Vì sao Google Stadia thất bại?

Phương Nguyễn, Theo ICTNews 12:28 04/03/2021

Stadia vẫn chưa thất bại hoàn toàn, nhưng con đường đến ngày đắp chiếu của dự án này đã ở rất gần.

15 tháng sau khi ra mắt, Google đã phải thay đổi tham vọng tấn công thị trường game đám mây khi đóng cửa studio nội bộ và sa thải 150 nhân viên. Đó là câu chuyện buồn khi trước đó Google vẫn rất tự tin biến Stadia thành thứ có thể cạnh tranh được với Sony và Microsoft.

Lý do cho sự thất bại của Stadia, trên thực tế lại không quá khó hiểu bởi Google vẫn là một tay mơ nếu so với những đối thủ toàn là những con cáo già của ngành game.

Thư viện game hạn chế

Để tấn công thị trường game, Google phải giải quyết được bài toán game độc quyền. Đó là thứ giúp các hệ máy console như PlayStation hay Xbox luôn bán ra được cả chục triệu máy mỗi khi ra mắt thế hệ mới.

Google ban đầu ấp ủ kế hoạch xây dựng một studio nội bộ chuyên làm việc này, nhưng kể cả có không bị giải tán, rất khó để một cánh én nhỏ có thể làm nên mùa xuân. Để so sánh, Sony có một nhóm 14 studio con với khoảng 2.700 nhân lực còn Microsoft cũng có tới 24 studio với 4.800 người.

Vì sao Google Stadia thất bại? - Ảnh 1.
Thư viện Stadia chỉ giống như đứa trẻ mầm non nếu so với Xbox Game Pass hay PS Now

Những studio này tạo ra một kho game độc quyền khổng lồ dẫn tới một thư viện game đồ sộ cho các dịch vụ thuê bao trả phí hàng tháng của Sony và Microsoft. Để so sánh, Google Stadia hiện có hơn 30 đầu game với mức phí 9,99 USD/tháng, mức giá này là tương đương PlayStation Now của Sony với hơn 800 đầu game và cũng tương đương Xbox Game Pass với hơn 100 đầu game.

Lợi thế lớn nhất của Stadia là tính đa nhiệm, đa nền tảng, nhưng thư viện game ít ỏi và không có các game độc quyền vẫn là thứ khiến game thủ không lựa chọn dịch vụ này.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất chính là việc Google đã loại bỏ đội ngũ studio nội bộ và coi Stadia như một nền tảng bên thứ ba cho các nhà phát triển. Không có nhà phát triển bên thứ nhất, Google sẽ phải đi đàm phán với các đối tác để đưa game lên thư viện của mình, điều này đồng nghĩa với việc Google phụ thuộc hoàn toàn vào sự chấp thuận hay từ chối của đối tác. Đây là một thế vô cùng bị động, bởi ngay cả trong lĩnh vực phim ảnh, Netflix, Apple hay Disney ngày nay đều tự sản xuất các series origin, tức những phim độc quyền trên nền tảng của mình.

Thị trường game đám mây chưa chín

Năm 2009, OnLive đã trở thành công ty đầu tiên ra mắt dịch vụ đám mây nhưng mau chóng thất bại trong việc tìm kiếm thị trường. Một thập kỷ trôi qua, thị trường game đám mây vẫn chưa thể đạt được kỳ vọng vốn có. PlayStation 5 vẫn cháy hàng và thị trường tiêu thụ đĩa game hay game tải về vẫn đang tăng trưởng tốt trong mùa Covid-19.

Tham vọng để cho bất cứ ông lớn nào trở thành Netflix trong ngành game vẫn còn đó, nhưng không hề dễ hiện thực hóa nó. Với lĩnh vực game, phải mất một khoảng thời gian rất dài để game thủ quen với khái niệm sở hữu game trên các cửa hàng trực tuyến thay vì sở hữu đĩa vật lý.

Với game đám mây, tình hình còn tệ hơn thế khi người mua không sở hữu cái gì cả. Những gì họ có là thư viện game thay đổi theo thời gian và phải chơi nhanh trước khi nó biến mất.

Vì sao Google Stadia thất bại? - Ảnh 2.

Trải nghiệm game đám mây hiện vẫn chưa sẵn sàng

Nhưng quan trọng nhất chính là công nghệ đối với đám mây hiện vẫn chưa đủ mạnh để đem đến trải nghiệm tốt nhất. 5G vẫn là một câu chuyện của thì tương lai trong khi cáp quang chưa đạt đến tốc độ đủ nhanh để đem đến một kết nối ổn định mượt mà.


Nhiều nơi ở Mỹ và châu Âu, tốc độ mạng Internet cao đồng nghĩa với chi phí phải trả nhiều hơn. Điều này dẫn tới chi phí cho trải nghiệm game đám mây tiêu chuẩn 4K 60fps là một thứ gì đó tương đối xa xỉ ở thời điểm hiện tại.

Hơn thế nữa, câu chuyện thiết bị bất kỳ cũng có thể trải nghiệm game đám mây là điều không tưởng. Ít nhất, thiết bị đó phải đủ mới để hỗ trợ các công nghệ kết nối tiêu chuẩn như 5G hoặc nền tảng hệ điều hành đời mới như Windows 10.

Như vậy, nếu vẫn phải mua máy mới rồi phải trả phí chơi game đám mây hàng tháng, lý do gì để game thủ không mua luôn đĩa game vật lý hoặc game tải về? Đó là chưa kể, đĩa game vật lý có thể bán lại khi cần còn game tải về sẽ thuộc sở hữu vĩnh viễn của người mua chừng nào cửa hàng trực tuyến đó còn tồn tại.

Điều này có nghĩa là game thủ sẽ chỉ coi Stadia như một giải pháp phụ khi không thể trải nghiệm trên hệ máy chính, chứ khó lòng có thể dùng nó để thay thế cho dòng chính như PlayStation, Xbox hoặc Switch.