Hôm nay (21/6) - Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi luôn dành sự tri ân cho những người đồng nghiệp đã cùng nhau sát cánh trên chặng đường vừa qua. Và trong thời điểm này, mọi người nhắc nhiều về anh Đinh Hữu Dư - chàng phóng viên qua đời khi mới 29 tuổi trong lần tác nghiệp tại rốn lũ Yên Bái tháng 10/2017. Mọi sự nỗ lực tìm kiếm anh không đem lại kết quả, thi thể anh được tìm thấy sau 2 ngày mất tích.
Ngày 20/6, chúng tôi đã bắt chuyến xe từ Hà Nội, vượt hơn 100km về Ninh Bình thăm gia đình, bố mẹ anh Đinh Hữu Dư. Đứng chờ chúng tôi ở đồi Dốc Đá (huyện vùng cao Phú Long), chú Trọng và cô Hà niềm nở ra tận xe ô tô bắt tay. Cô chú bảo, đã từ lâu lắm rồi mới có đồng nghiệp về thăm anh Dư, cũng là cái duyên để chúng tôi lắng nghe cô chú tâm sự nhiều điều chưa từng kể về cậu con trai nổi tiếng ngoan hiền, hiếu thảo Đinh Hữu Dư.
Phóng viên Đinh Hữu Dư và cây cầu Thia nơi anh gặp nạn.
Cô Hà đứng trước di ảnh của con trai và bật khóc. Kể từ tháng 10 năm ngoái, sóng nước cuồn cuộn ở Yên Bái đã cướp đi đứa con cô thương yêu nhất. "Con không biết bơi..., và như thể đã xác định rồi, không còn một tia hy vọng nào hết!". Giữa hai chiếc tủ kính chứa rất nhiều kỉ vật người con để lại, cô Hà đặc biệt nâng niu cuốn nhật ký được cất riêng một góc.
"Ngày 6 tháng 11 năm 2006.
Thương mẹ quá, cả cuộc đời vất vả.
Chẳng bao giờ mình nói ra điều ấy cả nhưng mình luôn nghĩ về mẹ (hơi uỷ mị). Nhưng thực sự lúc này mình chỉ muốn về vơi mẹ thôi. Bề ngoài mình lạnh lùng lắm nhưng trong lòng luôn là sự xúc động. Bao nhiêu kỷ niệm hiện về. Ngày xưa...! Có lẽ là cái ngày xưa lắm, xưa lắm rồi.
Nhớ những ngày xưa những tháng năm
Mẹ lầm mũi mẹ gánh gồng
Mênh mang lòng mẹ ôi sâu thẳm
Thả ngập hồn con suốt tháng năm".
(Ký tên: Giang Phong).
Thẻ phóng viên trong một lần tác nghiệp của anh Đinh Hữu Dư.
Cuốn nhật ký vô tình được tìm thấy giữa hàng trăm cuốn sách về nghiệp vụ báo chí. Tất cả đều đã được đóng gói để chuẩn bị đưa lên Yên Bái mấy hôm sau. Mọi thứ về Giang Phong (bút danh của anh Đinh Hữu Dư) vẫn vẹn nguyên qua từng nét chữ, qua cách anh viết, cách anh trải lòng về những năm tháng tuổi 18, 20 lưng chừng.
"Con vẫn còn sống, vẫn dõi theo bố mẹ mỗi ngày. Khi nào nhớ con, cô sẽ lần giở từng trang nhật ký... Mẹ nhớ con lắm, Dư à". Cô Hà không kìm nén nổi cảm xúc lúc này, mắt cô lại đỏ hoe, vài giọt nước rơi lã chã trên bìa ngoài cuốn sổ. Cô nâng niu, cất giữ từng chút một kỷ niệm về con trai, về cuốn nhật ký mang tên Đinh Hữu Dư.
Những ngày đầu tháng 10 năm 2017, miền Bắc Việt Nam hứng chịu trận lũ quét lịch sử với sức tàn phá kinh hoàng. Ở đâu đó dưới lớp bùn đất hoang tàn của những gì còn sót lại, có những con người mãi mãi nằm lại với đất Mẹ. Trời mây Yên Bái, người thân, bạn bè và đồng nghiệp,... tất cả đều mang một nỗi đau không tên, thương xót hướng về người phóng viên trẻ tuổi của Thông tấn xã Việt Nam - anh Đinh Hữu Dư.
Ngày 11/10/2017 khi lũ về, cây cầu Thia dài 200m bất ngờ đổ sập. Lúc này 5 người, trong đó có anh Dư, đứng trên cầu đều bị rơi xuống dòng nước lũ. Suốt 2 ngày tìm kiếm, đồng nghiệp khắp nơi chắp tay cầu nguyện một điều kỳ diệu mong anh sẽ trở về. Hàng trăm chiến sĩ cán bộ ở Yên Bái chốt chặn dọc sông tìm anh cùng những nạn nhân xấu số nhưng không thấy.
Chú Đinh Văn Trọng - bố anh Dư.
Đến chiều 13/10/2017, cuộc tìm kiếm đi tới hồi kết... Thi thể anh Dư được phát hiện cách khu vực xảy ra sự cố gần 100km. Mọi người như nén chặt nỗi đau, vậy là anh Dư đi thật rồi, mãi mãi tuổi 29 nhiệt huyết, năng nổ và khát khao cống hiến.
Ngày anh Dư gặp nạn, chú Trọng và cô Hà không hề khóc. Chú bình tĩnh vội phi xe về căn nhà nhỏ trên đồi Dốc Đá, xã vùng cao Phú Long của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Chú cùng đồng nghiệp của anh Dư cấp tốc lên Yên Bái, cô Hà vì suy tim độ 3 nên chỉ được phép ở nhà chờ tin con. Lúc đầu trong suy nghĩ của mình, cô vẫn tin anh Dư chỉ bị ngã cầu thôi, "Con sẽ bám được vào một vật nào đó để sống sót!". Nhưng không phải thế, lũ dữ Yên Bái dâng lên với sức tàn phá kinh hoàng đã cuốn anh mất tích.
"Dư không biết bơi cháu ơi (cô Hà bật khóc). Khi nghe tin lũ cuồn cuộn đưa con đi mất, cô xác định mất con. Cô chỉ thầm mong thi thể con được nguyên vẹn, không bị đau đớn gì...".
Những đứa cháu nhỏ của anh Dư.
3 ngày ở Yên Bái, chú Trọng không ăn được gì. Chú đi tìm anh Dư trong mòn mỏi, khắc khổ đi dọc sông gọi tên con vào lúc 3h sáng. Chú thuê người chặt hết các bụi tre quanh bờ sông để tìm dấu vết của anh. Khi công cuộc tìm kiếm kéo dài 2 ngày kết thúc, chú tìm thấy anh, nhưng lúc này hai cha con ở hai thế giới khác nhau. Chú khóc ngay tại hiện trường.
Ngay trong đêm, thi thể anh được hỏa táng tại Phù Ninh, Phú Thọ rồi đưa về quê nhà vào 2h30 sáng 14/10/2017.
"2 tháng sau khi Dư mất, chú chỉ ăn cháo thôi. Đến giờ đã 8 tháng trôi qua, nỗi đau chưa bao giờ dứt. Dư là đứa con trai ngoan, có hiếu. Chưa bao giờ con để bố mẹ phải giận, bố mẹ phải lo".
Cô Hà - mẹ anh Dư.
Trước khi quay lại Yên Bái tiếp tục công tác, anh Dư có ghé về thăm nhà, bố mẹ và người thân. Anh mang bia với cá mực ra chiêu đãi mọi người. Mọi lần cô Hà sẽ là người xuống bếp, nhưng lần đó đích thân anh Dư làm. Anh đon đả mời bố cùng các bác dùng bữa, "Bố ăn đi, bố vất vả quá!".
Anh Dư còn gặp người bạn thân, cùng đi chơi, ăn uống và trò chuyện thật nhiều. Trước khi lên đường, anh chào từ biệt mọi người trong gia đình, đặc biệt là chú Trọng cô Hà.
"Chào bố mẹ, con đi công tác!" - Và đây cũng chính là lời chào cuối cùng anh gửi đến cô chú.
Anh Dư thích hoa, chú Trọng mua về cho anh.
Anh Dư vốn hiền lành nên cô Hà không nhất trí việc anh theo học trường Báo. Cô từng thủ thỉ tâm tình với anh, rằng: "Con hiền lắm, học sư phạm rồi về làm nhà giáo đi con". Còn chú Trọng lại muốn "điều chuyển" anh về mảng kinh tế, chứ mỗi lần nghe đài báo lũ lụt là cô chú sợ lắm.
Nhưng anh Dư một mực không đồng ý. Anh muốn làm báo để thoả mãn đam mê viết lách và kể cho độc giả của mình nghe về những câu chuyện anh chứng kiến, anh lắng nghe được trong cuộc sống này.
2 tủ kính chất đầy kỷ vật của anh Dư tại quê nhà.
