Vì sao bão được đặt tên và bão châu Á thường mang tên các loài động thực vật?

Trung Hạ, Theo Phụ nữ Việt Nam 00:50 29/09/2022
Chia sẻ

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), các cơn bão nhiệt đới được đặt tên theo quy tắc ở từng khu vực.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), các cơn bão nhiệt đới được đặt tên theo quy tắc ở từng khu vực.

Bão Noru (trong tiếng Hàn có nghĩa là con hoẵng, hay được gọi là bão số 4 năm 2022 ở Việt Nam) là một cơn bão rất mạnh (siêu bão) được hình thành từ phía đông của Philippines.

Bão Noru đã đổ bộ lên Philippines vào chiều ngày 25/9 và đi vào Tây Bắc Thái Bình Dương sáng sớm 26/9. Đến ngày 27/9/2022, bão vào đất liền và được cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai tại bốn tỉnh Việt Nam gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ở cấp 4.

Vì sao bão được đặt tên và bão châu Á thường mang tên các loài động thực vật? - Ảnh 1.

Bão Noru

Vậy bạn có bao giờ thắc mắc vì sao bão được đặt tên và những cái tên này xuất phát từ đâu không?

Cách đặt tên bão thống nhất quốc tế là danh sách các tên gọi được quy định trước bởi các quốc gia và khu vực bị ảnh hưởng bởi bão nhiệt đới. Sau đó, thuận theo trình tự và xoay vòng sử dụng từ năm này sang năm khác. Bảng danh sách tên ban đầu là tiếng Latin, các quốc gia thành viên có thể dựa vào phiên âm hoặc ý nghĩa để chuyển đổi về quốc ngữ.

Khởi nguồn của tên bão

Khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương là nơi hoạt động của các cơn bão nhiệt đới thường xuyên nhất trên thế giới ngoài khu vực vịnh Mexico, Caribe và Bắc Đại Tây Dương.

Trước khi có nguyên tắc đặt tên thống nhất quốc tế, những khu vực bị một cơn bão ảnh hưởng gọi nó với những cái tên khác nhau.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization - WMO), các cơn bão nhiệt đới được đặt tên theo quy tắc ở từng khu vực.

Vì sao bão được đặt tên và bão châu Á thường mang tên các loài động thực vật? - Ảnh 2.

Bão nhiệt đới.

Vì sao bão được đặt tên và bão châu Á thường mang tên các loài động thực vật? - Ảnh 3.

Danh sách tên các cơn bão khu vực Đại Tây Dương trong năm 2021.

Năm 1950, Cơ quan Khí tượng Hoa Kỳ đã phát triển một hệ thống đặt tên bão theo bảng chữ cái (như Able, Baker, Charlie…). Cơn bão đầu tiên trong năm luôn có tên là “Able”, cơn bão thứ hai trong năm luôn có tên là “Baker”, cứ như vậy được sử dụng lặp đi lặp lại mỗi năm.

Đến năm 1953, phương pháp đặt tên kiểu này phát sinh bất cập vì đã có nhiều cơn bão mang tên giống nhau. Sau đó, tên các cơn bão sẽ được đặt theo tên phụ nữ. Cách làm này bắt chước các nhà khí tượng hàng hải, có thói quen đặt tên các con tàu theo tên phụ nữ. Nhưng sau đó đã bị phản đối bởi nhóm người theo chủ nghĩa nữ quyền vì gán ghép thiên tai cho hình tượng người phụ nữ.

Năm 1979, hệ thống này lại thay đổi lần nữa, các cơn bão được theo tên của cả phụ nữ và đàn ông.

Người ta nói rằng người đầu tiên đặt tên cho một cơn bão là nhà dự báo khí tượng người Úc, Clement Lange vào đầu thế kỷ 20. Ông đặt tên cho cơn bão nhiệt đới theo tên một nhân vật chính trị mà ông không thích. Nhờ đó, các nhân viên khí tượng có thể trêu chọc, mỉa mai công khai.

Để tránh nhầm lẫn tên gọi, cuộc họp lần thứ 30 của WMO tổ chức tại Hồng Kông từ ngày 25/11 đến ngày 1/12/1997 đã quyết định các cơn bão lốc xoáy nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và biển Đông nên được đặt tên đậm phong cách châu Á (thực vật, động vật…) và quyết định sử dụng cách đặt tên mới từ ngày 1/1/2000.

Cách đặt tên bão

Danh sách có tổng cộng 140 cái tên, lần lượt được đặt tên theo Tổ chức Khí tượng Thế giới tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm 14 nước: Campuchia, Trung Quốc, Triều Tiên, Hồng Kông, Nhật Bản, Lào, Ma Cao, Malaysia, Micronesia, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống lại thiên tai bão lụt, tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực.

Trong đó, mỗi nước đề xuất 10 cái tên, tập hợp thành danh sách 140 tên bão.

Vì sao bão được đặt tên và bão châu Á thường mang tên các loài động thực vật? - Ảnh 4.

Danh sách tên các cơn bão khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã được WMO thông qua.

Theo WMO, tên quốc tế của các cơn bão tại Việt Nam được đăng ký bao gồm: Sơn Tinh, Cỏ May, Ba Vì, Côn Sơn, Sơn Ca, Trà Mi, Hạ Long, Vàm Cỏ, Sông Đà, Sao La.

