Theo thông tin từ trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, vào lúc 9h ngày 22/7 bão số 3 còn nằm ngay trên vùng biển ven bờ Hưng Yên, Ninh Bình.
Vị trí tâm bão, khoảng 20.2 độ Vĩ Bắc; 106.5 độ Kinh Đông, cách Hải Phòng khoảng 70 km về phía Đông Nam, cách Hưng Yên khoảng 10 km về phía Đông, cách Ninh Bình khoảng 25 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất: Cấp 9 (75-88 km/h), giật cấp 11.
Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10-15 km/h.
Dù có gió mạnh nhưng trời Hà Nội hửng nắng, không mưa trước thời điểm bão số 3 chuẩn bị đổ bộ đất liền
Theo ghi nhận, dù bão áp sát đất liền nhưng ven biển Hưng Yên hay tại một số địa phương như TP Hà Nội, Bắc Ninh dù có gió nhưng trời hửng nắng, trời quang mây tạnh. Không ít người bày tỏ thắc mắc về hiện tượng trên, liều rằng đây có phải tín hiệu cho thấy bão đã giảm cấp và không còn nguy hiểm?
Liên quan đến vấn đề trên, chia sẻ với báo Dân Việt, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đây là đặc điểm khá đặc biệt của bão số 3 lần này. Cơn bão này có cấu trúc mây dạng CDO (Central Dense Overcast) – tức là mây đối lưu dày đặc chủ yếu tập trung ở phía nam hoàn lưu bão.
Hôm qua (21/7), khi bão đi vào Vịnh Bắc Bộ, vùng mây dày đã bao phủ và gây mưa lớn trên diện rộng khắp Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội. Nhưng hiện nay, khi tâm bão đã dịch chuyển xuống phía nam, gần ven biển Hưng Yên và Ninh Bình, toàn bộ khối mây đối lưu mạnh cũng dồn về phía nam.
Vì vậy, sáng nay mưa lớn chủ yếu xuất hiện ở Thanh Hóa, Nghệ An và một phần Hà Tĩnh. Còn tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, mưa đã giảm, xuất hiện ngắt quãng và lượng không lớn.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các khu vực này đã hoàn toàn an toàn. Trong ngày và đêm nay, mưa vẫn sẽ còn xảy ra ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, nhưng theo kiểu mưa gián đoạn, từng đợt. Người dân vẫn cần đề phòng vì các đợt mưa cục bộ có thể xuất hiện bất ngờ, đặc biệt là trong vùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão.
Từ nay đến sáng mai (23/7) là giai đoạn mưa bão hoạt động mạnh nhất. Sau đó, mưa vẫn còn kéo dài đến khoảng ngày 25/7 ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Điều đáng lo ngại là mưa kéo dài trên nền đất đã bão hòa nước, làm tăng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng ở vùng trũng. Thanh Hóa và Nghệ An là hai tỉnh cần đặc biệt cảnh giác.
Chúng tôi khuyến cáo chính quyền các địa phương theo dõi sát các bản tin cảnh báo, chủ động sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.