Nhiều người cho rằng thớt nhựa có thời gian sử dụng lâu hơn thớt gỗ vì bề mặt trơn nhẵn, dễ vệ sinh, không tạo ra mùn thớt khi thái, chặt thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Nếu sử dụng thớt từ vật liệu này, bạn phải thay mới khá thường xuyên. Yếu tố vệ sinh chính là ý do bạn nên vứt bỏ thớt nhựa khi bị cũ hoặc nứt, xuất hiện nhiều vết cắt.
Đây là lý do bạn nên vứt bỏ thớt nhựa cũ
Thớt nhựa có bề mặt trơn nhẵn, có thể dội nước sôi lên để cọ rửa mà không lo hỏng nên không ít người cho rằng nó tốt hơn, an toàn hơn so với thớt gỗ.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Đại học Wisconsin, Mỹ, thớt nhựa chứa nhiều vi khuẩn hơn rất nhiều lần so với thớt gỗ. Kết luận này được đưa ra sau khi các chuyên gia thí nghiệm nuôi cấy vi khuẩn Salmonella trên những chiếc thớt mới được sử dụng. Sau đó, họ dùng giẻ rửa bát để làm sạch thớt với xà phòng và nước nóng.
Kết quả cho thấy, vi khuẩn ít phát triển và nhân bản rộng trên thớt gỗ ngay cả khi để qua đêm. Vi khuẩn bị hút xuống dưới bề mặt thớt, nơi chúng không thể sinh sôi được. Thậm chí thớt gỗ cũ có rãnh sâu cũng có mức độ vi khuẩn tồn tại thấp.
Nhưng thớt nhựa lại khác. Cho dù đã được làm sạch bằng xà phòng, nước nóng và khử trùng đến vài lần, vi khuẩn vẫn sống sót và sinh sôi nảy nở trên bề mặt. Đặc biệt, ở các rãnh của thớt nhựa cũ, dù được khử trùng bằng thuốc tẩy clo thì vẫn có vi khuẩn sót lại. Đây là lý do bạn nên vứt bỏ thớt nhựa cũ.
Các tác giả nghiên cứu trên khuyên nên sử dụng thớt gỗ thay vì thớt nhựa, và phải vệ sinh thớt ngay sau khi sử dụng. Những chiếc thớt đã quá cũ, bị mòn hoặc nhiều vết cắt cần được thay mới để đảm sức khỏe của bạn, gia đình.
Vi khuẩn dễ sinh sôi trên bề mặt, khó làm sạch chính là lý do bạn nên vứt bỏ thớt nhựa cũ. (Ảnh: Joe Lingeman/Kitchn)
Sau bao lâu nên thay thớt mới?
Thớt là vật dụng tiếp xúc trực tiếp với đủ loại thực phẩm từ sống đến chín nên luôn ẩn chứa nguy cơ gây sự cố về sức khoẻ, đặc biệt là khi nó có vết xước. Các vi khuẩn Salmonella và E.coli thường mắc kẹt bên trong các vết xước của thớt cũ, nếu không được vệ sinh kỹ sẽ có thể gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, đau bụng.
Tuy nhiên, việc rửa thớt sau mỗi lần sử dụng cũng không thể hoàn toàn bảo vệ bạn khỏi vi khuẩn, vì rất khó làm sạch các vết xước và rãnh sâu ở những chiếc thớt quá cũ.
Vì vậy, bạn nên thay dụng cụ nhà bếp này thường xuyên. Các chuyên gia khuyên nên đổi thớt vài lần mỗi năm đối với thớt nhựa, tùy vào mức độ thường xuyên sử dụng của bạn. Với thớt gỗ, thời gian sử dụng tùy thuộc vào độ cứng của vật liệu. Những chiếc thớt được làm từ loại gỗ siêu cứng, băm chặt mạnh vẫn ít tạo ra vết cắt thì có thể sử dụng mấy năm, còn thớt gỗ thường nên thay sau 1 năm.
Tuy nhiên, con số mà các chuyên gia nêu ra có thể rất khác nhau và mang tính tương đối, vì thời gian thay thớt cần tùy thuộc vào thực tế sử dụng. Ngay cả cùng là thớt nhựa, chất lượng nhựa của các sản phẩm cũng không giống nhau.
Dùng thớt đúng cách
Phân loại thớt khi chế biến: Sử dụng thớt riêng cho thịt sống và rau, thực phẩm ăn liền. Hãy đảm bảo rằng bạn không bị lẫn lộn các thớt với nhau. Để phân biệt, bạn có thể đánh dấu hoặc mua những chiếc thớt có màu sắc, hình dáng, kích cỡ khác nhau. Khử trùng thớt: Nếu chỉ rửa bằng nước, thớt sẽ không thực sự sạch và hợp vệ sinh được. Hãy khử trùng bằng nước sôi hoặc nước muối, rửa lại bằng nước sạch và lau khô bằng khăn giấy (không phải khăn mềm). Không dùng khăn để lau: Bạn nghĩ mình đang làm sạch thớt bằng cách dùng khăn lau những mẩu thức ăn trên đó? Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khăn lau bếp thường là thứ bẩn nhất trong nhà bạn. Nếu bạn cần lau thớt để chuẩn bị làm thịt hoặc rau sống thì đừng sử dụng khăn vải. Vi khuẩn từ thực phẩm sẽ làm bẩn vải và sau đó lây lan xung quanh bếp khi bạn lau bề mặt các vật dụng tiếp theo.