Có thể nói, đã có một thời gian dài những bộ phim Việt Nam lấy đề tài nông thôn dường như trở thành đặc sản trên truyền hình. Nhưng rồi vì rất nhiều yếu tố tác động, từ cả phía nhà sản xuất, biên kịch, diễn viên, đặc biệt là ngoại cảnh chính là điều cản trở có thêm những bộ phim về nông thôn và người nông dân tiếp theo ra đời.
Phim về cuộc sống nông thôn đã từng chiếm spotlight vì sự chân thực và mộc mạc
Vẫn nhớ, vào năm 2002, khi bộ phim Đất Và Người lên sóng đã thu hút được sự chú ý vượt trội hẳn so với những bộ phim cùng thời. Với những tình tiết hiện lên từ cuộc sống thường nhật là mâu thuẫn giữa hai dòng họ Trịnh – Vũ ở làng Giếng Chùa, và sự vận động của làng quê thời kì đổi mới khiến nhiều mối quan hệ đứng ở ranh giới đổ vỡ. Người có tuổi thì nhất nhất bảo thủ, giữ nguyên lề thói cũ, để rồi những thù hằn cá nhân cứ thế lớn lên, bao trùm và chi phối hạnh phúc của các bạn trẻ. Sau bộ phim, cố nghệ sĩ Hán Văn Tình đã không còn được khán giả gọi bằng tên thật, người ta vẫn nhớ đến cố nghệ sĩ với cái tên Chu Văn Quềnh.
Cố nghệ sĩ Chu Văn Quềnh
Sau này, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tiếp tục làm mưa làm gió với hai phần của bộ phim với tên Ma Làng (2007) và Làng Ma 10 Năm Sau (2014). Nội dung phim xoay quanh câu chuyện của làng Bâm Dương vào những năm 80. Ở đó có những con người đang sống nhưng đáng sợ hơn cả bóng ma vô hình mà người ta vốn kinh hãi. Ông Tòng (NSND Bùi Bài Bình) – một người trưởng thôn thức thời nhưng mưu mô và thủ đoạn. Rồi Ất (Kiên Cường) – con trai ông Tòng cũng là người ma mãnh không kém bố. Những người dân thấp cổ bé họng, chịu những áp bức đến trì trệ và u mê cuối cùng vẫn là những người nhận đau khổ.
NSND Bùi Bài Bình
Một cảnh trong phim Ma Làng
Sau 10 năm, bộ phim được đánh giá là bình cũ rượu mới, tuy nhiên vẫn khiến khán giả hào hứng. Sau cái chết của bố, Ất không thể nào vênh váo như trước, anh tìm đến những người có chức quyền cao hơn để tìm cơ hội đổi đời. Giống như Ất, những người dân nghèo cũng "chạy đua" để có cuộc sống giàu sang về vật chất nhưng lại bỏ hẳn những điều kiện đến từ tri thức và trình độ. Chính cách nhìn cuộc sống ở bề nổi đã khiến biết bao số phận rơi vào bi kịch.
Đất Và Người, Ma Làng 2 phần, Gió Làng Kình, Bí Thư Tỉnh Uỷ hay gần đây là Thương Nhớ Ở Ai… đều là những bộ phim gây ấn tượng rất mạnh cho khán giả. Thế nhưng dần dà, những nội dung về cuộc sống nông thôn ngày trước, hay trong thời kì cựa mình đổi mới đã phải nhường spotlight cho các bộ phim về đời sống hiện đại, đời sống Tây hoá xa xỉ.
Đội ngũ làm phim chùn bước vì những khó khăn ngoại cảnh
Một sự thật đã được các nhà làm phim chia sẻ, đó là có những đoàn phải đợi đến vài tháng trời chỉ để quay được vài tiếng trên cánh đồng lúa vào vụ mùa. Rồi để quay được ở một cái cổng làng cổ, họ phải chạy vạy khắp nơi để không phiền tới người dân. Và khó hơn cả, đó là tìm được một vùng vẫn còn nhà gỗ, mái ngói, những gian chợ đất,… để quay được những cảnh sinh hoạt cộng đồng.
Gần như còn rất ít làng quê xây tường thấp như thế này vì sợ... trộm
Cuộc sống hiện đại dần, nhu cầu của người dân cần được nâng cao, họ cần nhà gạch kiên cố chứ không thể ở mãi nhà tranh vách đất, họ cần có những thiết bị thiết yếu để đảm bảo chất lượng cuộc sống. Rồi những khu công nghiệp thay cho cánh đồng lúa. Những cổng làng dần được tôn tạo vì đó là bộ mặt của cả ngôi làng. Còn người nông dân, họ dần trở thành những người công nhân nhà máy. Đó là sự vận hành tất yếu của cuộc sống, dù muốn hay không thì các nhà làm phim đều không thể tác động.
Kiếm được những bối cảnh như thế này quả thực rất khó
Bối cảnh là một chuyện, nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Trong thời đại mà người ta cần được ăn ngon, mặc đẹp chứ không còn đơn thuần là ăn no, mặc ấm, thì thứ khó nhất mà các nhà làm phim cần can thiệp đó là tạo hình nhân vật. Diễn viên lành nghề, rõ ràng họ chấp nhận hoá trang xấu, thậm chí cắt tóc, nhuộm lại… thế nhưng còn dàn diễn viên phụ được thuê thời vụ hay diễn viên quần chúng, bao nhiêu người trong số họ sẵn sàng thay đổi bản thân chỉ để lên phim một vài khung hình.
Thêm nữa, thay vì định hình thị hiếu khán giả, các nhà làm phim đang dần đi theo nguyện vọng của khán giả. Bởi thời gian để thuyết phục khán giả yêu thích hướng đi của mình sẽ rất lâu, rất khó so với việc đi theo con đường khán giả đang lựa chọn.
Những câu chuyện nông thôn dần trở nên xa lạ với khán giả bởi đô thị hoá
Sống trong một xã hội mà người ta đã không còn mặc áo yếm, áo nâu sòng rồi đi guốc mộc, thì những điều giản đơn như vậy bỗng trở nên hoàn toàn xa lạ. Sống trong một xã hội mà đi làm về, ai vào nhà đó, khoá cửa im ỉm, hàng xóm ở với nhau cả năm có khi chẳng biết tên, thì những chia ngọt sẻ bùi của láng giềng là một điều khó hình dung. Và nhất là, khi phần lớn đối tượng tiếp nhận phim ảnh là các bạn trẻ - những người luôn khao khát được vùng vẫy dưới bầu trời Tây, thì trong mắt đại bộ phận khán giả này việc tái hiện cuộc sống xưa cũ giống như đang ôn nghèo kể khổ.
Con đường đi qua chùa Tây Mỗ - con đường lên hàng trăm phim Việt
Nông thôn vẫn luôn là một đề tài hay, chứa đựng nhiều câu chuyện ý nghĩa, hy vọng các nhà làm phim sẽ sớm tìm ra hướng khai thác để những câu chuyện được cho là xa lạ sẽ sớm trở nên thân quen hơn với khán giả Việt.