối năm, nhiều "chi nhánh" quần áo mọc lên tự phát, khắp dọc vỉa hè, chắn hết cả lối đi. Cảnh tượng người mua kẻ bán nhộn nhịp đến tận khuya mới dứt.
"Bình thường chúng tôi cho nhân viên nghỉ ca tối vào khoảng 22h, tuy nhiên những ngày nay phải huy động hết năng suất, làm việc thậm chí tới 23h - 23h30 mới hết khách. Trong cửa hàng chật quá, chúng tôi phải đưa quần áo ra ngoài vỉa hè bày bán để kịp thời đáp ứng nhu cầu của các "thượng đế"" - cô Hoa (45 tuổi) cho biết.
Một cửa hàng mở đợt "xả hàng cuối năm".
Người dân lựa chọn, thử đồ ngay trên vỉa hè.
Một trong những mặt hàng hút khách nhất là áo sơ mi nam đồng giá 100.000 đồng. Bác H. (chủ cửa hàng) phải ngồi hẳn lên ghế gỗ để tiện quan sát, đề phòng trộm cắp. Thời điểm này, bác nhập hàng liên tục và trong vài ngày có thể bán được hàng nghìn chiếc. Tại gian hàng áo sơ mi ngoài trời, người đến thử và mua rất đông. Áo được treo móc ngay trên thân cây hay cột sắt để lôi kéo khách hàng.
"Thường thì mặt hàng này khá kén người mua vì giá thành khá đắt. Nhưng khi thấy giảm giá chỉ còn 100.000 đồng/ chiếc, tôi vào chọn 2, 3 cái cho dịp Tết. Một phần vì tính chất công việc văn phòng nên áo sơ mi rất cần thiết với tôi" - anh Sơn (27 tuổi) chia sẻ.
Giữa cảnh người mua kẻ bán tấp nập dọc phố, vỉa hè trung tâm Hà Nội bỗng biến thành khu chợ trời hàng thời trang "bất đắc dĩ". Không những thế, hàng chục xe bán đồ ăn nhanh lưu động "đan xen", người này dừng chân ăn nhẹ "chút điểm tâm", nghỉ ngơi phút chốc lấy sức mua sắm cũng đủ khiến khu vực đó ùn tắc cục bộ.
Chủ cửa hàng ngồi hẳn lên ghế cao để quản lý kệ hàng tự phát.
Dòng người kéo đến ùn ùn, không có dấu hiệu ngớt dù càng về đêm.
Khách hàng chủ yếu là chị em phụ nữ, chọn đồ cẩn thận và kĩ tính.
Chủ cửa hàng quần áo treo bảng xả kho toàn bộ sản phẩm.
Nhân viên một số cửa hàng kinh doanh còn được đào tạo kĩ năng mời chào khách đầy chuyên nghiệp. Từng kệ sắt được đặt ngay ngắn trước cửa hàng, quần áo đủ loại màu sắc, hình dáng. Cô nhân viên được trang bị micro, hét lớn: "Giảm giá 50%, mọi người thoải mái lựa chọn!". Cứ thế khách ùa vào tấp nập.
Một nữ nhân viên khác tâm sự: "Khách hàng đông quá, em làm việc không xuể. Nhiều khách thử xong vứt đồ la liệt nên em cũng mất công sức thu dọn. Sale mạnh nên họ chọn được khá nhiều đồ, chị thu ngân cũng tất bật".
Một nữ nhân viên được trang bị micro để gây sự chú ý.
Quần áo vẫn là mặt hàng được săn đón nhiều nhất.
Công việc chọn đồ mất khá nhiều thời gian.
Một phần do phải chen chúc, phần khác vì phải... lựa chọn hàng quá kĩ, nhiều khách hàng tỏ ra mệt mỏi, khó chịu. Một số cửa hàng còn xuất hiện tình trạng khách giành quần áo của nhau, khiến không khí càng thêm ngột ngạt. Nhiều trẻ nhỏ theo bố mẹ đi mua sắm ngáp ngắn ngáp dài, ngủ gục trên xe. Một số anh chồng ngán ngẩm, dựng xe giữa lòng đường chờ vợ "đá" một vòng "shopping" hơn 30 phút.
Chị Linh - nhân viên văn phòng, cho biết sau ngày làm việc cuối cùng của năm, chị mới có thời gian tranh thủ đi sắm đồ. "Khó khăn lắm tôi mới mua được vài bộ đồ ưng ý. Đi bộ rồi còn phải chen chúc, tôi đau chân và khá choáng váng".
Dòng người đông đúc, chen chúc trên phố.
Một gian hàng ngay trạm chờ xe buýt.
Nhiều khách hàng dựng xe giữa lòng đường để vào mua sắm.
Gian hàng tạm bợ, liêu xiêu.
Trẻ em ngồi vào thùng xốp gây sự chú ý để bán hàng phụ bố mẹ.
Do cửa hàng hết chỗ trông xe và vỉa hè vô tình bị biến thành "chợ trời", nên khách hàng chỉ còn cách cho xe xuống lề đường. Hành động này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, bởi Chùa Bộc là một trong những con phố đông đúc bất kể ngày giờ.
Dòng người tay xách nách mang, túi bé túi lớn hồ hởi sau khi chọn được những mặt hàng ưa thích. Tình trạng ùn tắc đến gần 23h tối 27 Tết vẫn chưa dứt, tắc nghẽn từ lòng đường lên tới vỉa hè. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều gian hàng tự phát dựng bên cạnh trạm xe buýt khá nguy hiểm mỗi khi xe vào bến. Tuy nhiên khi được hỏi lý do, chủ hàng biện minh rằng bán đồ trước trạm dừng sẽ thu hút được sự chú ý của khách ngay khi họ mới xuống xe.
Thậm chí có những cuộc ngã giá nhanh chóng hết sức khi mà khách hàng vẫn còn yên vị trên xe máy, người bán chào hàng ngay trước mặt. "Đường tắc quá nên tôi dừng xe lại xem hàng luôn. Mua bán nhanh chóng mà không mất nhiều thời gian".
Một số chủ cửa hàng cũng tỏ về mệt mỏi khi gần 23h vẫn chưa được nghỉ ngơi.
Lượng khách lúc này vẫn rất đông.