Vị bác sĩ nghỉ việc để làm nghề “đồng hành cùng người thực vật đi đoạn đường cuối cùng”

Trung Hạ, Theo Phụ nữ Việt Nam 22:28 07/10/2022
Chia sẻ

Trung tâm điều dưỡng Diên Sinh là nơi “biến mất” của nhiều người thực vật.

11h tối, phòng bệnh trong Trung tâm điều dưỡng Diên Sinh vẫn còn sáng đèn.

9 bệnh nhân “ngủ say” dưới ánh đèn mờ. Chút ánh sáng hắt lên khuôn mặt xương xẩu, nhưng chẳng có chút dấu hiệu của sự sống. Trong phòng không có tiếng trò chuyện hay tiếng ngáy, chỉ có tiếng ù ù yếu ớt phát ra từ máy tạo oxy.

Đây là một đêm bình thường ở Trung tâm điều dưỡng Diên Sinh, những bệnh nhân này đều là người thực vật. Phòng bệnh lặng yên như thung lũng trống trải. Những ai lần đầu đến thăm bệnh nhân sẽ không tránh khỏi cảm giác ngột ngạt và bí bách. Song, đối với bác sĩ Tương Cửu Đại 53 tuổi, ông đã quá quen với cảnh tượng này.

Thế giới người thực vật

Vị bác sĩ nghỉ việc để làm nghề “đồng hành cùng người thực vật đi đoạn đường cuối cùng” - Ảnh 1.

Trung tâm dưỡng lão Diên Sinh do Tương Cửu Đại thành lập tại quận Mật Vân (Bắc Kinh). 41 bệnh nhân thực vật đang nằm trong trung tâm, người lớn tuổi nhất là 84 tuổi và người trẻ nhất chỉ 38 tuổi. Họ bị tai nạn hoặc bệnh nặng, cứ thế chìm vào giấc ngủ say, thân thể bất tỉnh như cá mắc cạn, nằm bất động trên giường bệnh, 24 giờ từ lúc bình minh cho đến hoàng hôn xoay chuyển, im ắng không một tiếng động.

Bệnh nhân rơi vào trạng thái thực vật gần như không có khả năng hồi phục, sinh mệnh không thể thức tỉnh giống như một đóa hoa héo tàn, âm thầm trượt dài về phía cái chết.

Những người duy nhất ở bên họ suốt thời gian qua là Tương Cửu Đại và đội y tá của ông: Túc trực 24/24, giúp bệnh nhân đi vệ sinh, đút ăn, khử trùng vết thương và lau người. Khi bệnh nhân đột ngột ho lên, y tá lập tức vỗ lưng để tống đờm ra ngoài, cứ sau 2 tiếng sẽ giúp bệnh nhân trở mình.

Không có đau đớn, không có buồn vui, ngày hay đêm đều không tồn tại trong thế giới của người thực vật.

Đi kiểm tra phòng bệnh, Tương Cửu Đại nhẹ nhàng nâng cốc nước, rồi cẩn thận đặt xuống, đi đứng và nói năng thận trọng, rõ ràng bệnh nhân nằm đó đều hầu như không thể cảm nhận được gì nhưng ông vẫn lo họ sẽ bị làm phiền.

Tương Cửu Đại nhìn xa xăm ngoài cửa sổ, màn đêm vô tận như chính tương lai của những người nằm đây. Một đêm lặng lẽ trôi qua.

Người thực vật vẫn đang... sống

Trước 45 tuổi, Tương Cửu Đại cũng như bao cuộc đời bình thường khác: Học hành rồi tốt nghiệp, sau đó vào bệnh viện quận Mật Vân ở ngoại ô Bắc Kinh. Mọi thứ đến một cách tự nhiên và bình lặng.

Tuy nhiên, chục năm trôi qua, con người ai cũng có chiêm nghiệm và cách nghĩ khác. Khi còn là bác sĩ tuyến đầu, ngày đêm đối mặt với hồ sơ bệnh án và phiếu xét nghiệm, sau một thời gian dài khoác lên mình chiếc áo blouse, Tương Cửu Đại thường cảm thấy bất lực và bế tắc.

Sau khi nhậm chức giám đốc phòng khám ngoại trú, Tương Cửu Đại không còn sử dụng ống nghe và kim tiêm, ngày này qua ngày khác đều như nhau, cảm giác bất lực xâm chiếm đến đáng sợ. Ông bắt đầu nghĩ đến việc từ chức và khởi nghiệp.

Nhưng từ chức rồi làm gì? Tương Cửu Đại cũng không biết rõ.

Vị bác sĩ nghỉ việc để làm nghề “đồng hành cùng người thực vật đi đoạn đường cuối cùng” - Ảnh 2.

Bước ngoặt xuất hiện vào năm 2014. Bệnh viện quận Mật Vân tiếp nhận một bệnh nhân bị xuất huyết não, dù đã níu giữ được sự sống nhưng vẫn không thể hồi tỉnh. Bệnh nhân tiến vào trạng thái thực vật.

