Collateral Beauty (tựa tiếng Việt: Vẻ Đẹp
Cuộc Sống) được ra mắt vào dịp Giáng Sinh ở Mỹ, mùa lễ hội cuối năm nhộn nhịp
nhưng ấm áp, với một không khí nhẹ nhàng và lãng mạn như nhiều bộ phim tình cảm
khác của Hollywood. Sự góp mặt của dàn sao nhìn-là-muốn-xem dễ khiến khán giả
nhớ lại những tác phẩm lãng mạn ra mắt trong mùa lễ hội từng chinh phục hàng
triệu trái tim như Love Actually hay The Holiday.
Howard (Will Smith) là một doanh nhân thành công của một công ty làm quảng cáo, là một người truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp và bạn bè. Nhưng từ sau cái chết của cô con gái, Howard bắt đầu trở thành một kẻ mất hết niềm tin, lúc nào cũng u ám. Howard viết thư cho Thời Gian, Cái Chết và Tình Yêu trong những lúc bí bách nhất, cô đơn nhất. Và rồi một "vở kịch cuộc sống" đã được dựng lên trước mắt Howard mà anh không hề hay biết. Những Thời Gian (Jacob Latimore), Cái Chết (Helen Mirren), Tình Yêu (Keira Knightley) xuất hiện để đối thoại với anh, giúp anh tìm lại những giá trị quý giá bên cạnh.
Vẻ Đẹp Cuộc Sống bắt đầu bằng những chi tiết rất thức thời như nghề nghiệp của Howard - agency, một nghề nổi trội hiện nay, - hay cách Howard viết thư cho những điều trừu tượng. Chi tiết này gợi nhớ đến một phim điện ảnh Nhật Bản chuyển thể từ truyện tranh gây sốt trong năm - Orange - khi nữ chính viết thư cho chính mình trong quá khứ để sửa chữa những sai lầm. Có vẻ như càng song hành với sự tiện nghi của thời đại và công nghệ, con người càng muốn tìm đến những điều mơ hồ và siêu thực. Với phần mở đầu hấp dẫn trong không khí giáng sinh, Vẻ Đẹp Cuộc Sống dường như đã nắm chắc phần thắng về một câu chuyện đẹp.
Nhưng trái với kì vọng, phim lại khá khuôn sáo và cũ, nhất là ở mặt thông điệp. Việc chấp nhận thực tại đau thương để tìm ra những điều đẹp đẽ xung quanh không còn mới nữa, huống hồ cách bộ phim làm bật ra nó cũng không đặc biệt. Do đó mà việc xuất hiện của một dàn sao hạng A như Will Smith, Edward Norton, Kate Winslet, Keira Knightley, v.v… đã khiến cho bộ phim trở nên "dư thừa" một cách tiếc nuối.
Biên kịch đã cố gắng xây dựng một "bản đồ" các nhân vật với nhiều đối trọng, mỗi người đều có một câu chuyện riêng nhưng lại không đẩy được cảm giác thỏa mãn về "collateral beauty" (vẻ đẹp thầm lặng) ở phần cuối, khiến phim ít nhiều bị hụt. Trong khi đó câu chuyện của nhân vật chính Howard cũng không thực sự nặng kí như cách mà các nhân vật đang thể hiện, cộng thêm cú "twist" không được thuyết phục đã phá đi rất nhiều cảm xúc đẹp.
Tuy nhiên, việc xây dựng một câu chuyện cũ bằng những hơi thở hiện đại như đã nói bên trên là một điểm đáng ghi nhận. Sự xuất hiện của một "đoàn kịch" chính là điểm nhấn vô cùng thú vị, một sự ẩn dụ hay ho cho chính những gì chúng ta làm trong cuộc sống. Nó giống như một màn kịch mà ở đó chính chúng ta đã lựa cho mình những vai diễn mà ta nghĩ nó thuộc về mình. Nhưng đôi khi nó là một lựa chọn sai lầm, là những nhân vật "khó nhằn" không phù hợp với bản thân ta. Trước khi chạm đến những vở diễn đỉnh cao, ta hãy hóa thân vào chính nhân vật của đời mình trước đã. Thông điệp ngầm này rất hay ho, là thứ đã khiến kịch bản phim bung tỏa được những vẻ đẹp của riêng nó bằng những cảm xúc nội tại rất duyên dáng.
