Vì sao răng của chúng ta lại xuất hiện những mảng bám "kinh dị"

VyKa, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 26/02/2016

Bạn có tin, trong 1mg mảng bám răng chứa đến vài trăm triệu vi khuẩn không?

Bạn cho rằng những phần ố vàng thường đóng chặt ở xung quanh chân răng là gì? Nếu chưa thực sự rõ thì bạn hãy xem video dưới đây nữa nhé!

(Video có 1 vài hình ảnh đáng sợ - các bạn cần cân nhắc trước khi xem!)

Câu trả lời hẳn nhiều bạn đã biết - đó chính là cao răng. Vậy cao răng là gì, chúng hình thành như thế nào và liệu có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chúng ta?

Cao răng từ đâu đến?

Cần phải biết rằng, cao răng (hay vôi răng) là chất lắng cặn, mảng bám đã cứng lại và bám chặt trên răng.

Vì sao răng của chúng ta lại xuất hiện những mảng bám kinh dị - Ảnh 2.

Chúng là tổng hòa của hỗn hợp muối vô cơ gồm canxi cacbonat, phosphate với cặn mềm (mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng trong môi trường miệng), vi khuẩn, xác các tế bào biểu mô - bám rất chắc vào bề mặt răng hoặc dưới mép lợi.

Những vôi răng này hình thành và trú ngụ ở dưới hay ngay tại đường viền nướu răng. Và sự "ăn nhờ ở đậu" này sẽ gây kích ứng đến mô nướu.

Cùng với đó, vôi răng sẽ tạo thêm diện tích cho mảng bám phát triển và "ăn sâu" hơn, dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn như sâu răng, bệnh về nướu.

Giờ thì hẳn bạn sẽ đặt câu hỏi - cao răng được hình thành như thế nào?

Này nhé, sau khi ăn khoảng 15 phút, nước bọt trong miệng chúng ta sẽ tạo một lớp màng mỏng (vốn là một loại protein) trên bề mặt để bảo vệ răng.

Nếu lớp màng này không được làm sạch (bằng cách chải răng, sử dụng chỉ nha khoa), các vi khuẩn sẽ kéo đến ùn ùn và sinh sôi nảy nở, khiến lớp màng ngày một dày lên - gọi là mảng bám.

Vì sao răng của chúng ta lại xuất hiện những mảng bám kinh dị - Ảnh 3.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 70% trọng lượng mảng bám là vi khuẩn. Điều đó có nghĩa, trong 1mg mảng bám chứa đến vài trăm triệu vi khuẩn.

Khi mảng bám còn mềm, bạn hoàn toàn có thể loại bỏ chúng khỏi bề mặt răng bằng bàn chải hoặc chỉ nha khoa.

Nhưng khi để lâu, mảng bám sẽ vôi hóa bởi hợp chất muối vô cơ trong nước bọt và cặn mềm sẽ trở nên cứng, bám chặt vào bề mặt răng. Đến lúc này, bạn chỉ có thể tìm đến nha sĩ để loại bỏ lớp mảng bám mà thôi.

Nếu không loại bỏ mảng bám răng thì có sao?

Sự thật là nếu bạn không loại bỏ đống mảng bám này, thì hàm răng của bạn sẽ trở nên kinh dị hơn bao giờ hết - ở cả mặt sức khỏe và thẩm mỹ đấy!

Cần khẳng định rằng, vi khuẩn trong mảng bám có khả năng tiết ra các axit phá hủy men răng. Nếu men răng bị tổn hại, khi bạn hút thuốc, uống trà, cà phê một thời gian dài - chất tanin trong trà, cà phê và nhựa thuốc lá sẽ kết hợp với lớp màng mỏng trên răng làm răng bị xỉn màu rất mất thẩm mỹ.

Vì sao răng của chúng ta lại xuất hiện những mảng bám kinh dị - Ảnh 4.

Nhưng đấy chỉ là mặt thẩm mỹ, còn về mặt sức khỏe cũng đáng sợ không kém! Cao răng có thể dẫn đến các bệnh như viêm lợi với biểu hiện như chảy máu chân răng, miệng có mùi hôi, viêm nha chu.

Trường hợp nặng, độc tố vi khuẩn trong mảng cao răng còn gây ra viêm, dẫn đến hiện tượng tiêu xương ở răng - làm răng đau, ê buốt khi ăn uống, nặng hơn có thể làm lung lay đến rụng răng.

Chưa dừng lại ở đó, cao răng còn gây viêm tủy ngược dòng. Vi khuẩn trong mảng bám cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ở niêm mạc miệng, gây viêm mũi họng (viêm amidan, viêm họng), bệnh tim mạch, tiểu đường... gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Vì thế các chuyên gia khuyên rằng, nếu có cao răng, bạn cần phải đi lấy cao răng định kỳ ngay để có hàm răng chắc khỏe cũng như nụ cười xinh. 

Nhưng tốt nhất là bạn nên sử dụng chỉ tơ nha khoa mỗi lần sau ăn để có thể loại bỏ khỏi bề mặt răng (kẽ răng) những thức ăn thừa trước khi chúng có cơ hội hình thành vôi răng. 

Vậy dùng tăm với đánh răng thì có loại bỏ được hoàn toàn thức ăn thừa? Câu trả lời là, dùng chỉ nha khoa sẽ giúp làm sạch các kẽ răng mà bàn chải đánh răng không chải tới được, cũng như giúp ngăn ngừa nguy cơ gây tổn thương nướu do sử dụng tăm gây ra.

Để ngăn ngừa cao răng, bạn cần:

- Đánh răng đúng cách ngày 2 - 3 lần vào lúc sau khi ngủ dậy buổi sáng và sau mỗi bữa ăn trưa và tối, hoặc trước khi đi ngủ.

- Sử dụng chỉ nha khoa để lấy sạch mảnh vụn thức ăn ở kẽ răng sau khi ăn.

- Sau khi chải răng, nên ngậm nước súc miệng hoặc nước muối pha loãng.

- Kiểm tra răng miệng định kỳ 3 – 6 tháng/lần. Nếu có bệnh cần tích cực chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên đợi có cao răng mới đi lấy, vì khi cao răng hình thành thì nó đã gây ra tổn thương và để lại hậu quả không tốt.

- Hạn chế ăn thức ăn có đường vào buổi tối trước khi ngủ vì dễ hình thành mảng bám và tạo môi trường tốt cho vi khuẩn trong miệng phát triển.

Nguồn: ViralThread, Reddit