Tờ Tech in Asia nhận định, thông tin Grab cắt giảm 1.000 việc làm – chiếm 11% tổng lực lượng lao động - đến như một tia chớp bất ngờ.
Mặc dù công ty không cung cấp thông tin chi tiết về thị trường hoặc bộ phận nào bị ảnh hưởng bởi đợt sa thải lần này nhưng tờ Tech in Asia cho rằng việc sa thải không dành riêng cho một quốc gia nào.
Việc xem xét các bài đăng trên Linkedin khác nhau của những nhân viên bị sa thải cho thấy rằng họ đến từ các bộ phận bao gồm kỹ thuật, tiếp thị và nhân sự.
Theo một nhân viên giấu tên chia sẻ với Tech in Asia thì một trong những bộ phận bị ảnh hưởng là nghiên cứu người dùng. Cán bộ nhân viên trong bộ phận này hầu hết ở Singapore và Mỹ.
Người tiết lộ tin kể trên (không nằm trong diện bị cắt giảm) than thở rằng “một số người làm việc thực sự tốt đã bị ảnh hưởng” và mô tả tâm trạng chung của các nhân viên là “buồn bã”.
Tuy nhiên, Tech in Asia cho rằng, Grab có lý do chính đáng để như vậy. Ngay cả khi các công ty công nghệ Đông Nam Á khác như Sea Group và GoTo Group đã trải qua nhiều đợt cắt giảm việc làm bắt đầu từ năm ngoái, Giám đốc điều hành của Grab, Alex Hungate, cho biết vào tháng 9/2022 rằng siêu ứng dụng này “không thấy mình trong danh sách” các công ty bắt tay vào sa thải hàng loạt.
Alex Hungate nói thêm rằng công ty đã “rất cẩn thận và thận trọng” trong việc tuyển dụng và kết quả là chưa đến mức “tuyệt vọng” phải ngừng tuyển dụng hoặc giảm số lượng nhân viên. Tuy nhiên, Grab đã sa thải khoảng 5% lực lượng lao động khi bắt đầu đại dịch Covid-19.
Quan điểm không sa thải nhân viên của công ty đã được Anthony Tan, CEO kiêm đồng sáng lập của Grab, nhắc lại trong một bản ghi nhớ gửi nhân viên vào tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, CEO Tan cũng tiết lộ rằng họ đang tạm dừng tuyển dụng những vị trí không quan trọng và thực hiện đóng băng tiền lương cho các nhà quản lý cấp cao để tránh “phản ứng tức thời” trong tương lai.
Vậy tại sao bây giờ Grab lại "quay xe"?
Sa thải nhân viên không phải là “đường tắt dẫn đến khả năng có lợi nhuận”
Tan đã nhanh chóng bác bỏ bất kỳ ý kiến nào cho rằng động thái cắt giảm nhân sự được thúc đẩy bởi nhu cầu đạt được mục tiêu lợi nhuận.
Trong một bài đăng gửi cho nhân viên, ông nhấn mạnh rằng biện pháp này không phải là “lối tắt dẫn đến lợi nhuận”. Ông cũng nhấn mạnh rằng dù có hay không có cắt giảm việc làm, công ty đang trên đà đạt được mức hòa vốn trong năm nay.
Trên thực tế, EBITDA điều chỉnh (lợi nhuận trước thuế và lãi vay) của Grab đang đi đúng hướng, với 5 quý liên tiếp cải thiện.
Tuy nhiên, Tech in Asia trước đây đã lưu ý rằng tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Grab trong kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm 2023 đã bị đình trệ. Để đạt được mục tiêu hòa vốn, công ty sẽ phải tăng GMV.
Theo ước tính sơ bộ, Tech in Asia đã tính toán rằng nếu Grab tiếp tục quỹ đạo hiện tại, các hoạt động kinh doanh vận tải và giao hàng sẽ tạo ra EBITDA điều chỉnh 52 triệu USD vào Q4. Nhưng con số này vẫn còn thiếu 14 triệu USD so với số tiền cần thiết để thu hẹp khoảng cách 66 triệu USD trước khi hòa vốn.
Grab có thể tiết kiệm được bao nhiêu bằng cách thu hẹp lực lượng lao động?
Đối thủ GoTo là một hình mẫu so sánh tốt. Vào tháng 11/2022, công ty của Indonesia đã cắt giảm 1.300 nhân viên, tương đương 12% lực lượng lao động. Đây là quy mô tương tự như việc sa thải nhân viên của Grab.
Trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 của GoTo, công ty ước tính rằng việc giảm số lượng nhân viên vào tháng 11 tạo ra “khoản tiết kiệm khoảng 210 tỷ rupiah (khoảng 14 triệu USD)” trong quý gần đây nhất. Điều này có nghĩa là, cũng có thể Grab sẽ tiết kiệm được 1 khoản tương tự như vậy với đợt sa thải lần này.
Vậy câu hỏi đặt ra là, nếu việc sa thải này không phải là để đáp ứng các mục tiêu lợi nhuận, thì tại sao Grab phải thực hiện?
Trong thông điệp gửi tới nhân viên, Tan cho biết “mục tiêu chính” của động thái này là “tái tổ chức một cách chiến lược” Grab để công ty có thể “di chuyển nhanh hơn, làm việc thông minh hơn” và tái cân bằng các nguồn lực trong danh mục đầu tư của mình phù hợp với các chiến lược dài hạn hơn.
Ông nói thêm: “Để tận dụng những cơ hội này một cách hiệu quả nhất, chúng tôi phải kết hợp quy mô của mình với khả năng thực thi nhanh chóng và khả năng tiết kiệm chi phí để có thể cung cấp một cách bền vững các dịch vụ có giá cả phải chăng hơn và thâm nhập sâu hơn vào đại chúng”.
Vị CEO này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “thích ứng với môi trường” trong đó các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo AI đang “phát triển với tốc độ chóng mặt” và chi phí vốn ngày càng tăng đang làm thay đổi cục diện cạnh tranh.
Trên thực tế, chi phí vốn cao hơn có nghĩa là các công ty như Grab không còn có thể thúc đẩy GMV tăng bằng cách dồn các ưu đãi cho người tiêu dùng và đối tác thương mại của họ.
Kết hợp quy mô với chi phí phục vụ thấp nhất có thể giúp công ty mở rộng GMV bằng cách thâm nhập sâu hơn vào phân khúc dịch vụ giá cả phải chăng, một trong những lĩnh vực trọng tâm của Grab.
Tuy nhiên, bất chấp những lý do này, một số câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.
Đầu tiên, vẫn chưa rõ tại sao việc thực hiện một đợt sa thải lớn lại cần thiết để đạt được những mục tiêu này.
Thứ hai, nhiều vấn đề trong số này đã rõ ràng vào tháng 9 năm ngoái, khi Grab không nhận thấy những đợt cắt giảm việc làm lớn sắp xảy ra. Vậy thì kể từ khi đó, đã có những thay đổi nào xảy ra?
Thứ ba, chi phí vốn cao hơn cũng có nghĩa là các công ty công nghệ đối thủ đã hạn chế chi tiêu cho các ưu đãi và tiếp thị, và những người mới tham gia tiềm năng ít có khả năng đảm bảo nguồn vốn mà họ cần để chèo lái con thuyền. Những bước phát triển này lẽ ra phải giảm bớt áp lực cạnh tranh đối với những công ty thành lập lâu đời hơn như Grab.
Liệu vấn đề có nằm ở các cổ đông?
Dĩ nhiên, bằng cách thu hẹp quy mô lực lượng lao động, Grab cũng có thể cho các cổ đông thấy rằng họ nghiêm túc trong việc giảm chi phí và hoạt động hiệu quả.
Tính tới tháng 3/2023, các cổ đông hàng đầu của Grab bao gồm cả Morgan Stanley Investment Management, Capital Research & Management và Mitsubishi UFJ Kokusai Asset Management.
Ngoài ra, cổ phiếu của Grab thực sự hoạt động tốt hơn Sea, công ty đã sa thải 7.000 nhân viên trong vòng 6 tháng vào năm 2022.
Trong năm qua, cổ phiếu của Sea đã giảm 16% trong khi của Grab tăng 24%.
Điều gì có thể xảy ra tiếp theo?
Đối với đợt sa thải lần này, Grab đã đưa ra một gói hỗ trợ toàn diện cho những nhân viên bị ảnh hưởng, bao gồm các khoản thanh toán thôi việc, các khoản thanh toán thiện chí khác, đồng thời tiếp tục cung cấp các dịch vụ như bảo hiểm y tế đến cuối năm.
Dù nguyên nhân của đợt sa thải lần này là gì đi chăng nữa, việc bây giờ là Grab cần đảm bảo rằng tinh thần của những nhân viên ở lại, những người hiện có thể lo sợ rằng đây mới chỉ là khởi đầu của nhiều đợt sa thải hơn. Do lịch sử từng “quay xe” với tuyên bố sẽ không sa thải, hiện tại khó có thể loại trừ khả năng Grab có thể cắt giảm thêm.
Nguồn: Tech in Asia