Thời gian qua, danh hài Xuân Hinh tích cực giới thiệu với khán giả về khu di tích Linh từ Uống nước nhớ nguồn và Bảo tàng Đạo Mẫu của mình, gây bất ngờ trong công chúng và được đón nhận rộng rãi.
Không chỉ thế, công trình này còn được tạp chí Domus bình chọn vào top 14 công trình kiến trúc hay nhất thế giới, khiến nhiều người tò mò.
Xuân Hinh từng tiết lộ, anh dành toàn bộ số tiền tích cóp được trong hơn 40 năm đi diễn của mình để xây dựng nên công trình này, trong suốt hàng chục năm trời, với biết bao mồ hôi nước mắt.
Để hoàn thành được công trình có diện tích lên tới 5.000m2, Xuân Hinh đã phải đổ vào rất nhiều tiền của và công sức, tâm huyết. Tổng tiền xây dựng ước chừng lên tới vài trăm tỷ đồng.
Xuân Hinh làm việc cùng kiến trúc sư Nguyễn Hà
Công trình không xây dựng tự phát mà được chỉ đạo thiết kế công phu bởi bàn tay của kiến trúc sư tài năng Nguyễn Hà - kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng danh giá Moira Gemmill (giải thưởng dành cho các nhà thiết kế nữ trẻ tuổi triển vọng nhất thế giới dưới 45 tuổi).
Nơi đây được dựng lên từ 5 triệu viên ngói và 1 triệu viên gạch thất cổ, đều là loại gạch, ngói được làm thủ công bằng tay. Vì giờ các sản phẩm này đều không còn sản xuất, nên thu thập được không dễ. Xuân Hinh phải đi khắp các làng ngói, làng gạch để xem nhà nào còn thì thu mua về, với số tiền lớn.
Tại cơ ngơi của mình, Xuân Hinh trồng nhiều cây cổ thụ có tuổi đời lên đến 40 - 50 năm, được mang nguyên gốc về. Theo danh hài mô tả, các cây cổ thụ này có thế đứng và dáng như bàn tay đang hướng lên trời, rất phong thủy.
Ngoài ra, nơi này còn bày rất nhiều hiện vật, đồ cổ đắt giá như sập gụ, bàn ghế gỗ, tượng, máy quay sợi, đồ gốm sứ, tranh… được Xuân Hinh dụng công sưu tầm trong nhiều năm trời, với số tiền ước tính lên đến vài chục tỷ đồng.
Xuân Hinh rất khó tính và kỹ càng khi xây dựng, đòi hỏi phải tỉ mỉ, chỉn chu đến từng chi tiết. Anh chia sẻ: "Ngày xưa ở đây nhiều đội xây lắm, có mấy đội cứ tới là kêu 'chưa thấy công trình nào như của ông này, phải cầm từng viên gói mỏng dính lắp vào'. Xây công trình kiểu này khá vất vả, tuyển công nhân đã khó, tuyển thợ có bàn tay vàng để lắp từng viên gạch, viên ngói vào càng mệt hơn.
Nhiều thợ vào đây làm được hai tiếng đã thấy dọn đồ bỏ đi. Tôi đã bảo: Cháu cứ làm đi, mai bác lên, bao tiền bác gửi. Có vấn đề gì mày cứ nói chuyện với bác, mày muốn gì bác chiều mày. Họ vâng dạ, song làm được thêm vài tiếng nữa rồi vẫn tiếp tục dọn đồ.
Tôi nghe người trông coi ở đây báo, lại phải gọi điện thuyết phục rằng có gì bác chiều hết. Họ tiếp tục làm thêm tiếng nữa rồi lại dọn đồ. Tôi hỏi muốn gì họ cũng không nói, vẫn kiên quyết bỏ đi. Tôi không chịu nổi nữa, cho dọn luôn.
Suốt 4 năm trời tôi ở đây chỉ để đi theo thợ xem họ làm thế nào. Tôi là người yêu cái đẹp nên bất kể ai làm cái gì đẹp tôi đều mê, hát hay cũng mê".
Dù bỏ ra nhiều công sức, tâm huyết và tiền bạc để xây dựng một công trình lớn như vậy nhưng Xuân Hinh không đem ra kinh doanh mà chỉ để bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật và phát huy chúng cho thế hệ kế cận.
