Vì sao hàng không vẫn thực hiện bay không khách giữa thời COVID-19?

Hoài Thanh, Theo Báo Tin Tức 21:22 11/05/2020

Khi dịch COVID-19 đóng cửa việc đi lại, các chuyến bay mà lượng hành khách đếm trên đầu ngón tay có thể bị coi là kỳ lạ. Tuy nhiên, nhiều hãng hàng không chẳng còn lựa chọn nào khác.

Chuyến bay số 65 của hãng hàng không JetBlue khởi hành từ New York tới Albuquerque, New Mexico ngày 21/4 chỉ có 7 hành khách. Không có lý do gì để vận hành một chặng bay không dừng như vậy, ngoại trừ để đón những hành khách đã đặt vé chiều về.

Tổng số có 6 hành khách, nhưng tất cả trong số này là nhân viên y tế từ New Mexico tới New York để hỗ trợ chống dịch. Khi đã biết được hành khách là ai, hãng JetBlue quyết định không hủy chuyến bay bằng máy bay A321 có khả năng chở 200 khách. Chuyến bay số 66 trở về New York được liệt vào chuyến bay có độ ưu tiên cao với các trạm kiểm soát không lưu.

Câu chuyện có nhiều chuyến bay chỉ chở rất ít hành khách khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao các hãng hàng không tiếp tục làm vậy. Có vẻ như họ đang đốt tiền, đốt nhiên liệu. Có phải các hãng hàng không không biết mình đang làm gì?

Vì sao hàng không vẫn thực hiện bay không khách giữa thời COVID-19? - Ảnh 1.

Hầu như không có khách trên chuyến bay từ Atlanta tới Baltimore của hãng Delta ngày 20/4. Ảnh: Getty Images.

Họ biết rõ. Trong tháng 3 và tháng 4, các hãng hàng không đua nhau dừng khai thác tối đa các đường bay. Số máy bay nằm bến hiện chiếm khoảng 75% và có đến hơn 90% số chuyến bay bị dừng khai thác. Với hãng America Airlines, 99% các chuyến bay có lượng hành khách chưa đến 20% tổng số chỗ.

Một số chuyến bay ít chở ít khách là để phục vụ công việc kinh doanh cần kíp hoặc khách hàng chủ chốt. Trong một số trường hợp khác, số hành khách này là người phải di chuyển để dự tang lễ, chuẩn bị sinh hoặc những vụ việc liên quan đến cuộc sống khác. Hủy chuyến đối với số hành khách này sẽ thật tồi tệ.

Ngoài ra, các hãng hàng không còn cho biết có một số lý do liên quan đến vận hành, buộc phải bay dù chỉ chở có hai hoặc ba hành khách. Trong một số trường hợp, đó là để đón 60 khách của chuyến bay tiếp theo.

Một số tàu bay cần phải tới các trung tâm bảo dưỡng để làm dịch vụ xuyên đêm. Hãng American Airline thực hiện bảo dưỡng đối với tàu bay A319 tại Pittsburgh, bang Pennsylvania, vì thế những nhà điều hành ngần ngại hủy chuyến bay tới Pittsburgh nếu như tàu bay chưa đáp ứng được quy trình bảo dưỡng nhưng lại phải sẵn sàng cho lịch bay ngày hôm sau.

Vì sao hàng không vẫn thực hiện bay không khách giữa thời COVID-19? - Ảnh 2.

Máy bay của hãng hàng không JetBlue “đình bến” tại sân bay Logan, Boston hôm 26/6. Ảnh: WSJ

Số lượng chỗ đỗ tại nhiều sân bay thiếu, do có quá nhiều máy bay nằm chờ. Vì thế, một tàu bay có thể sẽ phải thực hiện chuyến cuối cùng trong ngày chở một hoặc hai hành khách, mà mục đích cốt để giữ chỗ đã được cấp cho hãng hàng không.

Hãng Southwest Airline cho biết, có trường hợp khách hàng gặp may, khi hãng này thực hiện các chuyến bay chở hàng là chính, thường là nguồn cung thiết bị y tế.

Yêu cầu đặt ra trong gói cứu trợ hàng không liên bang thuộc Đạo luật cứu trợ thảm họa COVID-19 (Cares Act) mới được thông qua cũng là một vấn đề. Đạo luật yêu cầu các hãng hàng không phải duy trì dịch vụ chở khách tới tất cả các thành phố mà họ đang vận hành các tuyến đường bay. Các hãng đã yêu cầu được miễn trừ quy định này đối với một số thành phố mà một hãng khác đã có dịch vụ bay, nhưng Bộ Giao thông Mỹ đã từ chối phần lớn những yêu cầu này.

Các hãng hàng không quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn từ quy định trên. Hãng Spirit đã dừng đường bay tới 26 thành phố trong tháng 4, yêu cầu được Bộ Giao thông Mỹ miễn trừ. Nhưng chính quyền tuyên bố Spirit phải nối lại đường bay với 25 trên tổng số 26 tuyến, chỉ trừ tuyến đến và đi Aguadilla ở Puerto Rico.

Một số hãng tiếp tục phản đối quy định này, nói rằng không nên ép buộc duy trì các tuyến bay trống chỗ đến các trung tâm trung chuyển lớn nơi có nhiều hãng khác hoạt động. Đến ngày 5/5, Spirit và JetBlue được Bộ Giao thông nới lỏng thêm, cho phép hai hãng này có thể bỏ các đường bay tới 16 thành phố lớn.

(Theo WSJ)