Thời điểm anh Dư ôn thi đại học, nhà nghèo, cô Hà lại đau ốm suốt, mọi thu nhập chi tiêu trong nhà đều một tay chú Trọng lo. Đợt đó, chú cố gắng đào đất, làm nương trên mảnh đồi của gia đình để tích cóp đủ 1 triệu cho anh Dư lên thành phố thi Đại học. Bây giờ nhớ lại, chú hận bản thân mình nhiều lắm vì đã không thể cho con trai một cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn.
"Giang Phong là bút danh từ thuở học sinh của Dư, sau này khi còn làm ở báo Nhân Dân rồi chuyển qua Thông tấn xã Việt Nam, con đều giữ cái tên đó. Cứ mỗi lần đi qua một mảnh đất nào, con lại nhặt một hòn đá mang về, cất trong một cái lọ. Trước đây cô không hề xem hay giữ bất cứ đồ dùng nào của Dư, nhưng từ khi con mất, cô cố gắng tìm kiếm tất cả những gì liên quan đến con. Dư vẫn sống, vẫn dõi theo bố mẹ mỗi ngày theo cách đó".
Đi đến đâu, anh Dư cũng nhặt một hòn đá mang về.
Dù không thể hoàn tất giấc mơ giản dị của riêng mình, nhưng với chúng tôi, anh Dư mãi là cánh chim bay cao trên bầu trời Yên Bái. Cánh chim lướt như cơn gió vượt sông núi, như bút danh Giang Phong của chính anh.
Anh Dư rất thích hoa đào nên chú Trọng đã mua hoa về đặt ngay bên bàn thờ con. Nấm mộ nhỏ của anh được cất gọn ở nghĩa trang thành phố Ninh Bình cách nhà không quá xa. Trời Ninh Bình mấy hôm nay nắng gió thất thường, chúng tôi vẫn quyết tâm ra tận nơi để thắp cho anh một nén hương. Rồi ai cũng bật khóc.
"Dư ơi, có đồng nghiệp đến thăm con này!".
Nấm mộ nhỏ của anh Đinh Hữu Dư ở quê nhà Ninh Bình.
Chỉ 3 năm nữa, bố mẹ sẽ đưa anh Dư lên nghĩa trang ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Chú Trọng bảo, nơi đó đồi cao, anh Dư sẽ được hoà mình vào thiên nhiên như tính cách, con người phóng khoáng của anh vậy đó. Mây trời, đồi núi Trường Yên cũng sẽ chở che cho anh. Rồi anh sẽ lại tiếp tục viết về cái đẹp, về những chuyến phiêu lưu mới của anh, vào những nơi sâu nhất, xa nhất, khó khăn nhất.
Em Cún (3 tuổi) được cô Hà nuôi từ khi mới 7 tháng tuổi, thành thử Cún "bám" bà hơn "bám" mẹ. Trong nhà, Cún là em bé có "đặc ân" được chính tay anh Dư chụp cho rất nhiều bộ ảnh đẹp. Lúc nào Cún cũng cười, cũng vui mỗi khi thấy bác Dư.
Trên Cún có một anh trai năm nay 5 tuổi. Mẹ của hai anh em (em gái ruột của anh Dư) không may bị tai nạn, chồng lại bỏ đi nên tình cảnh rất khó khăn. Số tiền trang trải nuôi 2 anh em Cún chủ yếu là do bà nội và anh Dư bỏ ra. Đồng nghiệp cùng khóa vào TTXVN ai cũng biết anh Dư thường xuyên phải ăn mì gói cả tuần để tiết kiệm từng đồng gửi về cho bà và chăm 2 cháu.
Khi nghe tin dữ về anh Dư, lại hiểu thêm chuyện đời, chuyện nghề của người đồng nghiệp trẻ chưa một lần gặp mặt, nhà báo Trần Mai Anh - người sáng lập, điều phối Chương trình "Thiện Nhân và những người bạn" đã liên hệ và ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận với Đoàn thanh niên TTXVN về việc bảo trợ cho 2 cháu ruột của anh Đinh Hữu Dư.
Với sự đỡ đầu này, hai cháu ruột của anh sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí bao gồm tiền học, tiền khám chữa bệnh và các khoản chi phí sinh hoạt, cho đến năm các bé 18 tuổi (trung bình khoảng 500.000 đồng/tháng/cháu, chưa kể các chi phí phát sinh). Chắc chắn, với sự giúp đỡ từ cộng đồng thì những người thân yêu của anh sẽ nhận được tình cảm cũng lớn lao như tình cảm anh dành cho cộng đồng.
Em Cún tinh nghịch, đáng yêu ở tuổi lên 3.