Bệnh viện cho bệnh nhân về nhà vì tiếp tục cứu chữa cũng không có tác dụng. Song, người này đã qua đời tại nhà 3 tháng sau đó. Những vết loét và mùi hôi trên cơ thể của bệnh nhân đó đã khiến Tương Cửu Đại bị ám ảnh.

Tương Cửu Đại nhận ra một tình trạng chung: Bệnh viện hầu như không nhận người thực vật, trung tâm dưỡng lão cũng từ chối, người nhà bệnh nhân lại thiếu kiến thức chuyên môn.

Vì vậy, năm 2015, Tương Cửu Đại chính thức nghỉ việc ở bệnh viện và thành lập trung tâm chăm sóc người thực vật đầu tiên của Trung Quốc bằng số tiền vốn 2 triệu NDT (hơn 6,7 tỷ đồng) từ việc bán đi căn nhà.

Có người nói rằng Tương Cửu Đại mở trung tâm chăm sóc người thực vật cũng giống như “chứa người chết” trong nhà, mang lại xui xẻo. Song, ông cho rằng người thực vật vẫn là người sống.

Trung tâm chăm sóc người thực vật Diên Sinh nằm ở lưng chừng núi, cách trung tâm thành phố Bắc Kinh 90km, được bao quanh bởi dãy núi Yến Sơn và hồ Mật Vân. Thanh tĩnh có nghĩa là tránh xa khói lửa nhân gian, cũng như thị phi chuyện đời.

Sự nghiệp cô đơn

Vị bác sĩ nghỉ việc để làm nghề “đồng hành cùng người thực vật đi đoạn đường cuối cùng” - Ảnh 3.

Khách hàng của trung tâm điều dưỡng Diên Sinh là ai? Là người thực vật.

Trong một thời gian dài, Tiểu Thông là bệnh nhân duy nhất trong trung tâm của Tương Cửu Đại. Tai họa năm 2012 không chỉ khiến cô mất nửa lá phổi, ngủ mê man mà còn khiến gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Đúng lúc cả gia đình đang tuyệt vọng thì có người giới thiệu đến trung tâm điều dưỡng Diên Sinh.

7 y tá, cộng với Tương Cửu Đại, 8 người quanh quẩn bên chiếc giường bệnh nhỏ cả ngày, cứ 2 tiếng lại đến thăm một lần. Đường chạy trên máy điện tim cứ nhô lên rồi hạ xuống, âm thầm và vô tận.

Vị bác sĩ nghỉ việc để làm nghề “đồng hành cùng người thực vật đi đoạn đường cuối cùng” - Ảnh 4.

Khi vừa từ chức, Tương Cửu Đại đã tính toán nếu muốn cân bằng thu chi, trung tâm cần 16 bệnh nhân là đủ.

Tuy nhiên, Tiểu Thông là bệnh nhân duy nhất được giới thiệu đến trung tâm điều dưỡng trong một thời gian dài.

Ngoài sự cô đơn, thiếu tiền cũng là một vấn đề Tương Cửu Đại phải đối mặt suốt thời gian qua.

Tương Cửu Đại quảng cáo trên Internet. Ông chia sẻ kiến thức chăm sóc người thực vật trên mạng xã hội và giới thiệu về trung tâm điều dưỡng của mình.

Đến năm thứ hai, số bệnh nhân đã tăng lên thành 3 người, vẫn còn rất xa so với mục tiêu ban đầu.

Không thể nhìn thấy tương lai phát triển, một nửa số y tá đã bỏ cuộc. Tương Cửu Đại hiểu điều này, cuộc sống không thể thiếu đi cơm áo gạo tiền. Song ông vẫn kiên trì, không phải vì bất cần đời mà chỉ là ông không thể buông bỏ.

Khác với việc mở quán ăn, cùng lắm là dẹp tiệm, bán tháo lại thực phẩm và vật dụng. Người thực vật không phải vậy, họ không phải là hàng hóa. Người nhà của họ đã gửi tiền và hy vọng cho tôi, không thể hoàn trả là có thể rũ bỏ trách nhiệm.

-Tương Cửu Đại-

“Chỉ cần không bị lãng quên, con người vẫn luôn sống”

Vị bác sĩ nghỉ việc để làm nghề “đồng hành cùng người thực vật đi đoạn đường cuối cùng” - Ảnh 5.

Đối với gia đình Tiểu Thông, mất đi cuộc sống không chỉ có mỗi cô, mà kể từ ngày xảy ra tai nạn xe hơi, cuộc đời của người yêu, Tiểu Đường, cũng bị ép đến đường cùng. Anh nghỉ việc, 24/24 giờ túc trực trong phòng bệnh, vỗ lưng, lật người, đút ăn. Cứ thế 2 năm rưỡi trôi qua.

Tuy nhiên, con gái ngày một lớn lên và áp lực kinh tế đè nặng, Tiểu Đường phải đưa ra quyết định để chọn lựa hiện tại và tương lai.

Không thể vì một người “nửa sống nửa chết” mà kéo cả gia đình sụp đổ, những ai còn khỏe mạnh phải chấp nhận hiện thực và tìm kiếm hy vọng mới.

