Mùa hè 2017, Premier League tròn 25 năm tuổi đời. Có rất nhiều điều tích cực để nói về giải đấu này. Nó được theo dõi ở 210 quốc gia khác nhau qua sóng truyền hình. Tại Anh, CĐV bản địa có thể dễ dàng tới những sân bóng hoành tráng với quy mô ngang ngửa các công trình kiến trúc vĩ đại mỗi dịp cuối tuần.
Premier League quy tụ những ngôi sao hàng đầu và gần như tất cả những tên tuổi lớn trên ghế huấn luyện. Và phải nhấn mạnh, Ngoại hạng Anh là giải đấu bóng đá giàu có nhất hành tinh, với tổng doanh thu khoảng 4,8 tỷ bảng trong mùa 2015/16 theo báo cáo của Deloitte.
Chelsea vô địch Premier League 2016/17.
Nhưng không con đường nào trải hoa hồng. Premier League đã đi một chặng đường dài để có vị thế vững chắc trong ngành giải trí thể thao như ngày nay. Trong nhiều năm liền, đã có một sự đối đầu gay gắt giữa các doanh nghiệp và hệ thống cầm quyền quan liêu. Chính sách của bà Thatcher trong thập niên 80 và 90 đã liên tục kìm hãm sự phát triển của bóng đá. Giới cầm quyền luôn nhắc tới các thảm họa và nạn hooligan để mô tả về bóng đá, trong khi kiếm tiền nuôi sống một CLB trong thời buổi hồng hoang không dễ dàng chút nào.
Chỉ một số ít những người hoài bão, giàu lòng nhiệt huyết và sớm nhận ra tiềm năng phát triển giải đấu dám đứng lên. Và họ đã thật sự tạo ra một cuộc cách mạng.
Greg Dyke và David Dein bắn đi những tín hiệu đầu tiên của một cuộc lật đổ. Dein bấy giờ là phó chủ tịch Arsenal - một trong năm CLB giàu truyền thống nhất nước Anh. Ông đặc biệt chú ý tới cách quản lý của các nghiệp đoàn thể thao nhà nghề Mỹ và bất mãn với cách làm việc quan liêu của bộ máy điều hành. Trong khi đó, Dyke là chủ tịch hội đồng quản trị của hai đơn vị truyền hình London Weekend Television và ITV Sport. Ông yêu bóng đá và cũng có nhu cầu đưa bóng đá lên sóng như một mặt hàng kinh doanh trong danh mục sản phẩm.
Greg Dyke (trái) và David Dein (giữa) trong bức ảnh chụp năm 2016.
Dyke và Dein đã quen biết từ lâu. Họ tình cờ gặp nhau lần đầu tại một nhà hàng Nhật Bản tên Suntory vào năm 1988. Thật ra, không ai trong số hai người sẽ nghĩ có ngày lại hợp tác với nhau.
Ý tưởng của Dyke là đưa gói trận đấu của nhóm 5 đội lớn lên sóng ITV, đồng thời mua luôn bản quyền hình ảnh riêng biệt của từng đội.
Tuy nhiên, Football League - hội điều hành hệ thống giải đấu vòng tròn tính điểm cấp CLB ở Anh đã phát hiện ra cuộc thảo luận này. Để ngăn chặn cuộc thương thảo này, Football League đã bán toàn bộ quyền khai thác hình ảnh cho giải hạng nhất (tương đương giải Ngoại hạng bây giờ) trong 4 năm. ITV sẽ chỉ được chiếu các trận trong khung 5h chiều chủ nhật, với mức ăn chia là 75% về túi CLB thay vì 50-50 như các thỏa thuận vẫn thường diễn ra.
Một vấn đề nữa phát sinh, là các CLB "được đằng chân lân đằng đầu". Dyke đã thừa nhận là "ITV và tôi đang bán máu cho một canh bạc mà đối tác chỉ được chứ không mất". Ông đã trả rất nhiều tiền, nhưng trong bữa tối ở tòa tháp truyền hình London với đại diện 5 CLB hàng đầu, tất cả đều không hài lòng với mức ăn chia lợi nhuận như trên.
Greg Dyke, chủ tịch hội đồng quản trị của hai đơn vị truyền hình London Weekend Television và ITV Sport.
Dyke đã không giữ được bình tĩnh. Ông chốt lại: "Đây là cơ hội tốt nhất dành cho các bạn rồi". Dein đã trấn an và động viên cộng sự rằng, họ phải bứt lên và tìm về đầu mối - chính là LĐBĐ Anh FA.
Chủ tịch FA đương thời, Graham Kelly ban đầu chưa nhận ra hết tiềm năng thương mại của dự án. Ông cũng dè chừng trước các động thái của Football League. Song Dein và Dyke đã đi một nước cờ khôn ngoan, là nhờ đại sứ Noel White của Liverpool móc nối. White có mối quan hệ tốt với Kelly và đã tận dụng lợi thế đó để đề xuất ý tưởng nghe có vẻ là điên rồ.
Graham Kelly khi đó là chủ tịch FA.
Sau cuộc gặp gỡ, Kelly bắt tay vào việc. FA ủy thác phần việc xây dựng format giải đấu và mô hình kinh doanh cho chuyên gia tư vấn chiến lược Alex Fynn từ tập đoàn Saatchi & Saatchi; đồng thời thuê Ricky Perry - tư vấn viên của tập đoàn kiểm toán Ernst & Young làm đại diện hình cho nhóm Big 5.
Premier League bấy giờ đã manh nha hình thành những mảnh ghép đầu tiên...
(Đón đọc phần 2)