Sau này khi lớn lên và đủ nhận thức, bé Cún sẽ biết được người bác quá cố đã dành yêu thương cho em nhiều đến như nào. Chú Trọng cũng chia sẻ, chính bé Cún sẽ là người chịu trách nhiệm hương khói sau này cho anh Dư khi 2 cô chú nằm xuống. Giờ Cún vẫn đang tung tăng theo chân chú Trọng và cô Hà đi khắp nơi. Em vừa là người cháu, cũng là người con của 2 cô chú.
Nhật ký Đinh Hữu Dư
Cuốn nhật ký được tìm thấy giữa những túi sách của anh Dư khắc hoạ hình ảnh chàng thanh niên tên Giang Phong của những năm 18, đôi mươi. Khi đó, Giang Phong mang vẻ ngoài lạnh lùng nhưng bên trong lại sâu sắc vô cùng, còn sâu sắc như thế nào phải đến khi anh mất, mọi người mới nhận ra. Thực là đã quá muộn!
Anh Dư kể về mẹ, về cha, về những vấn đề gặp phải thời học sinh, sinh viên trong những trang nhật ký của mình. Anh thừa nhận, chỉ những lúc buồn và khó khăn nhất, anh mới viết nhật ký.
Cuốn nhật ký của anh Dư bất ngờ được tìm thấy.
"Ngày 6 tháng 9 năm 2007,
Hôm nay lên Hà Nội bắt đầu cuộc sống của một sinh viên - một cuộc sống mình chẳng mong chờ lắm. Buồn quá. Nhớ nhà kinh khủng. Nhớ Ninh Bình, nhớ bạn bè, nhớ từng con đường góc phố, mái trường nhiều cây và lốm đốm nắng thu, bây giờ có lẽ rộn rạo tiếng bước chân. Nhớ quá. Giờ này ở nhà chắc mình đang cùng chúng bạn lang thang, tán gẫu... Trời ơi, giờ chỉ muốn về thôi".
Kỷ vật của anh Dư được đặt trang trọng trong tủ kính ở quê nhà.
"Ngày 18 tháng 10 năm 2009,
Cuộc sống khó khăn nhiều so với mình tưởng. Mình đã cố gắng sống khuôn phép, chuẩn mực. Ai cũng có cách sống của riêng mình, suy nghĩ và cả con đường đi sau này. Mình vẫn là mình, mình biết điều đó. Thực sự đang bế tắc, mình không biết đi đường nào. 3 tháng không làm được gì, toàn ốm đau, tốn kém. Và nhiều chuyện khiến mình thật buồn.
Thương bố mẹ nuôi mình ăn học, cả một đời vất vả, thời gian bảo mình kiên nhẫn đợi chờ, khi nào hoàn thành sứ mệnh mình sẽ ra đi.
Cố gắng!!!".
Những trang nhật ký của chàng thanh niên Đinh Hữu Dư những năm tuổi 20.
Trong cuốn nhật ký này anh Dư nhắc tới nhiều cái tên, là những người bạn thân thiết của anh suốt thời học sinh và sinh viên. Điều quan trọng nhất với họ, chính là được trở thành một phần trong quãng thanh xuân ngắn ngủi của anh.
Anh Dư thương mẹ bệnh tật, thương cha vất vả nhọc nhằn. Nhưng phải đến 8 năm sau, khi lục lại những kỉ vật cũ của con, chú Trọng cô Hà mới nhận ra những khó khăn của con và bật khóc vì hối hận.
"Ôi Dư thương bố mẹ lắm. Khi cơ quan tới dọn tủ sách mang lên Yên Bái có sách tham khảo, sách báo chí thì vô tình tìm thấy cuốn nhật ký. Dư khổ lắm, cả một đời vất vả. Ngày trước Dư ở căn nhà lụp xụp ở Ninh Bình với bà nội, giờ chú ân hận vì không làm được căn nhà tử tế cho con".
Ngày trước khi quyết định đặt tên cho con trai, chú Trọng cãi nhau to với bố. Ông nội muốn đặt tên cho cháu là Nghĩa, nhưng chú lại thích cái tên Hữu Dư. "Dư" là dư dả, chú mong muốn con trai mình sẽ sở hữu nhiều thứ, có một cuộc sống sung túc, khấm khá. Và bây giờ, anh Dư chẳng phải đang dư dả tình thương mến, kính trọng của nhiều đồng nghiệp, bạn bè, người thân hay sao.
Hành trình của phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư sẽ không bao giờ kết thúc. Anh vẫn luôn đồng hành cùng đồng nghiệp trên chặng đường sắp tới để viết tiếp câu chuyện còn dang dở về cuộc sống tươi đẹp này. Những người ở lại sẽ thay anh, nối dài con đường anh tạm dừng chân.
"Về Dư nhé, muôn triệu lòng lửa đốt
Về để còn viết nốt những giấc mơ...".