01
Hồi năm 3, năm 4 đại học, tôi từng có cơ hội tham gia một khóa trao đổi tại ngôi trường "xịn" nhất lúc bấy giờ. Điều khiến tôi ấn tượng không phải là giáo sư giỏi ra sao, sinh viên thông minh thế nào, mà là bầu không khí học hành ngùn ngụt như thi đua.
Mỗi mùa thi, phòng tự học sáng đèn tới khuya. Giờ lên lớp không thiếu vắng ai. Ngay cả khoảng nghỉ 20 phút giữa tiết, khắp trường vẫn là hình ảnh mọi người vừa gặm bánh mì vừa hối hả đi học ca tiếp theo. Không ai than mệt, không ai kêu sống vội. Cứ thế, họ lao vào học và hoạt động ngoại khóa như thể ngày mai không còn kịp nữa.
Tôi từng tự hỏi: sao ai cũng có thể miệt mài như thế?
Sau này tôi mới hiểu, điều khiến họ nổi bật không phải chỉ vì thông minh hay tài năng, mà là tinh thần sống và học tập với tiêu chuẩn cao. Họ không cần ai nhắc nhở. Họ coi việc nỗ lực là điều đương nhiên.
Ảnh minh họa: Paco_Yao
Tôi từng đọc trong một quyển sách đoạn trích rất tâm đắc thế này: "Đối với một người trưởng thành, tiêu chuẩn đến từ nội tâm của chính người đó, nhưng phần lớn mọi người lại chịu ảnh hưởng từ môi trường sống xung quanh. Khi một người trẻ học tại một trường đại học tầm trung, họ sẽ tự giác hạ thấp tiêu chuẩn của bản thân để thích ứng với hoàn cảnh, giảm bớt sự xung đột giữa mình và môi trường xung quanh. Và hành động này có lẽ sẽ tác động nghiêm trọng đến cuộc đời của họ".
"Vì đã trải qua cảm giác thất bại khi thi cử nên những sinh viên của các trường đại học hạng hai hạng ba cũng mặc định tiêu chuẩn của bản thân theo lẽ đó. Môi trường học tập, các giáo viên cư xử không đúng chức trách, bạn bè buông thả sẽ vô hình trung khiến họ cảm thấy thất vọng. Cứ thế, họ cũng tự cảm thấy hài lòng với cuộc sống ở tiêu chuẩn thấp của mình".
Đây là một điều rất đáng buồn.
Thực tế, mỗi sinh viên khi bước vào cổng trường đại học đều ôm trong mình tinh thần nỗ lực học tập, trường đỉnh hay trường thường đều có sinh viên xuất sắc và những sinh viên đặc biệt chăm chỉ, thế nhưng vì sao theo thời gian, số lượng những sinh viên như vậy lại giảm bớt?
Chính là vì họ đã "tự giác hạ thấp tiêu chuẩn của bản thân để thích ứng với hoàn cảnh, giảm bớt sự xung đột giữa mình và môi trường xung quanh, tự cảm thấy hài lòng với cuộc sống ở tiêu chuẩn thấp của chính mình".
02
Nhiều người thắc mắc: Tại sao các công ty lớn thường tuyển sinh viên trường top, dù sinh viên trường thường cũng giỏi, cũng chăm chỉ?
Thật ra, không phải họ đòi hỏi GPA 4.0 hay bảng thành tích khủng. Thứ họ muốn là tinh thần. Là trạng thái bên trong bạn.
Có người nói: "Những người trẻ kiếm tiền tỷ một năm dù lương rất cao nhưng vẫn chọn làm việc đến nửa đêm. Hơn nữa, trạng thái của họ cũng khác, mỗi ngày họ sẽ đều cảm thấy phấn khởi vì đã giúp thế giới tốt đẹp hơn một chút, nói chung suy nghĩ rất tích cực. Họ không coi sự vất vả của mình là vất vả, cũng không phải làm việc chăm chăm chỉ vì tỷ này tỷ kia. Họ chấp nhận vất vả như một cách để thực hiện hóa mục tiêu, mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho chính mình. Thế giới này là vậy đấy, sẽ luôn có một nhóm người ngày đêm không ngừng tiến lên, nhóm còn lại thì thức dậy và phát hiện thế giới thay đổi rồi".
Trong khi đó, rất nhiều người trong chúng ta lại quen với việc thỏa hiệp với sự dễ chịu :
Làm việc vài hôm đã thấy quá sức.
Tăng ca một chút đã kêu bất công.
Đọc vài trang sách đã nghĩ mình đang phát triển.
Gặp khó khăn liền nản, đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Chúng ta ngưỡng mộ người giỏi, nhưng lại không thoát được lời nguyền "thôi kệ, sống đủ là được rồi".
Ảnh minh họa: Paco_Yao
Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa 100% sinh viên trường điểm đều giỏi nhưng nói rộng ra, gần mực thì đen gần đèn thì rạng, một người thường sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường họ sống.
"Một sinh viên đại học tầm trung mà có thể can đảm bắt bản thân phải đi theo tiêu chuẩn của sinh viên các trường danh tiếng mới là đúng đắn nhất, người này chắc chắn sẽ thu về không ít điểm lợi" - câu này tôi thấy rất đúng.
03
Gần đây tôi có nói chuyện với một giảng viên đại học. Khi nhắc đến chuyện sinh viên nên học theo tiêu chuẩn của sinh viên trường top, cô chỉ thở dài: "Khó lắm em. Trình độ lệch nhau nhiều. Chỉ có vài sinh viên ra trường rồi mới bắt đầu hiểu".
Nhưng đáng tiếc là, nếu ngay khi còn trên ghế nhà trường đã không tự ép mình theo tiêu chuẩn cao, thì khi bước vào xã hội, mọi thứ sẽ còn khó khăn gấp bội. Vì người biết cố gắng thường phải lặng lẽ một mình. Còn số đông luôn chọn điều dễ dàng.
Tôi từng bảo với chị gái: "Ở thủ đô khác các đô thị nhỏ chỗ nào à? Là ở chỗ người giỏi thì càng cố gắng, người giàu thì càng chăm chỉ hơn".
Cô bạn tôi sắp sinh đôi, bầu to vượt mặt nhưng vẫn quản lý ba công ty. Không ai ép cô làm thế. Cô làm vì cô muốn. Một người bình thường, nhưng sở hữu tinh thần không bình thường.
Sau khi ra xã hội được 9-10 năm, sự khác biệt về danh tiếng ngôi trường bạn từng theo học hay chất lượng bằng cấp ra sao sẽ dần trở nên nhạt nhòa, điều được chú trọng hơn chính là kinh nghiệm cá nhân, sự từng trải cũng như mức độ thay đổi của xã hội. Có những người cuộc sống sẽ càng ngày càng tốt và cũng có những người lại càng sống càng mất phương hướng. Nguyên nhân tạo ra sự khác biệt này chính là tinh thần bên trong.
Đơn giản mà nói, thái độ quyết định hành động, hành động quyết định kết quả. Bạn là một người tích cực, có chí tiến thủ hay là một người chỉ biết kể lể, lười biếng sẽ trực tiếp quyết định cuộc sống sau này của bạn sẽ ra sao.
Rõ ràng, ở ngoài kia, chúng ta đã thấy rất nhiều người hồi đi học có thành tích hết sức bình thường nhưng sau này lại trở nên vô cùng xuất sắc. Họ có được điều này nhờ sự rèn luyện và phát triển bản thân không ngừng nghỉ. Còn với những cá nhân có xuất thân từ trường danh tiếng, ngay từ đầu họ đã đặt cho mình những tiêu chuẩn và yêu cầu hết sức hà khắc. Bản thân họ sinh hoạt giữa một trường như vậy, xung quanh cũng là những người mang tinh thần tương tự. Nhưng dù những người này giàu có thế nào, điểm chung giữa họ chính là sự cố gắng và chăm chỉ.
Thật khó để nói một cách rõ ràng rằng trường top đầu và trường tầm trung khác nhau điểm nào, là đầu ra và thu nhập sau tốt nghiệp hay là chất lượng cuộc sống sau này không giống nhau. Nhưng nếu đổi một góc độ khác, nhìn từ cách thức tư duy và thái độ làm việc, sự tự hạn chế, sự tiến bộ, sự cạnh tranh, sự dũng cảm mà môi trường trường top mang đến cho bạn sẽ để lại nhiều ảnh hưởng tích cực, không chỉ đến riêng bạn mà nhiều thế hệ sau nữa. Tiền bạc, của cải rất khó để dành lại cho thế hệ sau, nhưng truyền thống tinh thần có thể được lưu truyền mãi mãi.
Ảnh minh họa: Paco_Yao
Sinh viên trường bình thường khi bước vào xã hội rồi cũng sẽ đạt được thành tựu, cũng sẽ có khí chất của người thành công. Nhưng họ phải nỗ lực nhiều hơn, trả giá nhiều hơn. Để rồi, họ có tự tin mà đứng ngang hàng với những nhân tài bước ra từ trường top, cùng nhau tỏa sáng, cùng nhau tạo ra những vinh quang của riêng mình.
04
Vậy chúng ta cần làm gì? Đơn giản lắm, hãy nhớ kỹ câu nói dù học trường thường cũng phải yêu cầu bản thân đi theo tiêu chuẩn như những sinh viên trường top, dù có thể bạn sẽ không trở thành một người xuất chúng nhưng ít nhất cũng sẽ không sống uổng một đời. Những sinh viên bình thường của những trường đại học tầm trung tự đặt ra yêu cầu cho bản thân theo tiêu chuẩn của những sinh viên các trường danh tiếng, người bình thường yêu cầu bản thân theo tiêu chuẩn của người tài giỏi, cho dù không thể trở thành những người tài hoa xuất chúng đi chăng nữa thì chắc chắn cũng sẽ sống đúng một cuộc đời không lãng phí.
Có thể bạn không học ở ngôi trường danh tiếng, không sinh ra trong gia đình giàu có, không có điều kiện hơn người. Nhưng bạn có quyền chọn cách sống, chọn tiêu chuẩn để theo đuổi.
Đừng sống thỏa hiệp. Đừng thấy người khác buông thả mà mình cũng buông. Nếu bạn muốn chạm tay vào thế giới tốt đẹp hơn, cách duy nhất là tự đòi hỏi bản thân nhiều hơn.
"Bạn phải ép mình sống theo tiêu chuẩn của những người tài giỏi, dũng cảm bước đi giữa họ, thu hẹp khoảng cách giữa bạn và họ. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ phát hiện: bạn không còn lạc lõng giữa họ nữa vì bạn đã thật sự trở thành một người trong số họ rồi".