Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đang gây ra ảnh hưởng rất tiêu cực đến mọi khía cạnh của nền kinh tế thế giới. Trong đó, ngành công nghiệp hàng không có lẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi hàng loạt sân bay đã buộc phải hạn chế số lượng chuyến bay trong ngày, hoặc tệ hơn nữa là tạm đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Vốn là những địa điểm luôn tấp nập người ra vào, các sân bay giờ đây bỗng bị “bỏ hoang”, chẳng còn mấy ai qua lại.
Đối với riêng nước Mỹ, một cường quốc kinh tế thế giới, vai trò của ngành hàng không lại càng trở nên quan trọng. Ấy vậy mà giờ đây, hệ thống sân bay tại quốc gia này cũng gần như đã rơi vào trạng thái đóng băng hoàn toàn khi liên tục cắt giảm số lượng lớn chuyến bay mỗi ngày và chỉ phục vụ một số nhiệm vụ quan trọng như: Vận chuyển thiết bị y tế để hỗ trợ công cuộc phòng chống coronavirus, các chuyến bay liên quan những chính sách hỗ trợ kinh tế hoặc các trường hợp khẩn cấp khác.
Theo Đạo luật cứu trợ thảm họa dịch Covid-19 (CARES Act) cho biết: “Bộ Giao thông Hoa Kỳ sẽ cân nhắc kĩ nhu cầu sử dụng đường hàng không của các khu vực, các cộng đồng nhỏ để có thể đảm bảo cung cấp đủ nhu yếu phẩm, thiết bị y tế cần thiết cho họ”.
Sân bay quốc tế O’Hare tại Chicago, sân bay có lượng khách trung bình lớn thứ 3 nước Mỹ, giờ đây đã bị bỏ hoang hoàn toàn bởi Covid-19.
Sảnh chờ nổi tiếng của O’Hare cũng chỉ còn lác đác vài người trong giờ cao điểm chứ không còn đông đúc như trước đây nữa.
Trước đây, sân bay này thường đón 1 lượng lớn khách hàng vào khung giờ buổi tối với nhu cầu di chuyển đến các quốc gia ở Châu Âu. Tuy nhiên, khi mà tình hình Covid-19 vẫn đang diễn biến cực kì phức tạp, chính phủ tại Mỹ đã ban hành lệnh cấm công dân từ 26 nước Châu Âu di chuyển đến Mỹ và ngược lại, khiến cho O’Hare trở nên đìu hiu ngay cả trong khung giờ đông khách nhất.
Không chỉ các chuyến bay quốc tế, các chuyến bay nội địa cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề, khiến cho sảnh đón khách Windy City cũng rơi vào trạng thái “vườn không nhà trống” trong nhiều ngày qua.
Chicago đã ghi nhận khoảng 9000 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, 1 con số tuy lớn nhưng vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với các thành phố khác tại Mỹ. Tuy nhiên, chỉ cần như vậy cũng đã đủ gây ra tổn thất cực kì nặng nề cho ngành hàng không tại thành phố này.
Các chuyến bay qua O’Hare giờ đây đã thưa thớt dần vì Covid-19.
Còn tại thành phố New York, cảnh tượng đường phố không một bóng người giờ đây đã dần trở nên quen thuộc bởi đây có thể coi là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất nước Mỹ.
Tại sảnh 8 sân bay JFK, giờ đây chỉ còn hãng hàng không American Airlines hoạt động. Không còn bất cứ chuyến bay quốc tế nào nữa, cũng không còn du khách đến từ nước ngoài, và chỉ có 1 số đường bay nội địa là vẫn còn được phép hoạt động.
American Airlines cũng đã tập trung vào việc vận chuyển hàng hóa tại cổng vào New York.
Từng là sân bay lớn nhất thế giới, giờ đây JFK cũng chỉ cho phép 1 vài chuyến bay hoạt động mỗi ngày và cực kì hạn chế tiếp nhận những chuyến bay đến New York - nơi Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhất nước Mỹ.
New York đã ghi nhận khoảng 200.000 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó khoảng 6000 người đã tử vong, biến nơi đây thành thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận đại dịch lần này.
Sảnh 8 từng là nơi tiếp nhận các hành khách đến từ Châu Âu và Châu Á, giờ cũng đã bị bỏ hoang vì Covid-19.
Còn đây là cảnh tượng không mấy tốt đẹp tại sân bay McCarran ở Las Vegas, một trong những thành phố du lịch xa hoa của nước Mỹ.
Trước đó, một nhân viên mặt đất tại đây đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, khiến cho sân bay này đã bị ảnh hưởng nặng nề và sớm rơi vào tình trạng “bỏ hoang”, dù tổng số ca dương tính tại Nevada mới chỉ rơi vào khoảng 3000 ca.
Không còn du khách, khu máy chơi game nổi tiếng tại McCarran cũng trở nên im lìm hơn hẳn.
Sân bay Denver cũng chỉ còn lác đác những nhân viên an ninh đi kiểm tra cơ sở vật chất.
Sảnh check-in không còn du khách của sân bay Denver.
Sân bay đông đúc nhất nước Mỹ, Hartsfield-Jackson Atlanta cũng chịu chung số phận với những “người anh em khác”. Hãng hàng không lớn nhất tại đây, Delta Air Lines, giờ cũng chỉ thực hiện vài chuyến bay vận chuyển hàng hóa mỗi ngày.
Không còn khách, sân bay này đã cho Delta Air Lines mượn hệ thống đường băng của mình để lưu trữ hàng hóa.
Các quầy check-in giờ đây cũng không một bóng người bởi các hãng hàng không đã tiến hành cắt giảm hàng loạt nhân sự, hoặc ít nhất là yêu cầu họ tạm thời nghỉ việc để đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Đại dịch Covid-19 thậm chí còn đã khiến cho hãng hàng không Ravn Alaska phải tuyên bố phá sản vì không còn đủ khả năng chi trả lương cho nhân viên.
Trước đó, Ravn Alaska chuyên phục vụ các cộng đồng nhỏ tại thành phố Alaska.
Một số phi công vẫn đi làm bình thường để thực hiện các chuyến bay vận chuyển hàng hóa, và thỉnh thoảng là 1 số chuyến với rất ít hành khách.
Đội ngũ tiếp viên phải thường xuyên đeo khẩu trang vì phải tiếp xúc trực tiếp với hành khách, dù rằng những chuyến bay giờ đây chỉ còn lác đác vài người mà thôi.
Hình 1 chuyến bay trong mùa đại dịch của Delta Air Lines.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng đang tiến hành nhiều phương pháp vệ sinh máy bay mới để đảm bảo an toàn cho hành khách cũng như phi hành đoàn.
Dù các chuyến bay gần như không có hành khách, nhưng các hãng hàng không vẫn phải tiến hành 1 số dịch vụ nhất định để có thể nhận được hỗ trợ tài chính từ Đạo luật CARES.
Ví dụ như gần đây, chỉ có 10 hành khách trên chuyến bay Boeing 777-200, từ New York đến Miami, trong khi số lượng chỗ ngồi trên chiếc máy bay này là 275 ghế.
Tuy nhiên, chính nhờ có ít hành khách mà việc tiến hành giãn cách xã hội trên máy bay lại trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Trên chuyến bay từ Washington đến New Orleans này thậm chí chỉ có 1 hành khách duy nhất.
Theo Insider