*Dưới đây là bài chia sẻ của một tác giả giấu tên được đăng trên trang Zhihu (Trung Quốc).
Hôm qua, tôi thấy bài đăng trên WeChat của một người bạn viết: “Một người bạn cùng lớp đã nhiều năm không liên lạc gọi điện và mời tôi tham dự buổi họp lớp, thế nhưng tôi đã từ chối. Nếu quan hệ tốt thì hàng ngày mọi người sẽ tương tác với nhau một cách tự nhiên, nếu đã không còn giao tiếp thì mối quan hệ cũng sẽ không sâu sắc hơn nhờ việc tụ tập”. Tôi đồng ý sâu sắc với quan điểm này.
Kể từ khi WeChat (ứng dụng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc) ra đời, tôi và những người bạn cũ được cán bộ lớp nhiệt tình thêm vào một nhóm chung. Vì đã lâu không gặp nên hầu hết mọi người đều rất hào hứng hỏi thăm, chia sẻ tình hình của nhau. Chúng tôi cũng đã kết bạn trên WeChat và hẹn hôm nào đó gặp nhau. Tuy nhiên với tôi, “hôm nào đó” này là khoảng thời gian vô cùng xa xôi. Không phải vì tôi quá bận, mà chủ yếu là vì tôi mắc chứng lo âu xã hội.
Nghĩ đến việc gặp lại những người bạn cùng lớp đã nhiều năm không gặp, tôi cảm thấy vô cùng lo lắng, tôi tự hỏi mình nên nói chuyện gì với họ? Đã lâu rồi chúng tôi không tiếp xúc, cuộc sống sau khi ra trường cũng không liên quan, liệu lần gặp lại này có gây ra sự khó xử không? Sau vài câu hỏi tự đặt ra, tôi chán nản và không muốn gặp ai nữa.
Lúc đầu, mọi người ở trong nhóm vẫn trò chuyện về những điều thú vị trong cuộc sống, những việc đang làm, nhưng chỉ sau vài ngày, cả nhóm trở nên im lặng. Những người bạn bình thường có quan hệ tốt thì vẫn giữ quan hệ tốt với nhau. Những người không liên lạc thì vẫn không liên lạc.
Dẫu vậy, chúng tôi vẫn hiện diện trong cuộc sống của nhau bằng cách đăng những tấm ảnh, những bài chia sẻ trên mạng xã hội. Dựa vào đó, chúng tôi vẫn có thể biết tình trạng cuộc sống của nhau như thế nào mà chẳng cần gặp gỡ. Dần dần, tôi thấy việc gặp nhau hay không, trò chuyện với nhau hay không cũng chẳng còn quan trọng.
Một cư dân mạng từng đặt câu hỏi, tại sao nhiều người không đi họp lớp, không nói chuyện trong nhóm lớp nhưng cũng không rời nhóm chung?
Thực ra tôi chính là như vậy.
1. Những người bạn học cũ là nhân chứng cho tuổi trẻ của nhau
Tôi có một số nhóm cùng lớp ở trường cấp hai, cấp ba và đại học nhưng hiếm khi nói chuyện trong đó. Thực tế, không phải tôi không muốn nói mà là tôi thực sự không biết phải nói gì.
Dẫu vậy, tôi vẫn không rời khỏi nhóm là vì những người này đã chứng kiến tuổi trẻ của tôi. Sự tồn tại của họ giống như một cánh cửa mở về quá khứ, giúp tôi mỗi lần nhìn lại đều thấy mình của ngày trẻ ở trong đó. Mỗi lần như thế, lòng tôi lại ấm áp đến lạ.
Dẫu cho hiện tại, chúng tôi không còn nói chuyện, thế nhưng tôi cũng không nỡ chối bỏ đi thanh xuân của mình. Cũng giống như mấy hôm trước, tôi vô tình nhìn thấy người bạn học cùng lớp cấp 2 ở quán cà phê. Lúc đó, trong đầu tôi đã nghĩ ra viễn cảnh sẽ qua đó chào hỏi người bạn này. Thế nhưng trong một khoảnh khắc chúng tôi chạm mắt nhau từ xa, cậu ấy có vẻ như không nhận ra tôi. Điều này cũng khiến cho ý định lúc nãy của tôi vụt tắt.
Lâu ngày không gặp gỡ cũng không nói chuyện, có vẻ như dáng vẻ của quá khứ lồng vào dáng vẻ hiện tại đã để lại trong lòng chúng tôi một khoảng cách khá lớn, khiến chúng tôi không còn nhận ra cố nhân, cũng không còn tìm thấy sợi dây gắn kết. Cứ thế, chúng tôi lướt qua đời nhau, hoặc có chăng khi gặp lại cũng chỉ nói vài câu xã giao, không đọng lại bất kỳ cảm xúc nào. Đôi lúc, tôi cũng muốn sống lại thời thanh xuân, thế nhưng nhiệt huyết niên thiếu bấy giờ đã không còn nữa rồi.