Trung Quốc đăng ký: Long Vương (đã thay thế bởi Hải Quỳ), Ngộ Không, Ngọc Thố, Hải Yến, Phong Thần, Hải Thần, Đỗ Quyên, Điện Mẫu, Hải Mã và Hải Đường.

Điều thú vị là tên của các cơn bão ở Tây Thái Bình Dương được sử dụng quốc tế vẫn hiếm khi có ý nghĩa về thảm họa, và hầu hết chúng đều mang ý nghĩa thanh lịch và hòa bình, chẳng hạn như hoa nhài, hoa hồng, ngọc trai, hoa sen, đám mây nhiều màu sắc... hoàn toàn không có một chút liên quan đến thiên tai bão lũ. Điều này là do nếu một cơn bão ập đến, nó có thể làm giảm bớt tình trạng hạn hán cục bộ và mang lại lượng mưa vừa đủ cho khu vực bị ảnh hưởng.

Việc đặt tên nhằm giúp xác định nhanh các cơn bão để thực hiện công tác tuyên truyền và cảnh báo. Đồng thời, giúp người dân dễ nhớ hơn so với các con số và thuật ngữ chuyên ngành.

Theo đó, các phương tiện truyền thông đưa tin về các cơn bão dễ dàng hơn, giúp người dân để ý các cảnh báo, từ đó tăng cường đối phó khi bão ập đến.

Việc sử dụng tên riêng, ngắn gọn cũng giúp việc thông báo bằng văn bản hoặc giọng nói diễn ra thuận lợi hơn, nhanh hơn và ít bị lỗi hơn so với phương pháp xác định cơn bão bằng kinh độ, vĩ độ khó nhớ, dài dòng. Những điều này tạo ra lợi thế quan trọng trong việc trao đổi thông tin chi tiết về những cơn bão.

Sử dụng tên

Việc đặt và sử dụng tên của các cơn bão trên thực tế do Trung tâm Khí tượng chuyên nghiệp khu vực Tokyo của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMO) phụ trách.

Khi Cơ quan Khí tượng Nhật Bản xác định có bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương hoặc Biển Đông, sau đó căn cứ vào danh sách để lấy tên, đồng thời gắn liền mã 4 chữ số. Hai chữ số đầu tiên là năm và hai chữ số cuối cùng là thứ tự cơn bão nhiệt đới được hình thành trong năm. Ví dụ, 0704, cơn bão nhiệt đới số 4 năm 2007.

Thông thường, bảng đặt tên đã lập trước được lặp lại theo trình tự năm này qua năm khác, nhưng trong những trường hợp đặc biệt, bảng đặt tên cũng sẽ được điều chỉnh. Như khi một cơn bão nào đó tạo ra thiệt hại và thương vong vô cùng nặng nề, gây chấn động khu vực, thậm chí thế giới.

Để ngăn trùng tên với các cơn bão khác, các thành viên của WMO có thể yêu cầu xóa tên đã sử dụng khỏi danh sách đặt tên, tức là cái tên đó được đặt vĩnh viễn cho cơn bão này. Một ví dụ điển hình đó là cơn bão "Rananim".

Vì sao bão được đặt tên và bão châu Á thường mang tên các loài động thực vật? - Ảnh 5.

Thiệt hại do bão Rananim gây ra.

Khi tên bão bị xóa khỏi danh sách đặt tên, WMO sẽ bổ sung tên bão nhiệt đới theo đề xuất của các thành viên có liên quan.

Nguyên tắc ngừng bỏ tên

Tên bão đa phần là "nhẹ nhàng", với hy vọng ít thiệt hại do bão gây ra, nhưng Tổ chức Khí tượng Thế giới có quy định một khi bão gây thiệt hại lớn về người và tài sản thì cái tên đó sẽ bị “đóng khung” vĩnh viễn. Tên này sẽ bị xóa khỏi bảng đặt tên và tên còn trống sẽ được quốc gia hoặc khu vực của nhà cung cấp ban đầu đề xuất lại.

Ví dụ như bão Rananim, có nghĩa là "xin chào", nhưng theo thống kê, bão Rananim đã khiến 164 người chết ở Chiết Giang, 24 người mất tích và thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 18,188 tỷ NDT. Nó đã bị hủy bỏ vĩnh viễn khỏi danh sách tên bão Quốc tế.

Những tên bão bị loại khỏi danh sách vì gây thiệt hại nặng nề bao gồm: Mangkhut (Philippines, năm 2018), Irma and Maria (Caribbean, năm 2017), Haiyan (Philippines, năm 2013), Sandy (Mỹ, năm 2012), Katrina (Mỹ, năm 2005), Mitch (Honduras, năm 1998) và Tracy (Darwin, năm 1974).

Vì sao bão được đặt tên và bão châu Á thường mang tên các loài động thực vật? - Ảnh 6.

Philippines thiệt hại nặng nề bởi bão Mangkhut.

Nhưng có những trường hợp ngoại lệ đối với việc xóa danh sách do bão, chẳng hạn như "Vicente", đã ngừng sử dụng tại cuộc họp thường niên lần thứ 47 của WMO vào năm 2015, và được thay thế bởi "Lan".

Tuy nhiên, lý do ngưng sử dụng không liên quan gì đến thảm họa do Vicente gây ra, mà là xung đột cùng tên với bảng đặt tên các cơn bão ở Đông Bắc Thái Bình Dương.

Nguồn: Tổng hợp

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày