Tổng thống Indonesia Joko Widodo là người nhận mũi tiêm đầu tiên trong ngày hôm qua, sau khi cơ quan chức năng nước này bật đèn xanh cho vaccine CoronaVac của Trung Quốc.
Ở Indonesia, 1 vaccine được lựa chọn tiêm không chỉ cần đảm bảo độ an toàn, mà còn phải được chứng nhận phù hợp dùng cho người Hồi giáo.
Chương trình tiêm vaccine được Indonesia bắt đầu vào thời điểm dịch COVID-19 đang khiến hệ thống y tế của quốc gia đông dân thứ tư thế giới quá tải. Hôm qua, nước này có thêm 306 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất trong ngày từ trước đến nay; số ca nhiễm mới cũng chạm mốc cao kỉ lục hơn 11.200 ca.
Giống như ở nhiều nước, giai đoạn 1, hơn 1,3 triệu nhân viên y tế và 17,4 triệu công chức tham gia chống dịch COVID-19 của Indonesia được ưu tiên tiêm vaccine trước tiên.
Bác sĩ Luky Satria, 46 tuổi cho biết: "Chúng tôi kiệt sức và mệt mỏi vì COVID-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt, cũng vì thế mà chương trình tiêm chủng sẽ được mở rộng".
"Đối với công chúng, tốt nhất là nên tiêm phòng vì như vậy cũng là giúp chúng tôi, những nhân viên y tế chăm sóc cho người dân. Vaccine sẽ giảm nguy cơ nhiễm và lây lan COVID-19", Dược sĩ Tri Ardhyanti Saying, 29 tuổi nói.
Có một điểm khác biệt trong chiến dịch tiêm chủng diện rộng của Indonesia, đó là xếp sau các nhân viên y tế, không phải là người già được ưu tiên tiêm vaccine, mà sẽ là nhóm những người trẻ hơn, đang trong độ tuổi lao động từ 18-59 tuổi.
Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo, ngày 13/1/2021 tiêm liều đầu tiên vaccine COVID-19 do Hãng dược Sinovac của Trung Quốc sản xuất (Ảnh: Indonesian Presidential Palace/AP)
Tổng thống Indonesia Widodo (59 tuổi) là người đầu tiên ở nước này tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhưng Phó tổng thống Amin (77 tuổi) sẽ không nằm trong nhóm được tiêm sớm.
Chọn tiêm cho nhóm người trẻ tuổi trước, thay vì người già - cách tiếp cận này của Indonesia là rất khác so với hầu hết các nước ở châu Âu hay Mỹ đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Giới chuyên gia Indonesia nói gì về chiến lược chọn nhóm ưu tiên này?
Lý do chính thức được Bộ Y tế Indonesia đưa ra là do cơ quan chức năng chưa hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine Sinovac đối với người già. Hiện Bộ Y tế vẫn đợi cơ quan kiểm soát dược và thực phẩm đánh giá xem loại vaccine này có thể sử dụng an toàn cho người trên 60 tuổi hay không.
Vaccine Sinovac cũng tương đồng với các loại vaccine mà Indonesia vẫn tiến hành tiêm chủng thường xuyên nên không có khó khăn gì khi triển khai.
Các ý kiến ủng hộ đưa ra thêm luận điểm rằng người già ở Indonesia thì phần lớn ở nhà, do đó nguy cơ bị nhiễm COVID-19 thấp hơn nhưng người ở độ tuổi làm việc. Nên nếu người trẻ được tiêm vaccine thì họ có thể đến thăm người già an toàn. Và về mặt kinh tế, việc tiêm vaccine cho đối tượng ở tuổi lao động cũng là cách để bảo vệ nền kinh tế, như kiểu 1 mũi tên trúng 2 đích vậy.
Còn về ý kiến phản bác, đặc biệt từ các chuyên gia quốc tế nói rằng loại vaccine Trung Quốc nói trên đã được triển khai cho người già ở cả Trung Quốc và Trung Đông nên không có lý gì mà người già ở Indonesia không được tiêm vaccine.
Vận chuyển vaccine COVID-19 của Sinovac tại Sumatra (Ảnh: EPA)
Một ý kiến đáng chú ý hơn cả là, kể cả người trẻ tiêm vaccine thì họ không ốm thôi, chứ họ vẫn có thể mang và truyền virus mà chẳng hề có triệu chứng gì. Như vậy thì việc tiêm vaccine cho người trẻ không làm giảm tỷ lệ tử vong vì COVID.
Nhóm người cao tuổi cũng rất cần được bảo vệ trước làn sóng dịch nguy hiểm hiện nay ở Indonesia. Vậy khi nào họ sẽ được tiêm?
Hiện chưa có thông tin nào khẳng định về thời gian, xong có 2 khả năng:
- Người già sẽ được tiêm ngay sau khi có kết quả kiểm nghiệm vaccine Sinovac được Cơ quan Kiểm soát Dược và Thực phẩm thông qua.
- Thứ hai là đợi cho lô vaccine đã được kiểm nghiệm với người già như Pfizer được nhập về đến Indonesia. Theo dự kiến, có thể đến tháng Tư sẽ về lô đầu tiên và như vậy thì đến quý 4 năm nay mới có thể triển khai tiêm cho người già.
Nhiều chuyên gia quốc tế cho biết, chưa thể đánh giá rõ hiệu quả của chiến lược tiêm vaccine khác biệt ở Indonesia đến đâu, nhưng thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh từng nơi là điều hợp lý. Vì thực tế là trên toàn thế giới cũng chưa ai có thể chắc chắn cách tiêm thế nào mới là đúng. Chuyên gia Indonesia cũng lập luận, tiêm hết cho người trẻ, những người đi lại nhiều hơn, dễ khiến virus lây lan nhiều hơn thì cũng là cách bảo vệ người già.
Để hoàn thành chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 trong 15 tháng là 1 mục tiêu đầy tham vọng của Indonesia, khi nước này có dân số đông nhất Đông Nam Á trải dài trên 1 quần đảo rộng lớn.