Ở trên xe bus hay các phương tiện công cộng, nhường chỗ cho người già yếu, bệnh tật, tàn tật và phụ nữ mang thai vẫn luôn được xem là hành động thể hiện văn minh, lịch sự.
Tuy nhiên không phải lúc nào người ta cũng sẵn sàng từ bỏ chỗ ngồi của mình. Mỗi người lại có một lý do khác nhau, cả khách quan lẫn chủ quan nhưng về cơ bản, quyết định này thường xuất phát từ những tâm lý dưới đây!
Không phải người nào cũng đáng được nhường ghế
Cách đây ít lâu, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip cụ ông mắng nhiếc một nam sinh không thương tiếc vì không nhường ghế cho mình. Ngay cả khi cậu bạn đã nhường ghế và xin lỗi, cụ ông vẫn dùng những lời lẽ mạt sát đến mức cậu bật khóc nức nở.
Sau khi đoạn clip được xuất hiện, nhiều người đã bày tỏ sự bất bình thay cho cậu bạn. Có người cho rằng nhiều người đã có tuổi nhưng chưa có cách ứng xử phù hợp, thường dựa vào tuổi tác để gây khó dễ với người trẻ.
Tình huống này không chỉ ảnh hưởng đến người phải nhường ghế mà còn gây không khí gượng gạo trên chuyến xe. Nói rộng ra, hình ảnh của người già nơi công cộng cũng bị tổn hại ít nhiều, khiến nhiều người không muốn nhường ghế hoặc hành động trong miễn cưỡng.
"Tôi thấy mệt mỏi"
Sau một ngày làm việc vất vả, ai cũng thấy mệt mỏi và muốn được nghỉ ngơi trên quãng được về nhà.
Chiều hôm trước, tôi và một người bạn cùng tan làm bằng xe bus. Trên đường về, cậu ấy ngủ thiếp đi, ngay cả mấy lần xe phanh gấp cũng không tỉnh. Để kiếm tiền, cậu ấy đi làm văn phòng vào ban ngày, buổi tối chạy xe taxi, hôm nào cũng quá nửa đêm mới được ngủ. Áp lực cuộc sống đè nặng, cậu ấy ngủ gật trên xe bus như vậy là chuyện dễ hiểu.
Không riêng gì anh bạn kia mà ngày càng nhiều người trẻ kiệt sức vì cơm áo gạo tiền. Với họ được gà gật trên xe bus trở thành khoảng thời gian quý báu nhất trong ngày nên hoàn toàn có thể thông cảm khi họ không nhường ghế.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không phải người nào ở trên xe bus cũng mệt mỏi thực sự. Nhiều người chỉ giả vờ mệt và lấy đó làm cớ để không nhường ghế cho những người yếu thế mà thôi. Nên hay không nên làm như vậy, trong lòng mỗi người tự có đáp án.
Chuyện của người khác không liên quan đến mình
Có một câu nói thế này: "Mỗi người tự quét tuyết trước cửa, đừng để ý ngói nhà người khác phủ sương". Tức là mỗi người tự quản tốt việc trong nhà mình là được, không cần đi lo chuyện nhà người khác.
Thành phố đông đúc, con người cũng có nhiều cách giao tiếp nhưng kết nối giữa người với người ngày càng lỏng lẻo. Trong một khu dân cư, hàng xóm sát vách hay lầu trên lầu dưới cũng có thể không biết nhau và không chào hỏi khi gặp mặt. Thậm chí nhiều người có ý nghĩ đề phòng lẫn nhau, sợ người khác quấy rầy mình.
Sự thận trọng này không sai bởi người thành thị đến từ tứ phương, không rõ lai lịch, gốc gác thế nào. Nhưng khi một người không muốn để ý đến người thực sự yếu thế thì nên suy nghĩ lại. Cứ thử tưởng tượng, khi bạn đau yếu nhưng không ai giúp đỡ bạn thì cảm giác sẽ thế nào?
Không quan tâm đến ý kiến bên ngoài
Có một nghiên cứu đưa ra kết quả rằng 80% người làm việc tốt như nhường ghế trên xe bus để giữ hình ảnh của mình với xã hội, chỉ có 20% là vì lòng tốt. Điều này có nghĩa là nhiều người nhường chỗ trên xe bus chỉ vì muốn giữ hình ảnh, nếu chịu được ánh mắt của người khác thì cứ việc ngồi yên.
Nhưng có người không những không chịu nhường ghế mà còn cả gan "giáo dục" người khác về hành động này.
Trên chuyến xe bus nọ, một bà cụ chống nạng bước lên xe. Vì di chuyển khó khăn nên bà cụ đứng chần chừ ở ngay đầu xe. Cậu thanh niên ngồi ở chiếc ghế gần bà cụ nhất không chịu đứng dậy mà còn gắt gỏng: "Nhìn gì? Không thấy tôi đang bận à? Sao mọi người không nhường ghế cho cụ đi?".
Trước cảnh tượng này, một cô gái ở gần đó đã đỡ bà cụ và nhường ghế của mình. Chàng trai tiếp tục cúi đầu vào điện thoại để chơi game. Hóa ra đây là việc anh ta đang bận. Đúng là làm người thì phải mặt dày nhưng phải biết tùy trường hợp và có chừng mực.
Sợ gặp phiền phức
Gặp phiền phức khi làm việc thiện không phải chuyện hiếm nên không ít người lo sợ mình sẽ gặp rắc rối vì giúp đỡ người khác.
Nhưng bạn phải tin rằng "trên đời vẫn còn nhiều người tốt". Chỉ cần có một trái tim chân thành thì những gì bạn làm sẽ sớm được chứng minh, giống như bạn ngay thẳng thì sẽ không sợ người khác tạt nước bẩn.
Tất nhiên, khi gặp phải những "kẻ yếu" nhưng ngang ngược và vô lý, bạn phải đề cao cảnh giác, đừng để người ta qua mặt. Hơn nữa về lý mà nói, ngay cả khi không nhường ghế thì bạn cũng không sai.
Tóm lại, trên xe bus hay bất cứ đâu, chỉ cần mọi người nhường nhịn nhau một chút là sẽ tạo nên không khí hài hòa, cuộc sống vui vẻ!
Nguồn: Tổng hợp