Vì sao bạn đợi mãi chẳng thấy xe bus nhưng lúc sau lại có tận 2 chiếc cùng tới? Tất cả đều có thể giải thích được bằng toán học chứ không phải do tắc đường

Trang Thu, Theo Trí Thức Trẻ 12:04 30/06/2018
Chia sẻ

Bạn đợi mãi chẳng thấy xe bus nhưng lúc sau lại có tận 2 chiếc cùng tới? Vì sao nhỉ, tất cả đều có thể giải thích được bằng toán học.

Nếu là một người thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng như xe bus thì hẳn bạn sẽ đôi lần bắt gặp tình trạng phải chờ xe rất lâu nhưng đến lúc thấy xe thì lại có tận 2 xe cùng một lộ tuyến xuất hiện. 

Sự trớ trêu này có nghĩa là một chiếc xe đã chạy quá chậm đến mức bị xe sau đuổi kịp và tất nhiên, những người sử dụng xe bus như bạn sẽ bị ảnh hưởng do quãng thời gian chờ xe bị kéo dài ra thêm.

Vì sao bạn đợi mãi chẳng thấy xe bus nhưng lúc sau lại có tận 2 chiếc cùng tới? Tất cả đều có thể giải thích được bằng toán học chứ không phải do tắc đường - Ảnh 1.

Rất nhiều người lầm tưởng rằng có thể bởi tình trạng giao thông đông đúc, gây ra tắc đường khiến cho một chiếc xe bus bị chạy chậm lại. Chiếc phía sau dù xuất phát sau chiếc xe thứ nhất tận 10-15 phút nhưng vẫn đuổi kịp. Thực tế thì không phải như vậy, các nhà toán học cho rằng tắc đường không phải là nguyên nhân mà thực tế, việc xe bus chạy chậm tận 1 tuyến như vậy có thể được giải thích một cách khoa học hơn rất nhiều.

Hãy giả sử là chúng ta có 2 chiếc xe buýt A và B chạy cùng một tuyến, chiếc A xuất phát trước B 10 phút. Với nguyên nhân được số đông đưa ra thì ta có thể thấy rằng trong giờ cao điểm nếu A gặp tắc đường thì khả năng cao chiếc B chạy phía sau cũng gặp tắc đường tương tự. Như vậy thì trong phần lớn các trường hợp có tắc đường xảy ra, khoảng cách giữa A và B là không thay đổi nhiều bởi cả 2 sẽ cùng gặp tắc đường. Như vậy thì tắc đường không hẳn là nguyên nhân chính của tình trạng này.

Theo các nhà toán học nghiên cứu về vấn đề này chỉ ra thì tình trạng trên xảy ra là bởi khi một chiếc xe buýt chạy chậm lại, lộ trình của nó sẽ chỉ có chậm thêm chứ rất khó để chạy bù lại cho kịp thời gian. Ngược lại, một chiếc xe buýt chạy nhanh sẽ càng ngày càng chạy nhanh lên và cũng khó có thể chạy chậm lại để vừa thời gian quy định.

Thời gian một chiếc xe buýt chạy trên đường không chỉ phụ thuộc vào vận tốc chạy của xe mà còn phụ thuộc vào thời gian dừng ở mỗi điểm đỗ để đón và trả khách.

Một chiếc xe buýt chạy chậm dù chỉ một chút sẽ đồng nghĩa với việc thời gian chờ xe tại các bến phía trước của nó dài hơn và như vậy sẽ có thể có thêm nhiều khách đứng chờ hơn. Nhiều khách hơn thì khoảng thời gian chiếc xe này cần phải dừng để đón khách cũng sẽ lâu hơn, thời gian trả khách cũng tương tự bị kéo dài ra. Như vậy, một chiếc xe chạy chậm sẽ chỉ có chạy chậm thêm do thời gian đón, trả khách bị tăng lên đáng kể.

Ngược lại, một chiếc xe bus chạy nhanh sẽ khiến cho thời gian chờ ở các bến phía trước của nó ngắn hơn, đồng nghĩa với việc có ít thời gian tích lũy hành khách chờ ở các bến hơn. Như vậy, nó sẽ phải đón và trả ít khách hơn nên càng ngày cũng sẽ càng chạy nhanh hơn trước.

Cứ như vậy, hai chiếc xe một chiếc chạy chậm dần, một chiếc chạy nhanh dần sẽ gặp nhau và dẫn tới tình trạng bus trùng bus. Tất nhiên, người chịu thiệt nhiều nhất vẫn là các khách hàng đi xe bus.

Với các hệ thống quản lý xe bus truyền thống thì tình trạng này xảy ra thường xuyên và gần như không có cách điều chỉnh.

Tuy nhiên, ở những quốc gia tiên tiến, hệ thống xe bus thường sẽ được trang bị hệ thống định vị. Tổng đài sẽ dựa vào đó để biết được những xe nào đang chạy gần nhau và từ đó điều phối các xe chạy giãn cách hợp lý để đón trả lượng khách vừa phải khiến chúng không bị chạy chậm dần hay nhanh dần. Như vậy, quãng thời gian chờ giữa các tuyến xe sẽ được duy trì ổn định và giúp hành khách cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày