Theo số liệu do Ủy ban châu Âu công bố, Nigeria ghi nhận 50.376 đơn xin visa ngắn hạn bị từ chối trong năm 2024, chiếm gần một nửa tổng số hồ sơ. Với mức phí xin visa không hoàn lại là 90 euro (khoảng 2,6 triệu đồng), chỉ riêng người Nigeria đã mất hơn 5 triệu USD (gần 130 tỷ đồng).
Theo phân tích từ LAGO Collective, tổng cộng các nước châu Phi đã mất 60 triệu euro (hơn 1.700 tỷ đồng) phí cấp visa ngắn hạn bị từ chối vào năm 2024.
Tính trên toàn lục địa, người dân châu Phi đã đóng góp hơn 60 triệu euro (hơn 1.700 tỷ đồng) tiền phí xin visa không được hoàn lại, đây là một khoản được xem là “kiều hối ngược”, tức tiền chảy từ các nước nghèo sang các nước giàu mà không mang lại giá trị nào.
“Những quốc gia nghèo nhất thế giới đang phải trả tiền cho những quốc gia giàu nhất để không được cấp visa”, bà Marta Foresti, nhà sáng lập LAGO Collective phát biểu với CNN .
Hệ thống bị cáo buộc thiên vị
Theo bà Foresti, các nước châu Phi đang phải chịu tỷ lệ từ chối visa cao bất thường, lên tới 40-50% tại các quốc gia như Nigeria, Ghana và Senegal. “Càng nghèo, tỷ lệ bị từ chối càng cao. Điều này phản ánh sự bất công cố hữu trong hệ thống xét duyệt thị thực của châu Âu”.
Ủy ban châu Âu phản hồi rằng mọi đơn xin visa đều được đánh giá theo từng trường hợp cụ thể, dựa trên các tiêu chí như mục đích chuyến đi, khả năng tài chính và ý định trở về nước sau chuyến thăm.
Tuy nhiên, các trường hợp cụ thể cho thấy sự mâu thuẫn trong quy trình xét duyệt. Anh Jean Mboulé, một công dân Cameroon sinh tại Pháp và hiện là thường trú nhân Nam Phi đã bị từ chối visa Pháp dù cung cấp đầy đủ hồ sơ và đã từng nhiều lần đi du lịch quốc tế. Trái lại, vợ anh - người không có việc làm và sử dụng hộ chiếu Nam Phi lại được cấp visa dựa trên tài chính của chồng.
Sau khi kiện ra tòa án hành chính Pháp và thắng kiện, anh Mboulé được cấp visa và nhận tiền bồi thường từ đại sứ quán Pháp tại Johannesburg. Tuy nhiên, anh quyết định không sang Pháp nữa mà đến Mauritius để phản ánh sự bất công này.
“Chi phí tài chính từ các visa bị từ chối là quá lớn. Mỗi đơn xin bị từ chối không chỉ làm tổn thất tiền bạc mà còn khiến người châu Phi cảm thấy bị phân biệt và không được tôn trọng”, bà Foresti nhận định.
Nhiều người chấp nhận thiệt hại
Không phải ai cũng có đủ điều kiện để kháng cáo hay theo kiện như Mboulé. Phần lớn người châu Phi bị từ chối visa thường chọn cách nộp lại đơn, tốn thêm chi phí mà không có gì đảm bảo kết quả sẽ khác.
Trường hợp của anh Joel Anyaegbu, một chuyên gia tư vấn trò chơi người Nigeria là một ví dụ điển hình. Sau khi bị từ chối visa Tây Ban Nha lần đầu, anh nộp lại đơn với nhiều giấy tờ hơn, bao gồm bằng chứng tài chính và sở hữu tài sản. Tuy nhiên, hồ sơ tiếp tục bị bác với lý do “không đáng tin cậy”.
“Tôi đã phải hủy toàn bộ kế hoạch công tác và không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ đại sứ quán”, Anyaegbu chia sẻ với CNN .
Người châu Phi bị định kiến
Tại Uganda, kỹ sư 57 tuổi Julius Musimeenta và cả gia đình 6 người bị từ chối visa Đức để tham dự một hội chợ kỹ thuật, mặc dù họ đều có lịch sử du lịch quốc tế. “Chúng tôi bị đánh đồng và nghi ngờ chỉ vì mang hộ chiếu châu Phi”, ông nói.
EU cho biết các quốc gia thành viên sẽ xem xét đơn xin visa theo từng trường hợp cụ thể.
Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), người bị từ chối visa có quyền kháng cáo nếu cho rằng quyết định là không chính đáng. Tuy nhiên, ít người đủ kiến thức pháp lý và tài chính để thực hiện điều này.
Trong khi visa ngắn hạn nhận được sự chú ý nhiều nhất vì liên quan đến 29 quốc gia, người châu Phi cũng đối mặt với các rào cản tương tự khi xin visa Anh. Phí visa vào Anh đã tăng từ 100 bảng Anh lên 127 bảng Anh (khoảng 3,5 triệu đồng - 4,5 triệu đồng) chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Tổng thiệt hại từ các visa Anh bị từ chối ước tính lên tới 50,7 triệu bảng (hơn 1.700 tỷ đồng) trong năm 2024, trong đó người Nigeria đóng góp hơn 2 triệu bảng Anh (gần 70 tỷ đồng).
Giảng viên người Nam Phi Sikhumbuzo Maisela cho rằng, quy trình xét duyệt không hoàn toàn xuất phát từ định kiến mà còn bị ảnh hưởng bởi tiền lệ lịch sử. “Khi một người vi phạm điều kiện visa, toàn bộ cộng đồng cùng phải gánh hậu quả”, ông viết trong email gửi tờ CNN .
Tuy nhiên, ông Sikhumbuzo Maisela cũng nhấn mạnh rằng người châu Phi nên coi visa là một hành động dựa trên lòng tin và cần tuân thủ các quy định. “Chúng ta không thể đòi hỏi sự công bằng nếu không tuân thủ luật chơi, nhưng hệ thống hiện tại rõ ràng đang làm khó những người tuân thủ nhất”.