Toàn bộ công trình được xây dựng theo phong cách làng cổ Bắc bộ, đậm nét văn hóa. Xuân Hinh lồng ghép rất nhiều kiến thức về phong thủy, văn hóa, văn học vào nơi đây để truyền đạt tới mọi người. Ví dụ, anh để một cây cau cuốn trầu không và nhiều bình vôi cổ bên dưới để gợi nhớ sự tích trầu cau, một đạo lý của cha ông.
Nghệ thuật chèo đã dạy cho Xuân Hinh những ngón nghề ca hát, diễn múa, pha trò, quăng mảng miếng hài một cách duyên dáng, tinh tế, để từ đó lấn sân qua hài kịch thành công, trở thành Vua hài đất Bắc.
Vì vậy, Xuân Hinh luôn tâm niệm trong lòng phải làm điều gì để lưu giữ những loại hình nghệ thuật truyền thống đang dần mai một. Trong cơ ngơi của mình, anh xây dựng một khu gọi là Linh từ Uống nước nhớ nguồn với cả một thư viện lưu giữ toàn bộ tranh ảnh, sách báo, tư liệu về tuồng, chèo, hát văn, ca dao tục ngữ… Danh hài cũng bày nhiều sập gụ để làm nơi diễn xướng hát văn.
Anh nói: "Thư viện này lưu giữ toàn bộ tài liệu, sách về hát văn, hầu đồng, ca dao, tục ngữ, quan họ, ca trù… Nói chung là tinh hoa của văn hóa Việt. Trong các bức tranh dân gian này là những vai hề chèo, Thị Mầu lên chùa… Nhà này để nghiên cứu, sưu tầm, thể hiện và phát triển".
Công trình 5.000m2 của Xuân Hinh cũng là nơi bảo tồn, diễn xướng tín ngưỡng dân gian của người Việt. Danh hài xây dựng cả một Bảo tàng Đạo Mẫu, với đầy tủ tranh tượng, đồ đạc trong tín ngưỡng tứ phủ thờ Mẫu của người Việt như tranh tứ phủ, tranh Cô Chín, tượng Tam tòa Thánh Mẫu, tượng Đức Thánh Trần… Tất cả đều dựa vào chất liệu nghệ thuật dân gian như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ…
Xuân Hinh xây dựng nên nơi này trước hết để giáo dục con cháu trong gia đình. Anh nói: "Tôi không dám nói rộng nhưng trước hết để dạy con cái trong gia đình phải biết ơn tiền nhân, những người đã xây dựng, nuôi mình".
Tiếp đó, Xuân Hinh muốn có nơi duy trì, phát huy nghệ thuật truyền thống qua việc đào tạo các tài năng trẻ. Anh chia sẻ: "Nếu tôi còn khỏe, tôi sẽ cố làm một nơi tuyển các cháu có năng khiếu với nghề, có tâm có đức nhưng hoàn cảnh khó khăn như tôi về đây để đào tạo nghề.
Tôi sẽ mời các thầy cô có chuyên môn, giỏi về để dạy cho các cháu, giúp đỡ các cháu, cho các cháu cái nghề. Ngày xưa tôi rất khổ, khó khăn nên muốn được giúp đỡ các cháu như vậy. Giờ cứ nhớ lại quá khứ đó là tôi muốn khóc.
Nhưng cái này phải là năng khiếu thật sự chứ tuyển cũng không được. Không có năng khiếu thì dạy xong cũng chẳng thành gì cả".
Ngoài ra, Xuân Hinh cũng muốn lưu giữ lại sự nghiệp của chính mình, nên anh bài trí nhiều tranh ảnh, sách báo về các vai diễn anh từng thực hiện. Thậm chí, ngay ở gian đầu còn có chiếc xích lô gắn liền với nam danh hài trong vở Người ngựa, ngựa người. Anh nói: "Nhờ vở diễn này mà tôi kiếm được nhiều tiền, góp lại xây nên khu Linh từ".
Qua những nét trên, có thể thấy được nhiều giá trị về kiến trúc, văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật trong cơ ngơi 5.000m2 của Xuân Hinh.