Ban đầu, Hugh Jackman được nhắm vào vai Howard nhưng vì không thỏa thuận được lịch quay mà cuối cùng thuộc về Will Smith. Những người hâm mộ Will đa phần đều kì vọng anh ở bộ phim này, sau nhân vật Deathstroke ấn tượng trong bộ phim trái chiều Suicide Squad. Nhưng có lẽ Will vẫn chưa đáp ứng được sự trông chờ đó, không phải vì diễn xuất mà vì bản thân nhân vật Howard được xây dựng không cân bằng. Sự nặng nề hóa mà kịch bản áp lên nhân vật khiến khán giả cảm thấy mệt, những sự chuẩn bị trước đó không đủ để thuyết phục cảm xúc người xem. Thoại của nhân vật Howard trong phim khá nhiều và Will Smith xử lý rất tốt. Phân đoạn khiến khán giả cảm động nhất chính là lúc ở trong phòng họp.
Ba nhân vật người bạn được tạo ra có dụng ý, cả những câu chuyện của riêng họ cũng rất hay và đồng điệu với nhiều vấn đề trong xã hội hiện đại. Nhưng đạo diễn đã lúng túng trong việc kiểm soát toàn bộ, khiến nhiều vấn đề bị bỏ lửng và một số mâu thuẫn được thỏa hiệp dễ dàng. Tương tự với ba nhân vật trong đoàn kịch, sự bổ sung của họ vào câu chuyện chính không thực sự thuyết phục. Nhưng bù lại diễn xuất của tất cả các diễn viên đều rất tuyệt vời. Cũng chính vì họ thể hiện quá tốt nhân vật của mình mà làm lộ ra sự non nớt của kịch bản.
Bối cảnh của phim là giáng sinh nên những khung hình mang nhiều không khí lễ hội của đèn đóm, trang phục, nhà cửa. Dù phải ghi hình tại Manhattan vài tháng sau Giáng Sinh, khiến đoàn phim phải xin phép nhiều hộ gia đình để trang trí lại nhưng cảnh trí vẫn cực kì thuyết phục. Cái hay ho nhất khi xem những bộ phim kiểu này chính là khán giả được "du lịch" đến những thành phố lớn bằng chính nhịp sống ở nơi đó.
Phim còn có một hình ảnh ấn tượng được lặp lại nhiều lần, chính là những miếng mô hình ngã đổ trong hiệu ứng domino. Đây là một hình ảnh ẩn dụ rất giá trị trong việc đúc kết nỗi đau và cách nhìn của một người với cuộc sống. Bạn có thể xây nó lên thật cao, thật đẹp, thật nề nếp như Howard đã làm nhưng cũng chính bạn sẽ là người xô đổ tất cả nếu thỏa hiệp với những yếu đuối, và từ đó gây ra những dây chuyền hệ lụy không hề đẹp đẽ. Mà cụ thể ở Vẻ Đẹp Cuộc Sống chính là sự tan vỡ của gia đình Howard và công ty đứng trên bờ vực nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những người khác.
Hiệu ứng domino xuất hiện ấn tượng ngay từ đầu phim
Tóm lại, Vẻ Đẹp Cuộc Sống dù còn nhiều điểm chưa thỏa mãn nhưng vẫn là một tác phẩm tích cực và ý nghĩa. Tuy rằng những thông điệp trong phim hơi cũ nhưng nó không được thể hiện một cách hời hợt. Có rất nhiều câu thoại hay sẽ khiến bạn nhận ra được nhiều điều đáng quý trong câu chuyện của bản thân mình. Dàn diễn viên tên tuổi chính là một bảo chứng khác về diễn xuất, giúp bộ phim có một linh hồn tròn trịa, là một tác phẩm nhẹ nhàng đáng xem dịp đầu năm mới trước khi những bom tấn ào ạt đổ bộ.
Phim được công chiếu từ ngày 6/1/2017.