Một người bạn từng kể cho tôi nghe về câu chuyện gặp mặt bạn học cũ khá ngại ngùng. Nhóm chat bạn học cấp 3 của họ mới lập cách đây vài năm, trong đó một bạn nam đã nhiệt tình gửi thiệp mời mọi người tới dự đám cưới của con trai cậu ấy. Bọn họ đã nhiều năm không gặp nên muốn nhân dịp này tụ tập cùng nhau.
Cứ thế, bạn tôi và một người bạn cùng lớp khác thực sự đã tới buổi tiệc với hy vọng hội ngộ bạn cũ. Tuy nhiên, khi cha mẹ hai bên và cặp đôi trẻ đến bàn của họ để nâng cốc chúc mừng, người bạn năm xưa chỉ cười nhẹ và vội lướt qua họ. Không khí ngại ngùng đó khiến bạn tôi nói rằng đó là bữa ăn khó chịu nhất mà anh ấy từng ăn trong đời. Sau này, nếu trong nhóm có đề nghị họp lớp hay tụ tập gì đó, anh ấy đều bỏ qua.
Thế nhưng, anh ấy cũng không vì chuyện đó mà rời khỏi nhóm chung. Anh ấy nói rằng thỉnh thoảng xem các bạn cùng lớp trò chuyện cũng thú vị và có thể nhớ lại những kỷ niệm thời trẻ. Như nhà văn người Trung Quốc Chu Quốc Bình đã nói, những người bạn học cũ là nhân chứng cho tuổi trẻ của nhau, họ vô thức lưu giữ một số bằng chứng cho nhau và khi gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách, họ có thể tạm thời trả lại tất cả những bằng chứng đã lưu trữ ấy.
2. Không níu quá khứ, không cầu tương lai, sống hết mình với hiện tại
Cách đây vài ngày, một cô bạn cùng lớp đại học của tôi tên Anh Tử, người mà tôi đã lâu không liên lạc, gửi cho tôi một bức ảnh. Trong ảnh là cô ấy và một người bạn cùng lớp khác chụp ảnh ở bãi biển. Ba chúng tôi đã có khoảng thời gian đẹp nhất khi còn đi học. Khi đó, chúng tôi ở cùng ký túc xá, ngủ chung giường, ăn chung hộp cơm và hứa sẽ là bạn bè suốt đời.
Thế nhưng sau khi tốt nghiệp, mỗi người chúng tôi đều đi theo những con đường riêng. Thời đó, phương tiện liên lạc và giao thông chưa phát triển như hiện tại, do đó, khoảng cách địa lý khiến chúng tôi không còn thân thiết như trước. Sau này trưởng thành, chúng tôi kết hôn, có con, bận rộn với gia đình và sự nghiệp nên gần như mất liên lạc.
Sự xuất hiện của WeChat đã kéo chúng tôi lại gần hơn, thế nhưng những cuộc trò chuyện cũng chỉ được vài câu thì không còn gì để nói. Lần gần nhất chúng tôi trò chuyện đã là một năm trước. Nhìn hai người bạn thân cùng lớp trong ảnh, tôi vừa quen vừa lạ. Thời gian như nước đã làm loãng đi tình bạn tưởng chừng đậm sâu mãi mãi của chúng tôi. Sự thân quen xuôi theo dòng chảy, tình cảm ngày chẳng còn như xưa nhưng khi nhìn thấy họ, tôi vẫn nhớ đến những ký ức vui vẻ ngày xưa, trong lòng vẫn ấm áp.
Tôi sẽ luôn lưu giữ thông tin liên lạc của họ, nếu một ngày nào đó chúng tôi gặp lại nhau, có thể trao đổi rất nhiều bằng chứng về tuổi trẻ của mình. Nếu không bao giờ gặp lại thì chỉ cần im lặng quan tâm và biết rằng họ vẫn ổn là đủ.
Cuộc đời là những cuộc gặp gỡ liên miên, có người vội đi, có người nán lại lâu hơn một chút. Trong thế giới dài rộng của mỗi người đều có rất nhiều vị khách qua đường. Họ đều là món quà của số phận. Họ ở bên bạn dù lâu hay ngắn, đều dạy cho bạn điều gì đó rồi đi qua. Trong cuộc đời này, chỉ có một số ít người có thể đồng hành cùng chúng ta đến cuối cùng. Chúng ta không thể quyết định ai sẽ đến, cũng chẳng thể quyết định ai sẽ ở lại. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là không níu quá khứ, không cầu tương lai và sống hết mình với hiện tại.
(Theo Zhihu)