Trước những diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Bộ Y tế sẽ điều động khẩn cấp lực lượng y bác sĩ từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, chi viện cho Đồng Tháp hỗ trợ công tác điều trị.
Theo báo cáo từ Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, các cơ sở dùng làm khu điều trị bệnh nhân Covid-19 gồm: 4 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 bệnh viện chuyên khoa phổi, 8 Trung tâm Y tế tuyến huyện; 2 bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 triệu chứng vừa và nặng; 2 cơ sở cách ly y tế tập trung chuyển thành bệnh viện dã chiến tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.
Ngoài ra, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn đề nghị Quân khu 9 cho phép trưng dụng Bệnh viện Quân dân y thành bệnh viện dã chiến.
Tuy nhiên công tác thu dung điều trị cho bệnh nhân điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực phía Nam sông Tiền khi hiện nay các bệnh viện có khả năng làm nơi thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 của khu vực này đều đang bị phong tỏa (Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, Bệnh viện Quân dân y); Đồng thời các đơn vị điều trị Covid-19 sẽ thiếu nhân lực đáp ứng về hồi sức cấp cứu nếu ở cấp độ cao.
Bà Lương Mai Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Tổ trưởng Tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế tại Đồng Tháp cho biết, khó khăn hiện nay của Đồng Tháp là dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp, số ca mắc tăng cao với nhiều ca mắc trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây; Số ca tử vong nhiều, phần lớn người cao tuổi, có bệnh nền, năng lực hồi sức cấp cứu không đáp ứng kịp nhu cầu, người bệnh có triệu chứng ngày càng nhiều.
BSCK II Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện ông đang hỗ trợ công tác điều trị tại tỉnh Đồng Tháp. Điều không may là dịch bùng phát tại Khoa Nội của Bệnh viện Sa Đéc - nơi điều trị các bệnh nhân có sẵn nhiều bệnh nặng như tiểu đường, suy thận giai đoạn cuối, thiếu máu cơ tim, ung thư,… nên khi mắc Covid-19, nhiều bệnh nhân đã tử vong.
Ảnh minh họa
Với những trường hợp còn lại, các thầy thuốc đang nỗ lực hết sức để cứu chữa. Còn những bệnh nhân mới được phát hiện trong cộng đồng, các bác sĩ đang áp dụng mô hình điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế và những kinh nghiệm đã có để giảm tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng.
Để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, BS Cấp cho rằng tỉnh Đồng Tháp đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đáp ứng với các tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều tỉnh khác, Đồng Tháp cũng có những khó khăn chung nhất định về nhân lực và trang thiết bị hồi sức cấp cứu cũng như năng lực kỹ thuật hồi sức.
Các chuyên gia nhận định, sắp tới số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có khả năng sẽ còn tăng cao, có nguy cơ cao bùng phát dịch nếu thực hiện không nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
PGS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Đồng Tháp hiện đã chủ động, quyết tâm của địa phương khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội ở mức cao để khống chế, ngăn chặn mầm bệnh lây lan rộng.
Bộ Y tế đã thống nhất cao với đề xuất cách ly F1 tại nhà khi đủ điều kiện của tỉnh, đồng thời đề nghị địa phương khẩn trương áp dụng ngay; chia sẻ, học tập kinh nghiệm chống dịch từ các địa phương khác.
Về vấn đề hỗ trợ nhân lực cho công tác điều trị, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ điều động khẩn cấp lực lượng y, bác sĩ từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, chi viện cho Đồng Tháp hỗ trợ công tác điều trị của tỉnh.
Đồng thời yêu cầu tổ hỗ trợ công tác phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế tại Đồng Tháp cần tiếp tục hỗ trợ, kiểm soát phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, khu dân cư, khu nhà trọ, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, truy vết thông qua các tổ tự quản cộng đồng.