Sau khi đưa vợ đến trung tâm điều dưỡng của Tương Cửu Đại, Tiểu Đường tiếp tục công việc đã bỏ lỡ, những lần đến thăm Tiểu Thông cũng thưa thớt dần. Mỗi lần đến, anh luôn mở video call cho con gái nhìn thấy mặt mẹ.

Kể từ đó, trung tâm tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn. Tương Cửu Đại cảm thấy mặc dù người thực vật mất đi ý thức, nhưng không phải chết đi.

“Đây là quá trình từ từ chấp nhận cái chết của gia đình”, Tương Cửu Đại bình tĩnh nói.

Nhiều người cho rằng việc chăm sóc này như một sự níu kéo và ích kỷ của người còn sống với người thực vật.

Tương Cửu Đại đáp: “Nếu cho rằng vì người thực vật không có nhận thức nên việc gửi gắm chăm sóc là vô nghĩa, vậy thì chẳng phải việc người còn sống tưởng niệm người đã chết càng vô nghĩa hơn sao?”.

Năm 2018, Tiểu Thông qua đời. Ba năm chăm sóc, Tương Cửu Đại và y tá đã xem cô như người thân, dù biết rằng sự ra đi là chuyện sớm muộn nhưng vẫn không kiềm được những giọt nước mắt.

Tương Cửu Đại luôn dặn lòng: “Chỉ cần không bị lãng quên, con người vẫn luôn sống

Tâm niệm dành cho “những số phận lưng chừng”

Vào năm 2019, 16 giường bệnh được lấp đầy, trung tâm bắt đầu đạt được sự cân bằng trong thu chi. Phương tiện truyền thông bắt đầu chú ý, người nhà bệnh nhân thực vật khắp cả nước cũng lặn lội tìm đến.

Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn gia đình đang âm thầm chịu đựng nỗi đau. Và trung tâm điều dưỡng của Tương Cửu Đại như ngọn nến thắp chút ánh sáng tìm thấy sự giải thoát.

Trung tâm phải đối mặt với khó khăn mới là phòng bệnh không còn chỗ. Giải pháp thiết thực nhất là Tương Cửu Đại tìm cơ sở mới vì địa điểm hiện tại không thể mở rộng. Đến đây, tiền bạc lại là vấn đề nổi cộm.

Tương Cửu Đại phải thế chấp một bất động sản khác để thuê và mua sắm trang thiết bị. Đầu tư nhiều năm nhưng ông vẫn không biết khi nào sẽ nhận lại tổng tiền vốn 5 triệu NDT (hơn 16,7 tỷ đồng).

Cơ sở trung tâm mới ở làng Thánh Thủy Đầu, rìa quận Mật Vân. Ông không treo biển hay xây đường, chỉ để một khoảng sân lặng lẽ khuất trong ngõ, như một sự tồn tại không ai quan tâm.

Song, ai cần thì sẽ tự tìm đến. 41 giường nhanh chóng chật kín bệnh nhân đến từ khắp nơi trên thế giới.

Trung tâm điều dưỡng Diên Sinh là nơi “biến mất” nhiều người thực vật. Người đến đây gửi gắm rồi miễn cưỡng quay mặt bỏ đi, đến khi trở lại thì nhận về hũ tro cốt lạnh lẽo.

Trong những năm qua, hơn 200 bệnh nhân thực vật đã lần lượt đến đây, không có phép lạ hay đau đớn, họ đã hoàn thành hành trình cuối cùng của cuộc đời một cách bình yên.

Tương Cửu Đại không thể quên được ông lão 90 tuổi, sau khi đưa con trai vào trung tâm điều dưỡng, ông loay hoay đi lại trước sân quạnh hiu, dường như chưa muốn rời xa con. Cuối cùng, ông đứng nghiêm, cúi người trước cửa lớn, qua vài giây trầm lặng, ông mới quay người bước đi. Đây có lẽ là chút thân thương cuối cùng ông dành cho con trai thực vật đang nằm trên giường bệnh.

Tương Cửu Đại thẳng thắn thừa nhận ban đầu ông chỉ muốn khởi nghiệp và chưa bao giờ đề cao tầm quan trọng của một trung tâm chăm sóc người thực vật. Sau đó, ông dần nhận ra việc mình làm không hề tầm thường và vô vị.

Tương Cửu Đại cũng thường gảy đàn, ngân nga vài ca khúc nhẹ nhàng trong phòng bệnh. Mặc dù liệu pháp âm nhạc là một cách chăm sóc người thực vật, nhưng trong mắt ông, ý nghĩa lớn hơn là giúp đỡ những người đang sống.

Đối với Tương Cửu Đại, đây là một hành trình cô đơn và khó khăn. Là “người lái đò giữa ranh giới sự sống”, ông tâm niệm cái nhắm mắt an nghỉ cuối cùng của người thực vật chính là sự vỗ về trong tâm hồn của mỗi gia đình.

Nguồn: Thepaper

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày