Khởi tố cần phải có dấu hiệu tội phạm
Liên quan đến vụ cháy chung cư Carina khiến 13 người tử vong ở Q.8 (TP Hồ Chí Minh) trả lời báo chí, tối 25/3, lãnh đạo Công an TP cho biết, các cơ quan chức năng vẫn đang gấp rút tiến hành điều tra và chưa khởi tố vụ án.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, khiến 13 người tử vong, gần 100 người bị thương như vậy mà đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành khởi tố để điều tra.
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, Hà Nội) cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành thì một vụ án hình sự chỉ được khởi tố khi đã xác định được có dấu hiệu của tội phạm.
Ông Cường viện dẫn Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 và cho hay, một hành vi có được coi là tội phạm hay không căn cứ vào 4 yếu tố: tính trái pháp luật hình sự, tính nguy hiểm cho xã hội, tính phải chịu hình phạt, tính có lỗi.
Trong đó, dấu hiệu về tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản, quan trọng, quyết định các dấu hiệu khác.
Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ: tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố của cơ quan Nhà nước; cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; người phạm tội tự thú.
Hiện trường vụ cháy chung cư Carina.
Luật sư Cường cũng nêu rõ, trong vụ cháy chung cư này, việc xác định có dấu hiệu tội phạm hay không thì các cơ quan tố tụng sẽ phải làm rõ nguyên nhân phát sinh cháy nổ và có hay không việc, tại sao hệ thống PCCC không hoạt động để dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng như vậy.
Đây là yếu tố quyết định để xác định có hành vi vi phạm pháp luật hay không để khởi tố vụ án hình sự.
Nếu có hành vi chủ ý có thể phải chịu trách nhiệm về tội Giết người
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Hà Nội) cũng nhìn nhận, vụ cháy chung cư Carina vào sáng 23/3 là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về con người và tài sản, tuy nhiên, việc giám định tìm nguyên nhân cháy nổ và hệ thống PCCC không hoạt động là rất phức tạp nên cần thận trọng. Cũng cần làm rõ vấn đề liên quan đến trách nhiệm của nhiều cá nhân, tổ chức.
"Khi có kết luận sơ bộ ban đầu của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân cháy nổ, cũng như hệ thống PCCC không hoạt động khi có sự cố thì mới có cơ sở để xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không", luật sư Thơm phân tích.
Luật sư cho biết thêm, các cơ quan chức năng cũng cần phải xác định nguyên nhân cháy nổ ở đây là hành vi có chủ ý hay không. Nếu qua việc giám định nguồn gây cháy nổ có dấu vết của vật liệu nổ gây ra thì đây được xác định là hành vi cố ý.
Theo quy định của pháp luật, người nào gây ra sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về tội Giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 và tội Hủy hoại hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015.
Đối với tội Giết người, hình phạt cao nhất là tử hình, còn với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có thể bị phạt tù với mức cao nhất là 10 - 20 năm tù và còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng.
Theo thông tin, thì PCCC quận 8, TP HCM nói một năm kiểm tra 2 lần về công tác phòng cháy chữa cháy của chung cư Carina Plaza. Tuy nhiên, theo người dân, họ không nghe thấy tiếng chuông mà người dân tự động báo nhau.
Theo luật sư Thơm, đây là vấn đề cần được làm rõ trách nhiệm của ai, sai đến đâu. Như vậy, có thể thấy chung cư Carina đã được cấp giấy phép đủ điều kiện về PCCC và đã được thanh tra, kiểm tra định kỳ.
Tuy nhiên, thực tế khi cháy nổ xảy ra thì hệ thống PCCC lại không hoạt động nên đã gây ra hậu quả thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Do đó, cần phải xem xét việc cấp giấy phép PCCC cũng như quá trình kiểm tra định kỳ đã thực hiện đúng quy định hay chưa.
Nếu có sai phạm trong việc thanh tra, kiểm tra PCCC thì cá nhân hoặc đơn vị sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 BLHS 2015.
Chủ đầu tư Carina Plaza ở đâu sau thảm họa? (nguồn: VTC1)